"Hôm nay tôi kêu gọi họ và nói với họ rằng hãy khóa tài khoản và gỡ ảnh vì sự an toàn của họ. Thậm chí tôi khuyên họ hãy đốt hoặc vứt bỏ áo đồng phục đội tuyển quốc gia", Khalida Popal nói với Reuters trong một cuộc phỏng vấn hôm 18/8.

Cựu đội trưởng đội tuyển bóng đá nữ Afghanistan Khalida Popal tham dự một buổi tập ở London, Anh năm 2018. Ảnh: AFP.

Popal nói cô luôn ủng hộ những phụ nữ trẻ mạnh mẽ và thể hiện bản thân. Nhưng giờ đây, cô chỉ muốn các nữ tuyển thủ giữ an toàn bằng cách xóa lịch sử trực tuyến của họ và mai danh ẩn tích.

"Điều đó thật đau đớn đối với tôi, một nhà hoạt động đã đứng lên và làm mọi thứ có thể để có được tên tuổi với tư cách một tuyển thủ quốc gia nữ", Popal nói. "Để có được huy hiệu đó trên ngực, có quyền thi đấu và đại diện cho đất nước của mình, chúng tôi đã tự hào biết bao".

Popal từng bị Taliban đe dọa vì bài phát biểu trên truyền hình quốc gia trong vai trò giám đốc sự kiện của hiệp hội bóng đá nữ Afghanistan. Cô rời khỏi Afghanistan và xin tị nạn ở Đan Mạch năm 2016.

"Tôi nói với mọi phụ nữ rằng hãy luôn mạnh mẽ. Cùng nhau, phụ nữ có thể làm được rất nhiều thứ", Popal nói với AFP trong cuộc phỏng vấn năm 2018. "Đàn ông nghĩ chúng tôi chơi bóng là bôi nhọ danh dự của họ và phụ nữ chỉ nên nấu cơm, rửa bát".

Popal cho biết cô và bạn bè bị gọi là "gái điếm" chỉ vì chơi thể thao.
"Phụ nữ giống như một bàn tay. Nếu chúng ta đứng lên với tư cách cá nhân, như một ngón tay, nó không đủ mạnh. Hai ngón tay vẫn không đủ mạnh. Chúng ta phải ở bên nhau như một cú đấm. Và nếu ai cản đường chúng ta, hãy phản kháng như một cú đấm vào mặt họ", cô nói.

Các nhà hoạt động vì nữ quyền mắc kẹt ở Afghanistan đang lo sợ cho sinh mạng của họ sau khi Taliban lên nắm quyền. Zarifa Ghafari, thị trưởng 27 tuổi và là nhà hoạt động nữ quyền, đầu tuần này nói rằng Taliban "sẽ đến tìm những người như tôi và giết tôi".

46 thượng nghị sĩ Mỹ đang hối thúc chính quyền Tổng thống Joe Biden tạo ra một lộ trình cấp thị thực riêng cho các nhà hoạt động Afghanistan và các nữ lãnh đạo rời khỏi đất nước, cho rằng họ phải đối mặt với "mối nguy hiểm chưa từng có".

Quyền và tự do của phụ nữ bị hạn chế nghiêm trọng khi Taliban nắm quyền kiểm soát Afghanistan từ năm 1996 đến năm 2001. Luật Hồi giáo Sharia mà Taliban áp dụng cấm phụ nữ đi học, đi làm, buộc họ phải mặc đồ che kín từ đầu đến chân và không được phép ra khỏi nhà trừ khi có người thân là nam giới đi cùng, theo báo cáo năm 2001 của Bộ Ngoại giao Mỹ.

Theo vnexpress