"Tôi muốn mở rộng vòng kết nối xã hội. Tôi không gặp được nhiều phụ nữ do đặc thù công việc", Zhang cho biết, nói thêm rằng anh cũng đang chịu ngày càng nhiều áp lực phải ổn định cuộc sống từ phía gia đình.

Đông đảo người dân Trung Quốc khác cũng rơi vào tình huống tương tự Zhang. Các ủy ban đoàn Thanh niên Cộng sản Trung Quốc ở các địa phương đang tăng cường tổ chức sự kiện mai mối cho những người độc thân, khi quốc gia đông dân nhất thế giới phải đương đầu tình trạng mất cân bằng giới tính nghiêm trọng, nam giới nhiều hơn nữ tới hàng chục triệu người.

Tỷ lệ kết hôn đang sụt giảm trên toàn quốc. Theo dữ liệu của Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc (NBS), nước này có 8,14 triệu cặp đăng ký kết hôn vào năm 2020, thấp hơn rõ rệt so với con số 13,47 triệu cặp vào năm 2013. Trong khi đó, tỷ lệ sinh cũng giảm còn 7,52 ca trên 1.000 người hồi năm ngoái, mức thấp nhất kể từ năm 1949, khi nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa được thành lập.

Đây là một phần hệ quả của chính sách một con, cùng tâm lý thích con trai hơn con gái tồn tại lâu dài ở Trung Quốc. Tình trạng mất cân bằng giới tính với thế hệ sinh từ năm 1980 đến 2016, năm các quy định được nới lỏng, đặc biệt nghiêm trọng ở những vùng nông thôn, khiến số lượng nữ giới càng ít ỏi.

Những người tham gia sự kiện mai mối ở thành phố Tế Nam, tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc, hồi tháng 10/2021. Ảnh: AFP.

Những người tham gia sự kiện mai mối ở thành phố Tế Nam, tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc, hồi tháng 10/2021. Ảnh: AFP.

Tại thành phố Tế Nam thuộc tỉnh Sơn Đông, hơn 100 người độc thân tham gia sự kiện làm quen do chính quyền hỗ trợ được tổ chức ở công viên. Thông tin của những người tham gia, trong đó có tuổi, nghề nghiệp và thu nhập được viết trên những mảnh giấy treo giữa các cây. Nhạc nổi lên, người dẫn chương trình bắt đầu giới thiệu các trò chơi đồng đội để hâm nóng bầu không khí.

"Tôi cảm thấy yên tâm hơn với những sự kiện do chính quyền tổ chức. Có nhiều trang web mai mối, nhưng nếu điền thông tin lên đó, bạn sẽ nhận những cuộc gọi quấy rối", kỹ sư 26 tuổi tên Li Changle nêu lý do tham gia.

Một khách mời khác tên Xu Feng, 40 tuổi, thừa nhận anh đăng ký tham gia vì bị gia đình giục cưới. "Tôi càng có tuổi thì áp lực càng đè nặng", Xu chia sẻ.

Tại tỉnh An Huy, phía đông đất nước, giới chức địa phương còn sử dụng công nghệ để kết nối những người trẻ. Họ phát động một chương trình trên nền tảng WeChat phổ biến ở Trung Quốc, nơi những người đăng ký có thể xem thông tin về chiều cao, nơi làm việc và thu nhập của một người.

"Nếu thích ai, bạn có thể kết bạn với người đó", Li Heng, đại diện đoàn Thanh niên Cộng sản tỉnh An Huy, giải thích, nói thêm rằng hoạt động mai mối của họ còn "có lợi thế về mặt tổ chức", nhờ khả năng tiếp cận những người độc thân ở khắp các công ty lớn và nhiều ngành nghề.

Leta Hong Fincher, tác giả một cuốn sách về nữ quyền tại Trung Quốc, đánh giá các đoàn thanh niên đã phụ trách "vai trò chủ chốt giúp đảm bảo những sự kiện mai mối quy mô lớn". Theo bà, giới chức không chỉ đang nỗ lực giải quyết vấn đề về tỷ lệ sinh, mà còn muốn khuyến khích phụ nữ có trình độ đại học kết hôn để đảm bảo "dân số chất lượng cao hơn".

Tháng 5/2021, Trung Quốc tuyên bố các cặp vợ chồng có thể đẻ ba con, sau nhiều thập kỷ thực thi chính sách kế hoạch hóa gia đình nghiêm ngặt, đồng thời tiến hành những biện pháp giúp hạn chế ly hôn. Tuy nhiên, tình trạng mất cân bằng giới tính đặc biệt nghiêm trọng ở vùng nông thôn có thể khiến tình yêu và hôn nhân ngoài tầm với của một số người.

Giới chức đang ưu tiên giải quyết vấn đề này, nhưng nỗ lực có nguy cơ phản tác dụng. Năm ngoái, một địa phương kêu gọi nữ giới nông thôn ở lại quê hương và kết hôn với nam giới độc thân tại đây, dẫn đến làn sóng chỉ trích gay gắt trên mạng. Giới chức sau đó phải giải thích rằng họ không có ý ép buộc nữ giới ở lại.

"Nếu bây giờ còn ở độ tuổi 20, tôi sẽ không tìm vợ", tài xế giao hàng trung niên Zhao Liang cho biết, chỉ ra rằng hôn nhân hiện nay "vô cùng thiên về vật chất" so với hồi ông kết hôn.

Vì vậy, chính quyền Trung Quốc cũng hướng đến giải quyết gánh nặng sính lễ tốn kém và những phong tục hôn nhân "không lành mạnh". Một số quan chức bắt đầu giới hạn tiền sính lễ ở mức 66.000 nhân dân tệ (10.000 USD) để đàn ông ở các vùng nông thôn dễ trang trải hơn.

Tuy nhiên, ngay cả khi không còn gánh nặng sính lễ, "người ta vẫn muốn bạn có nhà cửa và ôtô", Zhao cho hay. "Những thứ đó tốn ít nhất 500.000 - 600.000 nhân dân tệ (hơn 78.000 - 94.000 USD). Đối với một gia đình nông thôn, khoản tiền đó thật không dễ dàng", Zhao nói.

Theo vnexpress