Khắp châu Á, từ Vũ Hán đến Singapore và Hàn Quốc, chiến thuật truy tìm và xét nghiệm được thực hiện song song với nhiệm vụ khác: Cách ly những ca bệnh nhẹ ở nơi khác với chỗ họ sinh sống.

Một trung tâm triển lãm rộng lớn của Singapore chuyên tổ chức các chương trình về vũ trụ giờ đây có hàng nghìn giường bệnh cho bệnh nhân nhẹ hoặc không có triệu chứng. Hàn Quốc sử dụng ký túc xá, trong đó có cả những khu thuộc công ty Bảo hiểm nhân thọ Samsung và LG, cho mục đích trên. Kể từ 4/3, luật về bệnh truyền nhiễm của Hàn Quốc được thắt chặt, những người có kết quả dương tính không được từ chối cách ly ở những cơ sở như vậy, cũng không được ở nhà.

Tại Việt Nam và Hong Kong, nơi đại dịch được khống chế  khá hiệu quả, khiến bệnh viện có khả năng tiếp nhận cả những ca bệnh nặng và nhẹ, chính quyền đi một bước xa hơn. Họ cách ly không chỉ các ca được xác nhận mà còn cả những người có tiếp xúc gần với bệnh nhân trong các cơ sở chăm sóc. Lý do là nếu những người tiếp xúc nhiễm bệnh, họ có thể lây cho người khác ngay cả khi bắt đầu có triệu chứng hoặc không có triệu chứng nào. 

Một trung tâm triển lãm được chuyển đổi thành bệnh viện tạm thời ở Vũ Hán. Ảnh: AP.

Một trung tâm triển lãm được chuyển đổi thành bệnh viện tạm thời ở Vũ Hán. Ảnh:AP.

Cách tiếp cận này khác biệt hoàn toàn so với phương Tây, khi mà những ca bệnh nặng được nhập viện, còn những ca nhẹ hơn, chiếm đa số, lại được yêu cầu tự cách ly ở nhà. Nhiều chuyên gia y tế cộng đồng ở châu Âu và Mỹ cho rằng đây là thời điểm để thay đổi điều đó, trong khi số khác nhận định điều này hạn chế quyền tự do công dân và chia cắt họ khỏi người thân. 

Ở Italy, nơi có ít nhất 217.000 ca nhiễm, chính quyền nhận ra nhà có thể là nơi lây bệnh mạnh nhất. Andrea Checchi, thị trưởng của San Donato Milanese - một thành phố vệ tinh của Milan - bị ảnh hưởng nặng nề bởi Covid-19 - cho biết, ông nhận ra điểm tương đồng trong danh sách những người nhiễm bệnh ở khu đô thị này. "Những cái tên và số điện thoại giống nhau liên tục xuất hiện. Nhiều người trong cùng một gia đình đang bị lây nhiễm", ông nói. 

Tuần trước, Viện Y tế Quốc gia - Cơ quan kiểm soát dịch bệnh chính của Italy - phát hiện ra 1/5 số người có kết quả dương tính kể từ ngày 1/4 có khả năng cao bị lây nhiễm từ các thành viên khác trong gia đình. Đây là tỉ lệ lây nhiễm cao thứ hai sau lây nhiễm trong nhà dưỡng lão, nơi chiếm gần một nửa số ca nhiễm ở Italy. 

Chiếc giường cho bệnh nhân Covid-19 tại Trung tâm Triển lãm Changi ở Singapore. Ảnh: Reuters.

Chiếc giường cho bệnh nhân Covid-19 tại Trung tâm Triển lãm Changi ở Singapore. Ảnh:Reuters.

Ở các thành phố như Milan, những người nhiễm bệnh được lựa chọn cách ly trong các khách sạn riêng. Nhưng khuyến khích họ rời xa gia đình không phải là ưu tiên hàng đầu của chính phủ. Hầu hết những người bệnh chọn ở nhà, theo các quan chức y tế. Roberto Burioni - nhà virus học ở Bệnh viện San Raffaele Milan - cảnh báo đây là một sai lầm cần được sửa chữa. 

Các chuyên gia cho biết rất khó để cắt đứt các tiếp xúc ở nhà. Ngay cả những ca nhẹ cũng cần được chăm sóc về thể chất cũng như tinh thần, và các gia đình thường lỏng lẻo hơn trong việc cách ly chỉ sau một vài ngày, theo Annelies Wilder-Smith - giáo sư về bệnh truyền nhiễm tại Viện vệ sinh dịch tễ và Y học nhiệt đới London. Mọi người còn bất cẩn hơn khi họ nghi mình nhiễm Covid-19, nhưng không được xét nghiệm, đôi khi tự kết luận rằng mình không nhiễm bệnh khi các triệu chứng giảm bớt. 

