Các tiếp viên hàng không là những công dân Mỹ đầu tiên gióng lên hồi chuông cảnh báo về đại dịch Covid-19. Vào cuối tháng 1, khi nCoV lây lan ra ngoài tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc, các phi hành đoàn trên các chuyến bay tới châu Á đã bày tỏ mối lo ngại. Họ từng yêu cầu khử trùng các vật dụng và được phép tự cách ly nếu nghi ngờ mình bị phơi nhiễm. "Chúng tôi đã năn nỉ được đeo khẩu trang", một tiếp viên hàng không phục vụ cho hãng bay lớn tại Mỹ nói.
Vào thời gian đầu của dịch bệnh, các tiếp viên nói rằng họ bị cấm đeo khẩu trang, găng tay cao su. Thậm chí, nếu cố tình họ sẽ bị kỷ luật. Trong khi đó, họ cũng không được cung cấp thêm bất kỳ vật dụng khử trùng nào. Đến bây giờ, khi mọi chuyện khá hơn thì vật tư vẫn chưa được cung cấp đủ để bảo vệ phi hành đoàn. Nhiều tiếp viên của các hãng bay vẫn chưa được cung cấp găng tay y tế, đồ khử trùng chống lại nCoV. Có chăng, họ chỉ có những chiếc găng tay đã dùng trước đó và mục đích ban đầu của chúng là để nhặt rác khi dọn dẹp trên máy bay.
Hai tháng sau, nhiều tiếp viên Mỹ vẫn phản ánh tình trạng thiếu đồ bảo vệ cơ bản cho bản thân khi phục vụ trên các chuyến bay và thiếu các hướng dẫn về cách vẫn thực hiện tốt nhiệm vụ của mình mà không bị nhiễm bệnh. Mối quan tâm hàng đầu là sau nhiều tuần làm việc nhưng không được cung cấp đồ bảo hộ đầy đủ, họ có thể đã tiếp xúc với hàng nghìn hành khách dương tính nCoV. Và sau đó, chính bản thân họ lây nhiễm và lại vô tình truyền cho hàng trăm hành khách khác trước khi phát hiện ra bệnh tình.
"Thật khủng khiếp, vì chúng tôi biết rằng chắc chắn nhiều người trong nghề đã lây lan virus khi họ bay từ thành phố này sang thành phố khác, từ khách sạn này đến khách sạn khác", một tiếp viên sống ở Atlanta có 15 năm kinh nghiệm chia sẻ.
Khoảng 119.000 tiếp viên được Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) miễn yêu cầu tự cách ly sau khi đi đến các khu vực có nguy cơ lây nhiễm cao, hoặc có khả năng phơi nhiễm. Ngay cả khi các hành khách được kiểm tra sức khỏe tại các sân bay, thì nhiều tiếp viên nói rằng vẫn không có ai khám cho mình. Dù nhiều hãng bay không thông báo số liệu phi hành đoàn nhiễm nCoV, đại diện công đoàn cho biết dựa vào các báo cáo cá nhân, con số đó là hàng trăm và có thể cao hơn.
Trong nhiều tháng, Covid-19 cùng với các lệnh cấm du lịch chồng chéo và các yêu cầu mâu thuẫn từ cấp trên khiến nhiều tiếp viên không có lựa chọn nào khác, ngoài buộc phải bay để giữ việc. Theo các tiếp viên ở một số hãng, cách duy nhất hủy lịch bay là cung cấp tờ khai y tế có chứng nhận từ bác sĩ, hoặc kết quả xét nghiệm dương tính nCoV. Những người khác chọn nghỉ không lương để hạn chế nguy cơ lây nhiễm cho cộng đồng.
Nhưng họ lại có nguy cơ đối mặt với các hình phạt từ công ty bằng cách bị nhận xét xấu trong hồ sơ. "Chúng tôi giống như những con ong mang phấn hoa đi khắp nơi. Một số đồng nghiệp nói rằng họ cảm thấy có lỗi khi giúp đỡ các hành khách già cả, tàn tật vì lo lắng rằng không biết mình có đang lây bệnh cho hành khách hay không". Một số khác lo ngại sẽ mang virus về nhà và lây nhiễm cho người thân.
Một diễn đàn kín được tạo ra từ ngày 22/3 để các tiếp viên chia sẻ mối lo ngại của mình về công việc trong đại dịch. Chỉ sau hơn 10 ngày, số người tham gia đã lên đến gần 50.000 người. Trên đó, tràn ngập các bài đăng của các tiếp viên là những người có kết quả dương tính với nCoV, các bài tư vấn về việc tự chế các đồ bảo hộ cần thiết, hay cung cấp thực phẩm, thuốc men cho những người buộc phải cách ly trong các khách sạn, ở các thành phố xa lạ.
Một số tiếp viên nói rằng lịch trình bận rộn khiến họ không có thời gian tự mua đồ bảo hộ. Một số người được bảo phải tự để ý bản thân và tiếp tục làm việc ngay cả khi đang đợi kết quả xét nghiệm. Một số khác được yêu cầu quay lại làm việc trước khi nhận kết quả. Số khác cho biết họ cần có kết quả dương tính mới có thể tự cách ly và được nhận lương.
Nhiều tiếp viên nói trên Time rằng họ chỉ đồng ý phỏng vấn với điều kiện ẩn danh vì sợ mất việc, do các hãng bay có quy định nghiêm ngặt về việc trả lời báo chí. "Chúng tôi biết việc tiếp cận với các phương tiện truyền thông là vi phạm nội quy. Nhưng tôi không đành lòng nhìn đồng nghiệp tiếp tục phải đối mặt với loại virus nguy hiểm này mà không có biện pháp bảo vệ an toàn".
