Bắt đầu từ cuối tháng 9, người dân Anh khi muốn đến các câu lạc bộ, hộp đêm và những sự kiện tụ tập đông người khác, cần phần phải xuất trình được bằng chứng đã tiêm vaccine, Nadhim Zahawi - thứ trưởng chuyên trách việc triển khai vaccine của Anh - hôm 5/9 xác nhận.

Ông cho biết đây là thời điểm thích hợp để bắt đầu kế hoạch này, vì tất cả người trên 18 tuổi tại Anh sẽ được cung cấp hai liều vaccine vào lúc đó.

Kế hoạch này đã gây không ít tranh cãi từ nhiều người dân và một số nghị sĩ.

Ông Zahawi thừa nhận bản thân không mong muốn điều này, nhưng tin rằng "hộ chiếu" vaccine là cách tốt để duy trì việc mở cửa nền kinh tế, trong bối cảnh mỗi ngày nước này vẫn ghi nhận trên 30.000 ca mắc mới, bất chấp trên 65% dân số đã được tiêm chủng.

Tuy nhiên, Anh không phải là nước đầu tiên áp dụng biện pháp này. Nhiều quốc gia châu Âu (như Đan Mạch, Hy Lạp, Pháp, Italy), một số tỉnh của Canada và các thành phố New Orleans, New York và San Francisco của Mỹ đã triển khai "hộ chiếu" vaccine.

Chương trình vấp phải nhiều sự phản đối ở một số nơi vì lo ngại bất bình đẳng và phân biệt đối xử, nhưng vẫn cho thấy nhiều dấu hiệu khả quan trong việc tăng tỷ lệ tiêm chủng và giảm số ca mắc Covid-19 mới.

                                              Giới trẻ Anh đến hộp đêm hôm 19/7, ngày đầu tiên nước này nới lỏng hạn chế sau 1,5 năm. Ảnh: AP.


Những nước đi đầu áp dụng "hộ chiếu" vaccine


Cuối tháng 8, chính phủ Đức thông báo sẽ chỉ cho phép người đã tiêm vaccine, người hồi phục sau khi mắc Covid-19, và người có kết quả xét nghiệm âm tính với virus được đến các tụ điểm trong nhà như nhà hàng, rạp phim, nơi tổ chức hòa nhạc.

Biện pháp này sẽ được duy trì cho tới khi số ca mắc Covid-19 mới mỗi ngày giảm xuống một mức đủ thấp.

Kể từ ngày 6/8, chính phủ Italy yêu cầu các cá nhân xuất trình thẻ xanh - chứng nhận kỹ thuật số Covid-19 của Liên minh châu Âu (EU) - để tham dự các sự kiện lớn, dùng bữa trong nhà hàng, vào phòng tập thể thao và nhiều hoạt động khác.

Về cơ bản, thẻ xanh là giấy thông hành vaccine, bao gồm chứng nhận tiêm chủng đầy đủ, kết quả xét nghiệm PCR âm tính trong 48h hoặc chứng minh có miễn dịch sau khi phục hồi từ Covid-19.

Theo một cuộc khảo sát do SWG Research thực hiện, hơn 50% người Italy ủng hộ việc áp dụng hệ thống thẻ xanh để điều chỉnh các hoạt động khác ngoài việc đi lại.

Israel là một trong những quốc gia áp dụng hệ thống thẻ xanh từ rất sớm, vào đầu năm nay. Sau khi tỷ lệ lây nhiễm giảm, các nhà chức trách đã quyết định kết thúc chương trình này.

Tuy nhiên, đến cuối tháng 7, chính phủ công bố khôi phục chương trình, trong bối cảnh số ca mắc Covid-19 mới ở nước này gia tăng trở lại.

Theo Times of Israel, hệ thống thẻ xanh sẽ chỉ cho phép người trên 12 tuổi đã được tiêm vaccine, phục hồi khỏi Covid-19 hoặc có kết quả xét nghiệm âm tính với virus tham dự các sự kiện lớn, hoặc vào một số không gian công cộng nhất định.

Thẻ xanh được yêu cầu tại các sự kiện văn hóa và thể thao, phòng tập thể dục, nhà hàng, hội nghị, điểm du lịch và nơi thờ tự.

