Ô nhiễm không khí ảnh hưởng đến hầu hết nơi trên thế giới - Ảnh: GETTY IMAGES
Nghiên cứu được các nhà khoa học thuộc Đại học Colorado (Mỹ) thực hiện, dựa trên dữ liệu về không khí từ nhiều vùng khác nhau trên thế giới.
Theo nhóm, các luồng không khí toàn cầu vốn có liên kết với nhau nên rất khó tìm được một nơi "thoát" khỏi khí thải công nghiệp.
Khi tìm hiểu, GS Sonia Kreidenweis - Đại học Colorado - cùng cộng sự bắt đầu chú ý đến Nam Đại Dương, vùng biển quanh Nam Cực.
Tại đây, nhóm nghiên cứu nhận thấy những tầng mây thấp gần như không chứa các sol khí (aerosol) sinh ra từ hoạt động sản xuất như đốt nhiên liệu hóa thạch, dùng thuốc trừ sâu...
Sol khí là hệ keo của các hạt chất rắn hay giọt chất lỏng trong không khí, có nguồn gốc từ tự nhiên hoặc do con người. Sol khí nhân tạo gây nên ô nhiễm, bụi, khói…
TS Thomas Hill - đồng tác giả nghiên cứu - cho biết nhóm dành nhiều công sức xác định nguồn gốc các sol khí dựa vào phương pháp phân tích các vi khuẩn trong không khí. Nhóm phát hiện hầu hết các sol khí ở đây đều có nguồn gốc tự nhiên, chủ yếu từ đại dương.
Nước biển vùng Nam Đại Dương - Ảnh: GETTY IMAGES
Ngoài tầng mây, nhóm nghiên cứu tìm hiểu thêm lớp không khí thấp sát mực nước biển. Trong vùng biển từ Tasmania (Úc) xuôi về phía nam đến rìa Nam Cực, nhóm liên tục phân tích các vi khuẩn trong không khí và xác định phần lớn chúng cũng xuất phát từ chính đại dương.
Nghiên cứu này khác biệt với nhiều kết luận trước đây khi cho rằng không khí khu vực cận Nam Cực cũng không thoát khỏi khói bụi từ những lục địa gần kề thổi tới.
"Nhìn chung khu vực Nam Đại Dương là một trong những nơi hiếm hoi trên thế giới thoát khỏi những ảnh hưởng từ hoạt động sản xuất của con người", TS Hill nói.
Nghiên cứu được đăng trên tạp chí khoa học uy tín Proceedings of the National Academy of Sciences đầu tuần này.
Theo WHO, ô nhiễm không khí là một trong những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu, giết chết khoảng 7 triệu người mỗi năm.
Hiện nay khoảng 80% cư dân tại những vùng đô thị lớn trên thế giới đang sống trong tình trạng các chỉ số không khí vượt quá tiêu chuẩn của WHO.
Theo Tuổi Trẻ