leftcenterrightdel
 Người sống một mình phải chấp nhận chi khoản tiền lớn hơn để thuê nhà ở các thành phố lớn.

Trong bộ phim The Lobster (năm 2015) của đạo diễn Yorgos Lanthimos, mọi người đều phải được ghép đôi theo luật. Khi một mối quan hệ kết thúc, các bên được đưa đến một nơi ẩn dật dành cho người độc thân. Tại đây, họ phải nhanh chóng tìm "đối tác" mới, có thể dựa trên một số yếu tố hoàn toàn ngẫu nhiên - như cùng đeo kính hoặc bị chảy máu mũi thường xuyên.

Nếu không tìm được bạn đời mới trong khoảng thời gian cho phép, mọi người sẽ bị biến thành một con vật hoặc phải sống như kẻ bị ruồng bỏ trong vùng hoang dã, bị các cặp đôi săn đuổi, giết chết một cách tàn nhẫn.

Trên thực tế, người độc thân không đối mặt với hậu quả phi lý, bị đẩy lên mức cực đoan như trong thế giới giả tưởng kỳ quặc của The Lobster. Thế nhưng, ở một số quốc gia, lựa chọn sống một mình có thể đồng nghĩa với việc phải chấp nhận trả một cái giá cao hơn so với khi kết hôn. Điều này đã dẫn đến sự xuất hiện của một thuật ngữ mới là "singles tax" (thuế độc thân) hay "single penalty" (hình phạt độc thân).

Theo Euro News thuế độc thân đơn giản dùng để chỉ tất cả chi phí phát sinh mà những người không kết hôn hay sinh con phải đối mặt. Còn Forbes định nghĩa thuế độc thân nói chung ám chỉ "gánh nặng tài chính mà những người độc thân phải gánh chịu, trái ngược với những người ở trong mối quan hệ hoặc đã kết hôn". Thuế độc thân có thể ám chỉ bất cứ điều gì từ lợi thế về thuế cho những người đã kết hôn đến cơ hội chia sẻ chi phí như tiền thuê nhà, tiền tạp hóa, tiền trả góp xe hơi, đăng ký kỹ thuật số, khách sạn...

Câu chuyện nhà ở

Cuộc khảo sát của Forbes Advisor với 1.008 người trưởng thành tại Mỹ cho thấy 93% người độc thân đồng ý rằng họ đã phải trả thuế độc thân.

Nghiên cứu của sàn giao dịch bất động sản Zillow cho thấy thuế độc thân dành cho người sống một mình ở Mỹ có thể lên tới hàng nghìn USD mỗi năm. Không có gì ngạc nhiên khi mức thuế này cao nhất ở thành phố New York.

Ở "Big Apple", những người thuê nhà độc thân chi trung bình 40.200 USD/năm để sống một mình trong căn hộ một phòng ngủ. Tuy nhiên, các cặp đôi có thể chia đôi chi phí đó, để mỗi người trả khoảng 20.100 USD/năm.

Theo dữ liệu của Zillow, số tiền 20.100 USD mà những người sống một mình ở New York phải trả cho thuế độc thân cao gấp đôi mức trung bình toàn quốc là 7.110 USD. 

Các thành phố có mức thuế độc thân cao nhất (New York, San Francisco, San Jose) có xu hướng là những nơi có chi phí nhà ở lớn nhất tại Mỹ. Theo Zillow, tại thành phố New York, giá thuê trung bình cho một căn hộ một phòng ngủ là 3.350 USD, cao gấp 2,8 lần giá thuê trung bình trên toàn nước Mỹ.

Kenny Lee, nhà kinh tế tại StreetEasy, công ty môi giới bất động sản thuộc sở hữu của Zillow, chia sẻ với CNBC Make It: "New York từ trước đến nay là một trong những thị trường cho thuê đắt đỏ nhất cả nước, nhưng trong vài năm trở lại đây, giá thuê nhà trên toàn thành phố đã tăng vọt lên mức cao nhất từ trước đến nay".

Lee nói thêm thành phố đang phải đối mặt với một vấn đề đã tồn tại trong nhiều thập kỷ là nhu cầu thuê nhà ngày càng tăng vượt quá khả năng tạo ra nguồn cung nhà ở mới.

Để tính giá thuê trung bình năm 2023, Zillow đã sử dụng kết hợp dữ liệu của Cục điều tra dân số Mỹ và danh sách cho thuê của riêng mình. Giá ở New York dựa trên dữ liệu cho thuê từ StreetEasy.

Không chỉ là tiền thuê nhà

Chi phí nhà ở có thể là gánh nặng tài chính rõ ràng nhất đối với những người sống một mình. Tuy nhiên, còn có những chi phí khác nữa, bao gồm thực phẩm, chăm sóc y tế, giao thông và giải trí.

