leftcenterrightdel
Người độc thân ở Singapore sẽ được ưu tiên khi mua nhà chung hoặc gần cha mẹ từ giữa năm 2025. Ảnh:Stephanie Lee/Rice Media. 

Tại Singapore, những người độc thân nộp đơn xin mua căn hộ xây dựng theo đơn đặt hàng (BTO) sẽ được ưu tiên khi mua nhà chung hoặc gần cha mẹ từ giữa năm 2025. Đây là một trong những thay đổi quan trọng về chính sách nhà ở được Thủ tướng Lawrence Wong công bố trong bài phát biểu vào ngày 18/8.

Chương trình ưu tiên mua nhà này vốn chỉ dành cho những người đã kết hôn. Hiện tại, những người độc thân chỉ được phép nộp đơn xin căn hộ BTO linh hoạt hai phòng từ độ tuổi 35, nếu họ muốn sống trong một căn hộ mới. Họ có thể mua một căn hộ trên thị trường bán lại từ độ tuổi 35 mà không có bất kỳ hạn chế nào về diện tích căn hộ.

Khi giải quyết những lo ngại về nhà ở, Thủ tướng Wong cho biết ông đã yêu cầu Bộ Phát triển Quốc gia Singapore "xem xét những gì chúng ta có thể làm thêm cho người độc thân".

Còn tại Bỉ, một thập kỷ qua, Carla Dejonghe đã nỗ lực làm nổi bật những bất lợi mà người sống một mình thường phải đối mặt, có thể là do chi phí sinh hoạt cao hơn hoặc do họ cho rằng mình phải sẵn sàng làm việc vào buổi tối hay cuối tuần.

Đến đầu năm nay, ủy viên hội đồng Bỉ đã tự mình giải quyết vấn đề, biến thành phố bà đang sống, Woluwe-Saint-Pierre, thành nơi đầu tiên ở đất nước này - và có lẽ là ở cả châu Âu - tính đến người độc thân trong những chính sách của mình.

"Đây là một cột mốc quan trọng", Dejonghe cho biết. "Lần đầu tiên, một thành phố cam kết xem xét các chính sách của mình thông qua lăng kính của người độc thân".

Dejonghe - người tự coi mình nằm trong số 36% hộ gia đình chỉ có một người trưởng thành ở Bỉ - mô tả nhóm người sống một mình là "điểm mù lâu dài" khi nói đến việc hoạch định chính sách. "Không ai từng nghĩ về điều đó. Và trên thực tế, không ai biết rằng nhóm này lại lớn đến vậy", bà nói.

"Một lúc nào đó, bạn sẽ hoàn toàn cô đơn"

Trên khắp EU, số hộ gia đình chỉ có một người lớn, có hoặc không có trẻ em, đã tăng vọt 30% chỉ trong hơn một thập kỷ. Vào năm 2022, gần 72 triệu người sống một mình ở EU. Eurostat mô tả đây là loại hộ gia đình phổ biến nhất trên toàn khối.

Tuy nhiên, nhóm này liên tục bị các chính trị gia bỏ qua, Dejonghe cho biết, có lẽ là do nó đa dạng hơn nhiều so với quan niệm thông thường.

"Nếu bạn nói về việc sống một mình, mọi người đều nghĩ đến phim 'Sex and the City'. Nhưng không phải vậy", bà nói thêm, lấy ví dụ những người đã ly hôn, góa bụa...

Trong những năm gần đây, khái niệm "singles tax" (thuế độc thân) hay "single penalty" (hình phạt độc thân) gây chú ý, ám chỉ những chi phí phát sinh mà những người không có ai để chia sẻ tiền thuê nhà, hóa đơn tiền điện, wifi và phí thuê bao truyền hình phải gánh chịu.

Tại Anh, một công ty dịch vụ tài chính gần đây cho rằng những chi phí phát sinh này có thể lên tới hơn 10.000 bảng Anh/năm và trở nên trầm trọng hơn do có các khoản giảm phí, khuyến mãi dành cho những người đã kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng.

