leftcenterrightdel
 Nhiều người không muốn lên làm sếp vì không có ý định gắn bó lâu dài với công ty. 

Theo cuộc khảo sát của cổng thông tin tìm kiếm việc làm trực tuyến Job Korea thực hiện, 54,8% số người được hỏi không muốn thăng tiến lên vai trò mới.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến lựa chọn này. Trong đó, 43,6% dân văn phòng bày tỏ sự khó chịu khi phải gánh vác thêm trách nhiệm.

Ngoài ra, 20% tin rằng việc lên chức khó có thể thành hiện thực, 13,3% cảm thấy không thể duy trì sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống, 11,1% thiếu động lực để đảm nhận các vị trí cao hơn và 9,8% không có kế hoạch gắn bó lâu dài với công ty.

Về nguyện vọng thay đổi cấp bậc, 50,8% người tham gia muốn làm việc ngang bằng với đồng nghiệp, trong khi 27,3% hy vọng được sớm làm sếp.

55,5% số khác nói rằng họ chấp nhận khối lượng công việc hiện tại. Khi đề cập đến thời gian làm việc, 46,5% thỏa mãn với lịch trình của họ và những người chung bộ phận.

Tuy nhiên, 42,8% bày tỏ hơi không hài lòng với các nhiệm vụ của bản thân và 9% hoàn toàn không thích.

Gần một nửa số người được hỏi (khoảng 47%) cho biết họ đang chuẩn bị chuyển sang công ty khác, với 26,2% đang tích cực tìm kiếm nơi ứng tuyển mới, Korea Bizwire đưa tin.

leftcenterrightdel
Theo nhận định củaInsider, người lao động Hàn Quốc đang làm việc quá sức nhất ở châu Á. Ảnh:New York Times.  

Vào tháng 4/2023, Job Korea cũng tiến hành một cuộc khảo sát với 855 người lao động tại xứ kim chi, khoảng một nửa trong số đó (48,5%) tự coi mình là người "nghiện công việc”.

Khoảng 1/3 "cổ cồn trắng" chia sẻ họ làm thêm ít nhất 3 ngày/tuần, 20,5% xử lý thêm các đầu việc 2 ngày/tuần và hơn 10% làm tới 4-5 ngày/tuần.

Kết quả của thống kê cũng chỉ ra rằng phần lớn người nghiện việc rơi vào tình trạng kiệt sức (burnout).

77,8% người đã từng hoặc đang trong trạng thái sức cùng lực kiệt, thậm chí ngã gục với tần suất "thỉnh thoảng" đến "rất thường xuyên".

Hàn Quốc là quốc gia nơi người lao động làm việc quá sức nhiều nhất ở châu Á và nhiều thứ 5 trên thế giới, theo dữ liệu triển vọng việc làm do Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) tổng hợp vào năm 2022.

Còn theo một nghiên cứu được thực hiện bởi nền tảng tuyển dụng Saramin trên 1.129 nhân viên văn phòng, hơn một nửa số người được hỏi có quan điểm tiêu cực về các chính sách nhân sự của công ty mình làm việc.

Các tiêu chí đánh giá nhân viên không rõ ràng chiếm 70,5%, quyết định đơn phương của cấp trên là 49,2% và không phản ánh xu hướng làm việc đã thay đổi của thế hệ trẻ (31,3%).

"Không giống như trước đây, khi thăng tiến được coi là tiêu chuẩn tuyệt đối để thành công, thế hệ trẻ bây giờ có nhiều cách khác nhau để đạt được điều đó. Trong quá trình phấn đấu, họ muốn có đủ thời gian để giải trí và cả phát triển sự nghiệp", một nhân viên tại Saramin giải thích.

Theo zingnews