Kết thúc mùa hè nắng nóng, các chiếc ô trên bãi biển đã được cất gọn trong kho nhưng những người New York giàu có nghỉ dưỡng ở Hamptons vẫn chưa vội trở lại thành phố.

Họ lo sợ dịch bệnh và tỷ lệ tội phạm tăng cao do khủng hoảng kinh tế mùa Covid-19 gây ra.

Robert Moore, một doanh nhân ngành kỹ thuật số, vẫn cố thủ trong căn biệt thự gần bãi biển của mình ở khu Amagansett. Người đàn ông 58 tuổi đã ở đây kể từ ngày 13/3, sau khi New York trở thành tâm dịch mới của thế giới.

Khu Hamptons được biết từ lâu là nơi nghỉ dưỡng sang trọng của những người giàu có, nổi tiếng. Ảnh: Getty Images.

Trước đó, Moore chưa từng có ý định rời khỏi Manhattan. Tuy nhiên, Covid-19 đã khiến ông thay đổi suy nghĩ.

Ngay khi làn sóng dịch bệnh đổ bộ nước Mỹ vào đầu năm nay, giới nhà giàu New York đổ xô tới Long Island.

“Thị trường bất động sản ở đây bùng nổ. Người ta ra hẳn giá 80.000 USD để thuê một căn biệt thự nghỉ hè, vốn ngày thường chỉ có giá chỉ 50.000 USD. Họ chỉ muốn nhanh thoát khỏi tâm dịch”, James McLauchlen, một đại lý bất động sản, nhớ lại.

Anh cũng cho biết một số căn được bán với giá từ 30 triệu USD trở lên và nhu cầu vượt nguồn cung khoảng 15%.

Trường học quá tải, nhà hàng kín chỗ


Khu Hamptons cổ kính với bãi biển cát vàng từ lâu đã là nơi trú ẩn cho giới thượng lưu New York nhưng thường chỉ trong mùa hè, từ tháng 6 đến cuối tháng 8.

Tuy nhiên, dù mùa hè năm nay đã kết thúc, các nhà hàng nơi đây vẫn đầy ắp thực khách ghé qua vào giờ ăn trưa, khiến các chủ quán vô cùng vui mừng.

Một số thương hiệu quyết định mở chi nhánh đầu tiên ở Hamptons sau làn sóng nhà giàu đổ xô về đây sống. Ảnh: New York Times.

“Có thể thấy rõ là nhiều khách ở đây hơn thời điểm cuối tháng 9 các năm trước. Tôi hy vọng điều đó sẽ kéo dài", Don Sullivan, chủ sở hữu của Southampton Publick House, một quán rượu 24 năm tuổi, cho biết.

Công ty đấu giá Phillips của Anh và phòng trưng bày nghệ thuật Hauser & Wirth gần đây đã mở chi nhánh đầu tiên ở Southampton. Họ nhanh chóng “đuổi theo” những người giàu có tháo chạy khỏi New York.

Có đủ nhóm tuổi hiện diện ở khu vực này, từ những hộ gia đình, người nghỉ hưu đến các chuyên gia trẻ. Con số vẫn sẽ tiếp tục tăng chừng nào khu Hamptons còn đủ cơ sở vật chất để đón tiếp giới nhà giàu đi tránh dịch.

Ross School, một trường tư thục ở Long Island với học phí hơn 40.000 USD/năm, đón chào 100 học sinh mới từ mẫu giáo đến lớp 4 trong năm học này. Trong khi vào năm ngoái, nhà trường chỉ có 16 học sinh mới nhập học, theo hiệu trường Andi O’Hearn.

Our Lady of The Hamptons, một trường Công giáo ở Hamptons, đang có 30 học sinh nằm trong danh sách chờ và “vẫn nhận được cuộc gọi từ phụ huynh mỗi ngày”, theo hiệu trưởng Sơ Kathryn Schlueter.

"Chúng tôi sẽ nhận nhiều học sinh nhất có thể", bà nói.

Giới nhà giàu New York đối phó với dịch Covid-19 xa xỉ và an toàn hơn tại Long Island. Ảnh: Travel Luxury.

Orson Miller, một sinh viên người Pháp 24 tuổi, đã cùng bạn bè sống tại Hamptons trong khi hoàn thành chương trình thạc sĩ của ĐH New York qua Internet.

“Chừng nào New York chưa giải quyết triệt để mọi việc và tình hình còn chưa ổn định, tôi nghĩ mọi người vẫn tiếp tục ở lại đây”, anh nói.

Lo sợ New York không còn như xưa


Natalie Simpson, một cư dân ở Hamptons từ hồi đầu năm, dự định sẽ chuyển tới bang Connecticut thay vì quay lại New York.

Người mẹ 32 tuổi cho biết Covid-19 là một yếu tố nhưng sự gia tăng tội phạm gần đây mới đáng lo hơn. Từ đầu năm 2020, số vụ giết người ở New York tăng 40% và nạn trộm cắp tăng 42%.

“New York không còn là nơi thích hợp để nuôi dạy một đứa trẻ nữa, mặc dù tôi từng có ý định đó”, Simpson giải thích.

Với các môn thể thao như quần vợt, cưỡi ngựa, golf và được ngắm hoàng hôn trên bãi biển mỗi ngày, những cư dân Hamptons đối mặt với đại dịch theo một cách khác hẳn những người còn lại ở New York.

“Con trai tôi lựa chọn ở lại Manhattan để làm việc sau khi tốt nghiệp. Tôi thấy thương con tôi, thương lũ trẻ, thương cả những gia đình không có điều kiện. Chúng tôi đã rất may mắn. Có vô số người không được hưởng sự xa xỉ này”, vị doanh nhân nói.

Khi đời sống văn hóa ở New York chững lại, còn nhà hàng thì hoạt động cầm chừng, nhiều người e ngại New York sẽ thay đổi mãi mãi. Nhưng không phải ai cũng sẵn sàng từ bỏ “thành phố không ngủ” của thế giới.

"Tôi nhớ New York và tôi rất mong có thể dành thêm nhiều thời gian ở đó", Lori Reinsberg (61 tuổi), một nhà buôn tác phẩm nghệ thuật sống ở Hamptons từ cuối tháng 5 tới nay, chia sẻ.

Theo  Zing