Cuối tháng 1, hội đồng tại Woluwe-Saint-Pierre đã bỏ phiếu nhất trí thông qua bản hiến chương do Dejonghe soạn thảo.

leftcenterrightdel
 "Nếu bạn nói về việc sống một mình, mọi người đều nghĩ đến phim 'Sex and the City'. Nhưng không phải vậy", Dejonghe nói. Ảnh:Alamy. 

Văn bản hiến chương nhấn mạnh mục đích đảm bảo các hộ gia đình chỉ có một nguồn thu nhập được đối xử bình đẳng với những hộ gia đình khác, đồng thời nói thêm: "Với tư cách là những nhà hoạch định chính sách, chúng tôi không còn coi gia đình truyền thống là chuẩn mực nữa mà phải phấn đấu đưa ra các biện pháp trung lập với các điều kiện sống".

Chính sách mới bao gồm các biện pháp từ khuyến khích dự án nhà ở mới phù hợp với nhiều kiểu hộ gia đình, cho đến điều chỉnh những lời mời sự kiện "đưa theo người yêu/bạn đời" thành "một người đi kèm".

Thành phố cũng sẽ hướng đến mục tiêu làm cho các hoạt động do mình tổ chức trở nên dễ tiếp cận. "Nếu bạn tổ chức những hoạt động như học nhảy tango, bạn phải có hai người", Dejonghe cho biết, đồng thời nói thêm rằng các lớp học cũng phải có giá cả phải chăng đối với những người sống bằng một nguồn thu nhập.

Hiến chương cũng cam kết ủng hộ các hoạt động thân thiện với người độc thân trong ngành dịch vụ khách sạn địa phương, chẳng hạn như bàn ăn chung và nhiều loại rượu vang chất lượng hơn theo ly. Các nơi làm việc cũng sẽ được khuyến khích xem xét lại hoạt động phổ biến là dựa vào những người sống một mình bất cứ khi nào cần làm thêm giờ.

"Đây chỉ là những điều đơn giản. Chúng không tốn nhiều tiền nhưng rất hợp lý", Dejonghe nói.

Dejonghe, cũng là thành viên của quốc hội Bỉ, cho biết bà vẫn chưa nhận được bất kỳ phản ứng tiêu cực nào, nói rằng đó là nhờ "đã cẩn thận nhấn mạnh rằng hiến chương không hề nhằm mục đích làm giảm tầm quan trọng của các gia đình truyền thống".

"Đó là về sự bình đẳng. Mọi người phải nhận thức được hai điều: nếu điều đó tốt cho người sống một mình, thì nó cũng sẽ tốt cho mọi người. Và thứ hai, dù bạn có muốn hay không, thì đến một lúc nào đó trong cuộc đời, bạn sẽ hoàn toàn cô đơn", bà nói.

Dejonghe mô tả hiến chương này là bước đầu tiên hướng tới giải quyết thực tế này. "Xã hội của chúng ta đã phát triển nhưng các chính sách của chúng ta vẫn chưa theo kịp. Đây là những bước nhỏ nhưng chúng ta phải bắt đầu từ đâu đó".

Bữa tiệc của một người

Không chỉ chính sách pháp luật, thái độ xã hội cũng đang thay đổi khi nói đến chuyện độc thân. Thay vì hướng đến mục tiêu duy nhất là "gia đình chuẩn mực" theo truyền thống, mọi người dần xem việc sống một mình, không kết hôn, ly hôn, làm bố mẹ đơn thân... cũng là những lựa chọn tùy thuộc vào quan niệm, hoàn cảnh sống của từng cá nhân.

Nghiên cứu của Đại học Quốc gia Singapore xác định 80% số người không có con ở độ tuổi 50 trở lên có mức độ hạnh phúc tương đương với những người có con nhờ sự ủng hộ từ bạn bè, gia đình.