Bác sĩ Wilder-Smith là thành viên của một đội chuyên mô phỏng và so sánh 2 biện pháp cách ly, đăng tải nghiên cứu trên tạp chí y học The Lancet. Ở thành phố 4 triệu dân, cách ly ở nhà có thể giảm bớt 190.000 ca, tức 20% số ca bệnh. Còn cách ly tại các cơ sở riêng biệt, số ca giảm có thể lên đến gần 550.000, tức 57%. Nhưng cách ly ở cơ sở riêng - cụ thể là trong các trung tâm hội nghị được chuyển chức năng hay các cơ sở quân sự như ở Trung Quốc hay Việt Nam - được coi là không dễ chịu đối với châu Âu và Mỹ. Wilder-Smith cho biết thêm: "Điều này đối với phương Tây nghe thật kinh hoàng".

Khách sạn Michelangelo ở Milan được sử dụng để cách ly bệnh nhân Covid-19.

Khách sạn Michelangelo ở Milan được sử dụng để cách ly bệnh nhân Covid-19.

Cuộc tranh luận chống lại cách ly tại nhà khởi nguồn từ Vũ Hán - nơi virus xuất hiện đầu tiên. Chính quyền thành phố sau khi phát hiện lây nhiễm giữa các thành viên trong gia đình, bắt đầu kế hoạch cách ly mạnh mẽ vào tháng 2. Những ca nghi nhiễm hay nhẹ, và cả những người khỏe mạnh có tiếp xúc gần với các ca dương tính, đều được gửi đến các bệnh viện dã chiến và các trung tâm cách ly tạm thời. 

Ở Hàn Quốc, khi số ca bệnh tăng cao vào cuối tháng 2, nhiều ca nhẹ được cách ly tại nhà vì nước này không có đủ giường bệnh. Chính quyền nhanh chóng chuyển ký túc xá của các tập đoàn - với tiện nghi bao gồm giường bệnh, wifi và TV - cho những người có bệnh nhưng không nguy hiểm đến tính mạng. 

Lúc đó, chính phủ không có cơ sở pháp lý để phạt những người đòi ở nhà. Nhưng vào đầu tháng 3, họ sửa đổi đạo luật về bệnh truyền nhiễm, cho phép được hành động với những người không tuân thủ mệnh lệnh. Giới chức y tế tự xác định xem liệu một bệnh nhân có cần tới bệnh viện hoặc cơ sở khám chữa bệnh hay không. Và khi ấy, người bệnh không thể chống lại quyết định của cơ quan có thẩm quyền. 

Không có công dân Hàn Quốc nào từ chối đến một cơ sở y tế kể từ khi luật được sửa đổi. Luật này bao gồm cả tiền phạt và mức án tù cho những người vi phạm. Hầu hết các cơ sở chữa bệnh cho người dân đều phải đóng cửa, với 85% bệnh nhân được xuất viện và Hàn Quốc không còn bị thiếu giường bệnh. 

Harvey Fineberg - Chủ tịch Ủy ban thường trực về bệnh truyền nhiễm ở Học viện Quốc gia về Khoa học, Kỹ thuật và Y tế ở Washington - cho biết hành động này có thể bắt đầu ở Mỹ ban đầu với biện pháp tự nguyện, sử dụng các khách sạn hoặc các cơ sở cộng đồng khác, những nơi này đều có điều kiện sống thoải mái và có y tá phục vụ. Fineberg nói: "Chi phí gia tăng sẽ thực sự là gánh nặng trong việc đối phó với đại dịch theo cách này. Nhưng nếu nó giúp rút ngắn thời gian đại dịch khoảng 6 tuần nhờ giảm tốc độ lây nhiễm, điều này có thể có lợi gấp nhiều lần".

Theo các chuyên gia, cách ly người bệnh ở các cơ sở khác có thể có mặt tích cực. Các bác sĩ đã nhận ra rằng bệnh nhân có vẻ không có triệu chứng nghiêm trọng có thể đột nhiên khó thở. Trong các cơ sở, họ có thể được giám sát các dấu hiệu bệnh đang xấu đi và được đưa ngay đến bệnh viện, theo Todd Pollack - Chuyên gia bệnh truyền nhiễm ở Trường Y tế Harvard. 

