leftcenterrightdel
 Ngày càng nhiều người Nhật muốn cân bằng giữa đời sống và công việc. 

Theo Nippon, thời đại mà mọi nhân viên đều mơ ước được thăng chức lên quản lý dường như đã kết thúc. Thay vào đó, ngày càng nhiều người lao động tìm kiếm sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống - chọn khối lượng công việc vừa phải để có đời sống viên mãn hơn.

Một cuộc khảo sát toàn quốc với 300 nhân viên ở độ tuổi 20-50, do công ty tư vấn tổ chức và quản lý Shikigaku (Tokyo) thực hiện, cho thấy 72% số người được hỏi không muốn giữ vị trí quản lý.

Riêng đối với phụ nữ, chỉ 4% những người được khảo sát thực sự quan tâm đến việc trở thành nhà quản lý.

Lý do phổ biến nhất khiến họ không muốn trở thành quản lý là từ chối thăng tiến sự nghiệp (50,9%), tiếp theo là lo ngại phải chịu nhiều trách nhiệm hơn (50,0%) và khối lượng công việc tăng (42,6%).

Một số lý do cụ thể được những người được hỏi đề cập bao gồm suy nghĩ rằng việc thăng chức "chủ yếu sẽ chỉ tăng thêm trách nhiệm mà không mang lại nhiều lợi ích". Họ nhận xét "làm thêm hơn 80 giờ/tháng sẽ hủy hoại cuộc sống cá nhân cũng như sức khỏe".

leftcenterrightdel
 Văn hóa làm việc đến chết tồn tại ở Nhật Bản suốt thời gian dài. Ảnh minh họa:Reuters. 

Một số nhân viên e ngại thăng tiến vì từng chứng kiến nhiều quản lý kiệt sức vì làm việc quá sức. Điều này cũng cho thấy sự thay đổi lớn trong nhận thức về công việc của người lao động nước này.

Nhật Bản là quốc gia nổi tiếng với văn hóa làm việc quá sức, hy sinh cả quyền lợi cá nhân, thậm chí làm đến chết.

Tháng 5/2021, một nghiên cứu do Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) chỉ ra 745.000 người chết do đột quỵ và bệnh tim, là hệ quả của việc làm việc trên 55 giờ/tuần, trong năm 2016. Con số này cao hơn 30% so với năm 2000.

Lần đầu tiên trên quy mô toàn cầu, làm việc quá sức được coi là nguyên nhân gây ra khoảng 1/3 số ca tử vong.

Ở Nhật Bản, những trường hợp tử vong do làm việc quá sức nhiều đến mức chúng được khái quát thành hiện tượng mang tên "karoshi".

Hàng năm, chính phủ Nhật chấp nhận khoảng 200 yêu cầu bồi thường cho những người chết vì karoshi. Song, các nhà vận động cố gắng xóa bỏ vấn nạn này cho biết 200 vẫn quá nhỏ so với con số thực là 10.000 nạn nhân.

leftcenterrightdel
 Phụ nữ Nhật Bản vẫn phải lựa chọn giữa công việc và gia đình. Ảnh:The New York Times. 

Khó khăn phổ biến nhất đối với vị trí quản lý là nhiệm vụ lãnh đạo và đào tạo cấp dưới, được 49,3% số người tham gia khảo sát đề cập đến; tiếp theo là vấn đề trách nhiệm nặng nề (39,3%); khó khăn khi giao tiếp với cấp dưới (36,7%); cuối cùng là bị vướng mắc giữa các cấp trên và cấp dưới (34,0%).

So với các quốc gia khác, Nhật Bản có tương đối ít phụ nữ giữ vị trí quản lý, khiến chính phủ phải đặt mục tiêu chính sách thúc đẩy sự nghiệp của nữ giới.

Trả lời câu hỏi khảo sát về việc cần làm gì để tăng số lượng nữ quản lý, hơn nửa số ý kiến cho rằng cần tạo điều kiện để phụ nữ cân bằng giữa công việc với việc chăm sóc con cái, gia đình.

Bên cạnh đó, chế độ nghỉ thai sản và làm việc từ xa cũng là những điều cần lưu ý để thúc đẩy nữ giới lên quản lý.

Tuy nhiên, những nỗ lực thúc đẩy quyền phụ nữ trong quản lý và chính phủ cũng bị đình trệ. Chỉ có hai nữ bộ trưởng trong số 20 thành viên nội các của Thủ tướng Fumio Kishida.

Trong chỉ số về vai trò và ảnh hưởng của phụ nữ trong lực lượng lao động do tạp chí The Economist của Anh tổng hợp, Nhật Bản xếp thứ 28 trên 29 quốc gia phát triển được khảo sát suốt 7 năm liên tiếp. Theo đó, phụ nữ quốc gia này “vẫn phải lựa chọn giữa gia đình hoặc sự nghiệp”.

Theo zingnews