leftcenterrightdel
 Tôi là người lý trí trong chuyện tiền bạc (ảnh minh họa)

Tôi là người khá lý trí, kiểu "tiền bạc phân minh, ái tình dứt khoát" nên không thích nợ ai cũng như không muốn cho ai vay nợ. Tuy nhiên, đời sống có nhiều điều không thể nói trước, không ai muốn phải vào thế phải vay mượn người khác. Vì vậy, để mất lòng trước được lòng sau, để không bị mất tiền mất luôn cả bạn bè người thân, tôi có những nguyên tắc riêng.

Trong đời sống hằng ngày, để có thể tập trung vào những thứ quan trọng và hữu ích nhất, tôi đều xác định mọi thứ, mọi mối quan hệ trong vòng ưu tiên kiểu như các lớp của củ hành. Vòng trung tâm sẽ là ba mẹ, anh chị em ruột, vợ chồng, con cái. Kế đến vòng thứ là bạn thân, họ hàng, người thân. Vòng thứ ba là những người tuy không thân, nhưng có mối liên kết trong cuộc sống như bạn bè, đồng nghiệp, người quen… Và khi quyết định có cho vay tiền hay không, tôi cũng xác định người vay là ai, vị trí ở đâu trong “bản đồ thân thiết” của mình.

Nếu là người ruột thịt ở vòng trung tâm, tôi sẽ giúp đỡ theo khả năng của mình, còn nếu chỉ xếp thứ tự ưu tiên ở vòng 2 hoặc vòng 3 hay xa hơn nữa, tôi sẽ không ngại ngần nói lời từ chối nếu những nguyên tắc của mình không được đảm bảo.

Khi ai đó hỏi mượn tiền, tôi không bao giờ hỏi ngay "mượn bao nhiêu" mà thay vào đó là câu hỏi lý do "cần tiền để làm gì". Đối với tôi, thông thường tôi chỉ cho người quen, bạn bè mượn tiền khi họ lỡ lâm cảnh ốm đau bệnh tật mà không có tiền xoay xở và tôi biết chắc họ không phải là người lười biếng, ham mê cờ bạc, đề đóm, cá độ… Đồng tiền giúp nhau khi hoạn nạn cơ cực mới có giá trị cao nhất. Với những trường hợp như thế này, tôi xem như số tiền cho vay đã mất. Nếu họ trả thì tốt, còn nếu không thể trả được thì tôi xem như mình đã giúp đỡ trong lúc họ cần nhất, không tiếc khi bị mất.

Còn những lý do khác như vay mua xe, mua đất, mua nhà… thì còn phải xem xét nhiều thứ.

leftcenterrightdel
 Cần thống nhất với nhau những nguyên tắc khi cho vay tiền để tránh rủi ro (ảnh minh họa)

Năm ngoái, cô họ của tôi hỏi vay tiền để mua mảnh đất nông nghiệp để trồng cây ăn quả. Tôi đồng ý cho vay vì đó là mảnh đất sinh nhai, nơi mà gia đình cô sẽ canh tác, lao động để sinh lợi, có thu nhập cho con cái đi học. Trong khi đó, đầu năm nay, một người bạn cũng tương đối thân hỏi vay tiền để lướt sóng nhà đất, chung cư, thì tôi từ chối. Một phần vì họ không nằm trong vùng các mối quan hệ ưu tiên và phần chính là lý do mượn tiền khiến tôi cảm thấy họ không quá túng bấn, có nhiều lựa chọn và phương án thay thế khác.

Tôi cũng có quan niệm không làm ăn chung với bạn bè, người thân nên cũng thường từ chối nếu họ mời gọi đầu tư tiền để chia lời.

Để nói lời từ chối cũng không phải đơn giản. Thông thường tôi sẽ nói tiền của tôi đang phải gửi ngân hàng chưa đến kỳ đáo hạn, nếu rút sẽ chịu thiệt trong khi sắp tới có vài dự định cần chi. Nếu đối phương có thiện chí, tôi sẽ hướng dẫn tìm ngân hàng cho vay với lãi suất thấp và có chính sách hỗ trợ tốt.

Đứng trước những lời mời gọi đầu tư, làm ăn chung, tôi thường khá cẩn trọng và tỉnh táo. Thông thường những người kêu gọi làm ăn chung sẽ đưa ra số tiền lãi hấp dẫn và “dễ ăn” để thuyết phục mọi người tham gia chung mà quên đi việc xem xét những rủi ro.

Những hội nhóm hùn hạp, đầu tư chung chia nhỏ lẻ chắc chắn sẽ không có tính pháp lý nên người chung nghiễm nhiên chấp nhận việc không được pháp luật bảo vệ. Tôi thì không có máu liều nên hầu hết tôi đều từ chối tham gia. Có những tốp bạn bè làm ăn cùng nhau đã thành công, giàu lên cùng nhau, nhưng đa phần tôi thấy không thất bại thì cũng không còn nhìn mặt nhau vì nảy sinh mâu thuẫn khi làm ăn cùng. May mắn là chưa đến mức thù hằn.

Nhìn chung, con người dễ thay đổi vì tác động của ngoại cảnh và thứ gì có dính dáng đến tiền bạc thì dễ biến chất, khó giữ sự thuần khiết ban đầu. Vì vậy, tôi mong mình giữ được những nguyên tắc gọi là "trí tuệ cho vay" để không mất đi những mối quan hệ tốt và bản thân được bình an.

Theo phụ nữ TPHCM