Dưới đây là chi phí cho một năm chi tiêu tại New York, chưa bao gồm thuế, theo ước tính của Viện Công nghệ Massachusetts. Các số liệu được đo bằng USD đã điều chỉnh theo lạm phát năm 2022:

- Hộ gia đình một người: 39.130 USD/năm

- Hộ gia đình có hai người, cả hai đều đi làm: 56.033 USD/năm

Nếu chia đôi chi phí thông thường của một cặp đôi, có thể thấy người độc thân phải trả nhiều tiền hơn. CNBC Make It lấy thực phẩm làm ví dụ: "Như bất kỳ ai đã mua sắm tại Costco đều biết, thực phẩm được bán với số lượng lớn thường có chi phí cho mỗi đơn vị thấp hơn. Trong khi một cặp đôi hoặc gia đình có thể tận dụng những khoản tiết kiệm đó, thì khẩu phần lớn hơn có thể không thực tế đối với một người, đặc biệt là đối với hàng hóa dễ hỏng".

leftcenterrightdel
 Các chi phí ăn uống, đi lại, giải trí... đều đắt đỏ hơn nếu không có người chia sẻ.

Khi đi ăn ngoài, những người độc thân cũng ít có khả năng tận dụng được các ưu đãi dành cho các cặp đôi hoặc gia đình. Tương tự, chi phí đi lại có thể tăng nhanh chóng, với những người không có người yêu/bạn đời không phải lúc nào cũng có thể tiếp cận được các khoản giảm giá như thẻ tàu Two Together ở Anh. Điều này cũng áp dụng cho khách sạn và các hoạt động nghỉ lễ khác, với một người đi một mình sẽ bỏ lỡ các khoản giảm giá đáng kể cho nhóm.

Tương tự như vậy khi nói đến các tiện ích như hóa đơn tiền nước và năng lượng, có thể hoạt động theo mức giá cố định và chủ yếu tính đến hộ gia đình có hai người. Các chi phí giải trí khác như dịch vụ phát trực tuyến Netflix và Amazon Prime cũng sẽ đắt hơn.

Ocean Finance ước tính rằng những người độc thân ở Anh phải trả thêm khoảng 200 bảng Anh/tháng cho các hóa đơn - bao gồm cả nhà ở - so với khi họ có một người lớn khác để chia sẻ chi phí. Tương tự, họ chi thêm khoảng 15 bảng Anh cho thực phẩm và rượu, thêm 39,5 bảng Anh cho các kỳ nghỉ và thêm 26,4 bảng Anh cho các gói đăng ký.

Finn Wheatley, chuyên gia phân tích rủi ro tại The Small Business Blog, đã được Big Issue trích dẫn ý kiến như sau: "Chi phí sinh hoạt một mình tăng lên. Thứ nhất, thuế đánh vào người độc thân nhiều hơn so với các cặp đôi hoặc gia đình. Sống một mình, mọi thứ từ tiền thuê nhà đến tiền tạp hóa, chăm sóc sức khỏe đều là trách nhiệm của một người, không có ai chia sẻ chi phí".

Vượt xa gánh nặng tài chính

Mặc dù mọi người có thể tìm cách để trả ít tiền thuê nhà hơn và giảm hóa đơn mua sắm nhưng mức thuế cao hơn đối với người độc thân vẫn khiến họ đau đầu. Ví dụ, ở Anh, trợ cấp kết hôn có thể cắt giảm hóa đơn của một cặp đôi khoảng 1.000 bảng Anh.

Theo OECD, vào năm 2022, tại Bỉ, mức thuế đối với người lao động độc thân không có con là khoảng 53%, trong khi Đức là 47,8% và Áo là 46,8%. Pháp đánh thuế người lao động độc thân không có con là 47,0%, còn Italy áp dụng mức thuế 45,9%.

 
leftcenterrightdel
 Thuế độc thân có thể ảnh hưởng đến các mối quan hệ và khả năng ra quyết định của mọi người.

Ngược lại, mức thuế của Bỉ đối với một công nhân đã kết hôn có hai con trung bình là 37,8% vào năm 2022, trong khi Đức đánh thuế họ ở mức 32,9% và Áo là 30,2%. Pháp đánh thuế cặp đôi ở mức 39,2%, còn Italy là 34,9%.

Theo chuyên gia trị liệu về hôn nhân và gia đình Sophie Cress, tác động của thuế độc thân có thể vượt xa gánh nặng tài chính.

Thuế độc thân có thể gây ra những hậu quả vượt ra ngoài vấn đề tiền bạc, ảnh hưởng đến các mối quan hệ và khả năng ra quyết định của mọi người. Tỷ lệ ngày càng tăng của những người cố gắng duy trì mối quan hệ với lý do tài chính cho thấy áp lực xã hội và kinh tế mà những người độc thân phải đối mặt.

"Nhiều người tự hỏi liệu họ có đủ khả năng sống độc thân, cả về mặt tài chính lẫn tình cảm, trong một thế giới mà chi phí sinh hoạt một mình có vẻ đắt đỏ", bà Cress nói.

Thuế độc thân có thể khiến người sống một mình cảm thấy bị cô lập và kỳ thị về mặt xã hội. Nguyên nhân là xã hội có xu hướng coi trọng hơn các mối quan hệ lãng mạn và gia đình, khiến những người độc thân cảm thấy bị thiệt thòi. Bà Cress cho biết: "Kết quả là những cá nhân này có thể trải qua cảm giác bất lực hoặc không xứng đáng vì chuẩn mực cho rằng hạnh phúc và sự viên mãn chủ yếu đạt được thông qua các mối quan hệ lãng mạn".

Theo lifestyle.znews