Một tiếp viên ẩn danh khác cho biết một vấn đề quan trọng nữa trong việc chống dịch là nhiều người vẫn thiếu thông tin. Cô từng bị cấp trên yêu cầu xóa bài đăng trên mạng xã hội, và một số người khác cũng vấp phải phản ứng tương tự từ lãnh đạo khi họ đưa tin về dịch bệnh, các mối lo ngại hay thông báo mình đã mắc bệnh. "Họ nói rằng tôi đang gây hoang mang cho các tiếp viên khác", một người viết.
Không chỉ các hãng hàng không yêu cầu họ giữ im lặng. Các phi hành đoàn nhận ra rằng tương lai của họ cũng gắn liền với tình trạng tài chính của hãng. Điều này vô tình dẫn đến áp lực phải thực hiện những điều cần làm để đảm bảo công việc.
Bên cạnh đó, một số hãng như American Airlines, Delta, United, Southwest và JetBlue cho biết họ đã khuyến khích tiếp viên và phi công ở nhà, nếu nghi ngờ mình nhiễm bệnh. Các hãng bay đã tuân thủ chặt chẽ mọi quy tắc về sức khỏe, an toàn, cũng như hướng dẫn của CDC và FAA (Cục hàng không Mỹ) và họ sẽ tiếp tục làm như vậy, theo Airlines for America (Hiệp hội các hãng hàng không Mỹ).
Hiện tại, các hãng hàng không đã hành động với mức độ khẩn cấp ngày càng tăng nhằm đảm bảo khách hàng biết được các thay đổi cần thiết. Nhiều hãng như American Airlines và Southwest Airlines đã cắt giảm dịch vụ cung cấp đồ ăn, thức uống cho hành khách trên các chuyến bay để hạn chế tiếp xúc. Hầu hết các hãng đều nói rằng họ đang làm hết sức mình để cung cấp cho tiếp viên hàng không sự bảo vệ tốt nhất, đầy đủ nhất giữa tình trạng thiếu hụt trên toàn quốc. Hãng JetBlue nói rằng bắt đầu từ 15/4, họ sẽ cho bất kỳ phi hành đoàn nào nghỉ 14 ngày có lương nếu dương tính nCoV hoặc được bác sĩ yêu cầu cách ly.
Phần lớn các hãng bay bắt đầu cho phép tiếp viên đeo khẩu trang và găng tay vào cuối tháng 3, nhưng nhiều bên vẫn chưa cung cấp vật dụng thiết yếu này. American Airlines cho biết đang điều chỉnh chính sách trên cơ sở ngắn hạn để cho phép tiếp viên đeo găng trong các chuyến bay. Southwest Airlines nói rằng dù không cung cấp khẩu trang cho nhân viên vì thiếu nguồn cung, họ vẫn cho phép các tiếp viên - những người có sẵn khẩu trang - sử dụng trên các chuyến bay. Chính sách này bắt đầu có hiệu lực từ ngày 23/3. United Airlines đã cung cấp thêm khăn lau khử trùng, tăng 25% số lượng găng tay và chất khử trùng có cồn vào bộ dụng cụ cho tiếp viên.
Tuy nhiên các biện pháp này khó có thể chống nCoV một cách triệt để, vì các tiếp viên luôn phải ngồi sát nhau trên máy bay và sử dụng nhà vệ sinh chung với hành khách. Một số nói rằng ngay cả trên các chuyến bay hầu như không có người, họ vẫn không được phép ngồi trên các ghế trống của hành khách để đảm bảo giãn cách xã hội. Trong trường hợp trên chuyến bay xảy ra vấn đề, hành khách cần cấp cứu y tế, họ tiếp tục đóng vai trò là những người đầu tiên tiếp cận hiện trường mà không có đồ bảo hộ cá nhân (PPE).
"Tôi đã khóc mỗi lần trên đường đến sân bay để bắt đầu chuyến đi của mình", một tiếp viên của một hãng bay lớn tại Mỹ chia sẻ. Cô nói rằng nỗi sợ lớn nhất của cô hiện tại là nhiễm virus từ đồng nghiệp.
Đến 7/4, Mỹ ghi nhận hơn 367.000 ca nhiễm bệnh, ít nhất 10.876 người tử vong vì nCoV. Một số tiếp viên hy vọng hãng bay của họ sẽ tạm ngừng hoạt động, để không phải tiếp tục công việc nguy hiểm. Nhưng cho đến khi đó, nhiều người vẫn phải bay. "Không hành khách nào nhìn thấy nỗi sợ hãi của chúng tôi sau những chiếc khẩu trang", một tiếp viên hài hước nói. Nhưng cô cho biết thêm, thực tế, phía sau khẩu trang ấy là những nỗi lo ngày một lớn hơn.
Sara Nelson, Chủ tịch Hiệp hội Tiếp viên Hàng không Quốc tế (AFA-CWA), cho biết vấn đề này có thể được ngăn chặn nếu chính phủ và các hãng bay đều tuân theo bài học về các cuộc khủng hoảng sức khỏe toàn cầu trong quá khứ. Sau đại dịch Ebola năm 2015, cô và các phi hành đoàn đã bay tới Atlanta để gặp các quan chức Mỹ và CDC nhằm tìm hiểu, phát triển các hướng dẫn mới cho tiếp viên để xử lý các tình huống khi có dịch bệnh truyền nhiễm. Nhưng chỉ một vài hướng dẫn đó được áp dụng trong Covid-19 lần này.
Theo vnexpress