Paul Cheung, giáo sư nhân khẩu học ở trường Chính sách Công Lee Kuan Yew, nói rằng "thật dễ dàng để trở thành người độc thân ở Singapore". Mong muốn kết hôn từng được các chuẩn mực xã hội và giá trị truyền thống củng cố. Song các giá trị đó đã dần phai nhạt. Vì vậy, giới trẻ không còn đặt nặng việc kết hôn như trước đây.

Giáo sư nói thêm: "Các gia đình Singapore giờ đây cũng đã thay đổi. Một người độc thân có thể dễ dàng kết nối với một gia đình khác. Và không ít người độc thân còn chuyển đến sống cùng anh chị ruột để chăm sóc cháu trai của mình, họ làm còn tốt hơn nhiều so với cha mẹ của chúng".

leftcenterrightdel
 Khi số lượng người độc thân tăng lên, quan niệm về gia đình, hôn nhân cũng dần thay đổi. Ảnh:The New York Times. 

Ở Hàn Quốc, cấu trúc gia đình truyền thống đang mất đi sức hấp dẫn. Trong cuộc khảo sát do Bộ Bình đẳng giới và Gia đình ủy quyền vào năm 2020, gần 70% số người được hỏi cho rằng những người sống chung và chia sẻ chi phí phải được coi là một gia đình ngay cả khi họ không có mối quan hệ hôn nhân hay huyết thống.

Năm 2022, Ủy ban Nhân quyền Quốc gia Hàn Quốc khuyến khích hợp pháp hóa "civil union" (kết hợp dân sự, chung sống dân sự là chung sống có đăng ký cho các cặp đôi cùng giới) để cung cấp cho các cặp chưa kết hôn, bao gồm cả những người cùng giới tính, các lợi ích cũng như sự bảo vệ pháp lý về hôn nhân, bao gồm cả giấy ủy quyền y tế.

Năm ngoái, cuộc khảo sát của chính phủ nhận thấy rằng đa số người Hàn Quốc tin rằng xu hướng giảm tỷ lệ sinh có thể được cải thiện nếu nước này hỗ trợ cả những người chưa kết hôn.

Hơn một thập kỷ trước, nhiều người Nhật Bản vẫn cảm thấy xấu hổ khi bị phát hiện ngồi ăn một mình trong căng tin trường học hoặc văn phòng, đến nỗi họ chọn ăn trong buồng vệ sinh. Việc tỏ ra là người cô độc, không có bạn bè là điều không nên, dẫn đến cái được gọi là "benjo meshi" - "bữa trưa trong nhà vệ sinh".

Nhưng ngày nay, nhiều người cảm thấy thoải mái, tận hưởng việc ở một mình với khái niệm "ohitorisama" có nghĩa là "bữa tiệc của một người".

Tìm kiếm hashtag trên Instagram bằng tiếng Nhật và bạn sẽ tìm thấy hàng trăm nghìn bức ảnh: bữa ăn nhà hàng được bày sẵn cho một người, hành lang rạp chiếu phim, lều dựng tại khu cắm trại hoặc ảnh chụp phương tiện giao thông làm nổi bật những chuyến đi một mình.

Motoko Matsushita, cố vấn cấp cao tại công ty nghiên cứu kinh tế lớn nhất Nhật Bản, Viện nghiên cứu Nomura tại Tokyo, cho biết: "'Bạn phải kết hôn, bạn phải có con' - những áp lực xã hội này đang giảm bớt". Bà trích dẫn một cuộc khảo sát với 10.000 người mà mình đã thực hiện cho thấy thái độ đối với sự độc lập và "sự linh hoạt trong gia đình" đã tăng lên từ năm 2015 đến năm 2018. Ví dụ, số ít người cảm thấy tất cả nên kết hôn và sinh con, trong khi nhiều người cho rằng việc ly hôn là hoàn toàn ổn ngay cả khi bạn đã có con.

Theo lifestyle.znews