Dấu hiệu tốt từ “hộ chiếu” vaccine


Sau gần một tháng áp dụng hộ chiếu vaccine, số ca mắc Covid-19 mới theo ngày ở Pháp liên tục giảm, trong khi tỷ lệ tiêm chủng tăng mạnh, theo Global News.

                    Một người được kiểm tra giấy chứng nhận đã tiêm vaccine trước khi vào xem lễ hội âm nhạc Les Vieilles Charrues ở Pháp. Ảnh: AFP.


Kể từ ngày 9/8, người dân Pháp bắt buộc phải xuất trình bằng chứng đã tiêm chủng hoặc kết quả xét nghiệm âm tính virus nếu muốn dùng bữa tại nhà hàng, đi tàu hoặc máy bay, hoặc vào các trung tâm mua sắm và một số tụ điểm khác.

Hơn một triệu người đã đăng ký tiêm vaccine trong một ngày, sau khi Tổng thống Emmanuel Macron công bố chính sách vào ngày 12/7. Gần 72% người dân được tiêm ít nhất một liều vaccine tính đến ngày 30/8, tăng mạnh so với 53,6% vào ngày 12/7, nhờ chính sách “hộ chiếu” vaccine, bất chấp việc chính sách này vấp phải nhiều sự phản đối.

Trong tuần từ ngày 9/8 đến 16/8, trung bình mỗi ngày Pháp ghi nhận khoảng 23.000 ca nhiễm mới. Đến này 2/9, sau gần 3 tuần triển khai “hộ chiếu” vaccine, cả nước báo cáo 15.911 trường hợp mới.

Tại Canada, một số tỉnh và thành phố cũng đã áp dụng thí điểm giấy thông hành vaccine, chẳng hạn như Quebec, British Columbia, Ontario. Chính sách này đã góp phần đáng kể trong việc tăng độ phủ vaccine.

“Tỷ lệ tiêm chủng đã tăng lên đáng kể ngay sau khi có thông báo triển khai giấy thông hành vaccine. Điều đó đã xảy ra ở Pháp, và cũng đang xảy ra ở Quebec và sau đó là ở British Columbia (Canada)”, tiến sĩ Isaac Bogoch, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tại Bệnh viện Đa khoa Toronto, nói.

Ngay cả ở Ontario, nơi chỉ mới công bố chương trình “hộ chiếu” vaccine vào ngày 1/9, các cuộc hẹn tiêm chủng đã tăng hơn gấp đôi vào ngày hôm sau, theo một bài đăng của Christine Elliott - người đứng đầu Sở Y tế tỉnh Ontario.

Đây có thể là dấu hiệu tốt để nhiều nước khác trên thế giới áp dụng mô hình này nhằm tăng tỷ lệ tiêm chủng và giảm số ca nhiễm, đồng thời dần mở cửa và phục hồi nền kinh tế.

Tại châu Á, Nhật Bản cũng đang xem xét việc sử dụng rộng rãi "hộ chiếu" vaccine cho các mục đích thương mại, như một phần của nỗ lực thiết lập lại các hoạt động kinh tế và xã hội trong nước, theo dự thảo kế hoạch của chính phủ, Japan Times đưa tin.

                                                              Một điểm tiêm chủng ở Osaka, Nhật Bản, ngày 24/5. Ảnh: Kyodo.


Giấy chứng nhận vaccine sẽ được sử dụng tại các cửa hàng và các tụ điểm cụ thể. Chủ doanh nghiệp có thể tự do quyết định sẽ cung cấp loại dịch vụ nào và cho ai.

Kế hoạch đề xuất người có “hộ chiếu” vaccine có thể được giảm giá và sử dụng các dịch vụ bổ sung.

Bản dự thảo kế hoạch viết: “Việc sử dụng ‘hộ chiếu’ vaccine sẽ được chấp nhận rộng rãi”.

Tuy nhiên, dự thảo cảnh báo về hành vi phân biệt đối xử không phù hợp đối với những người không xuất trình giấy chứng nhận đã tiêm vaccine, cấm các doanh nghiệp thu phí bất hợp lý đối với những người này.

Hiện tại, Nhật Bản chỉ cấp giấy thông hành vaccine cho mục đích đi lại quốc tế. Tuy nhiên, chính phủ đang có kế hoạch mở rộng áp dụng chính sách đó trong nước và số hóa hệ thống vào cuối năm nay.

Theo Zing