Việt Nam đã làm phẳng đường cong dịch cho tới nay, với chỉ 288 ca nhiễm, một phần nhờ vào cách ly rộng rãi. Nguyễn Nhân Hòa (29 tuổi), chủ cửa hàng bán đồ dùng gia đình, phải đi cách ly trong một khu huấn luyện quân sự ở Hà Nội vào tháng trước sau khi một người phụ nữ bán rau cho anh có kết quả dương tính. Cả 2 người đều đeo khẩu trang và anh không lấy tiền thừa - yếu tố có thể khiến virus lây nhiễm, nhưng chính quyền không muốn mạo hiểm.

Nhân Hòa ở chung phòng với 7 người khác và được cung cấp xà phòng, kem đánh răng và dầu gội. Các nhân viên y tế đo thân nhiệt cho anh 2 lần 1 ngày và các quân nhân mang đồ ăn 3 lần một ngày. Những đồ ăn thường là bánh dày hoặc bánh xèo hay bánh bao vào bữa sáng, thịt và rau cho các bữa khác. Nhạc phát ra từ loa ở khắp nơi vào mỗi tối, với bài hát nổi tiếng về rửa tay Ghen Cô Vy và các bài hát nhạc đỏ. 

Người phụ nữ và con trai cô chờ đợi để xét nghiệm nCoV tại Hà Nội vào tháng trước. Ảnh: EPA.

Người phụ nữ và con trai cô chờ đợi để xét nghiệm nCoV tại Hà Nội vào tháng trước. Ảnh:EPA.

Cơ sở cách ly này không phải là thoải mái nhất vì ở chung phòng và dùng chung nhà vệ sinh. Nhưng Lê Thu Hoài cho biết cô vẫn vui vẻ đi cách ly cùng con bay từ London về Hà Nội để tránh dịch đang bùng phát ở Anh. Hoài (32 tuổi) là một chuyên viên phân tích tài chính đã sống ở London 16 năm, trong khi bố mẹ cô đã có tuổi, sống ở Hà Nội. 

Hoài cho biết cô sẽ chọn đi cách ly ngay cả khi chính phủ không bắt buộc, mặc dù vậy cô sẽ chọn khách sạn hoặc một nơi cho thuê ngắn hạn. 

Thời gian 2 tuần ở khu cách ly đối với cô khá khó khăn vì cô đang mang thai. Tuy nhiên Hoài tự nhủ sẽ không kêu ca vì sự bất tiện do lệnh y tế khẩn cấp. Cô và đứa con mới biết đi được phân vào một phòng trước đây là thư viện cùng một người khác nữa. Khi cậu bé bắt đầu ho, họ được chuyển đến một căn cứ quân sự với nhiều y tá và bác sĩ, và đệm dày hơn. 

Ở Singapore giàu có, những người từ nước ngoài trở về được tập trung trong các khách sạn trong hai tuần. Trong nhiều tháng, số ca nhiễm ở đây giảm xuống đủ thấp để những người nhiễm bệnh được cách ly trong bệnh viện. Khi số ca tăng lên - chủ yếu liên quan đến khu ký túc xá công nhân ngoại quốc - nước này mở rộng các cơ sở bên ngoài, một số cho những người đang đợi kết quả xét nghiệm, số khác cho những ca bệnh nhẹ hoặc không có triệu chứng. 

Một robot được sử dụng để tư vấn y tế vào tháng trước tại Trung tâm Triển lãm Changi của Singapore. Ảnh: Reuters.

Một robot được sử dụng để tư vấn y tế vào tháng trước tại Trung tâm Triển lãm Changi của Singapore. Ảnh:Reuters.

Các nhân viên sử dụng ứng dụng đặc biệt để giám sát bệnh nhân, sử dụng robot để đưa đồ qua các cơ sở. Bác sĩ Wilder-Smith - người sống ở Singapore được 18 năm, trải qua dịch SARS 2002-2003 - cho biết, phản ứng của cộng đồng về cách ly bên ngoài nơi sinh sống có thể được cải thiện, khi khẩu trang và lệnh phong tỏa từng được xem là bất khả thi ở phương Tây nay đều được sử dụng rộng rãi. Bà cho biết: "Điều không chấp nhận được vào ngày hôm nay có thể chấp nhận được vào ngày mai, nếu như mọi người hiểu được lý do".

Theo Ione