"Thị trường châu Âu chắc chắn là chìa khóa để Oppo tham gia vào phân khúc smartphone cao cấp, cũng như là tiền đề để công ty thực hiện các kế hoạch xâm nhập thị trường quốc tế", Maggie Xue, chủ tịch của Oppo tại Tây Âu cho biết.
Theo số liệu của hãng nghiên cứu Counterpoint, các nhà sản xuất smartphone Trung Quốc hiện chiếm 35% thị phần tại châu Âu trong quý II/2020. Trong số này, Huawei lớn nhất với 16%, trong khi Oppo chỉ 3%. Nếu Xiaomi và Oppo đang tăng trưởng ấn tượng tại châu Âu với 55% và 41% tương ứng, Huawei sụt giảm 46% so với cùng kỳ năm trước.
"Với thông số kỹ thuật hấp dẫn cùng giá cả phải chăng, Xiaomi và Oppo đã thu hút được lượng lớn người dùng tiềm năng từ Huawei tại châu Âu", Abhilash Kumar, nhà phân tích của Counterpoint, đánh giá.
Huawei - hãng đi đầu về mạng di động 5G - hiện bị Washington coi là mối đe dọa an ninh quốc gia và bị đưa vào danh sách thực thể tháng 5 năm ngoái. Lệnh cấm này đã hạn chế quyền truy cập của công ty Trung Quốc vào các sản phẩm và dịch vụ của Mỹ, bao gồm các ứng dụng của Google, như Gmail và YouTube. Việc không có loạt dịch vụ Google khiến smartphone Huawei không còn được ưa chuộng tại nhiều quốc gia, trong đó có châu Âu.
Oppo là công ty thuộc BBK Electronics, ban đầu hướng đến sản xuất smartphone giá rẻ. Hãng đã nhanh chóng chiếm được lòng tin của người dùng và hiện là thương hiệu điện thoại xếp thứ 5 thế giới. Sản phẩm của công ty hiện diện ở các thành phố và vùng nông thôn tại Trung Quốc, cũng như các thị trường đang phát triển như Đông Nam Á.
Tuy nhiên, gần đây Oppo bắt đầu chuyển đổi chiến lược theo hướng sản xuất thiết bị trung và cao cấp để chinh phục các thị trường khó tính hơn như châu Âu, nơi người dùng sẵn sàng "móc hầu bao" cho các sản phẩm đắt tiền.
Hồi tháng 5, Oppo cũng đã ra mắt mẫu Find X2 Pro, smartphone có giá cao nhất của hãng từ trước đến nay. Tại châu Âu, máy đang được bán với giá 1.199 euro (1.415 USD), tương đương iPhone 11 Pro của Apple và Galaxy S20 của Samsung.
"Khi smartphone Huawei không được tích hợp các dịch vụ của Google, Oppo đang có cơ hội lớn ở phân khúc cao cấp", Marta Pinto, Giám đốc nghiên cứu tại IDC, nhận định. "Cho đến nay, Oppo đang có vị trí tốt ở nhiều khu vực trên toàn cầu. Họ không phụ thuộc vào thị trường nào để tồn tại". Theo Pinto, Oppo đang yếu thế về mặt thương hiệu, nhưng có thể dành thời gian để tìm hiểu về thị trường và xây dựng hoạt động kinh doanh của mình tại châu Âu.
Theo đại diện của Oppo, việc triển khai 5G tại châu Âu có thể chậm hơn so với Trung Quốc. Tuy nhiên, việc chậm trễ nhiều khả năng chỉ xảy ra một đến hai năm và công ty "nên nắm bắt cơ hội". Để tăng sự hiện diện tại châu Âu, Oppo gần đây đã bắt tay với các nhà mạng lớn ở khu vực này, như Orange, Vodafone, Deutsche Telekom và Telefonica để phân phối 5G. Hãng cũng đã thực hiện một chiến dịch quảng cáo quy mô lớn, hợp tác với câu lạc bộ bóng đá Barcelona. Oppo hiện tại không quá quan trọng về mặt doanh số bán hàng tại châu Âu. Thay vào đó, công ty sẽ tập trung tạo dựng hình ảnh tốt đối với người dùng tại đây.
Oppo hiện phải đối mặt với không ít khó khăn tại một số thị trường. Chẳng hạn, hãng đang bị cạnh tranh gay gắt tại quê nhà Trung Quốc, nơi Huawei đang tăng cường bán hàng để bù đắp lại sự sụt giảm doanh số ở các nơi khác. Tại Ấn Độ, Oppo hiện đứng thứ năm, nhưng cũng đối mặt với làn sóng tẩy chay hàng Trung Quốc sau những xung đột ở biên giới Trung - Ấn.
Theo vnexpress