leftcenterrightdel
 Những sản phẩm chay tại Pháp sẽ không được đặt tên theo các món mặn, nhằm tránh gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng 

Ngày 4/9, Bộ trưởng Nông nghiệp Pháp Marc Fesneau cho biết, dự thảo mới nhất nhắm vào “vấn đề minh bạch và trung thực, nhằm đáp ứng mong đợi chính đáng của người tiêu dùng và nhà sản xuất”.

Nông dân và các công ty trong chuỗi cung ứng thịt của Pháp từ lâu đã phản đối những thuật ngữ như “bánh mì kẹp thịt làm từ thực vật” hoặc “xúc xích thuần chay” - cho rằng chúng khiến người tiêu dùng dễ nhầm lẫn.

Nhưng nghị định ra mắt năm 2022 nhằm loại bỏ những mô tả như trên đã bị tòa án hành chính cấp cao đình chỉ.

Trong khi tòa án Pháp chờ đợi hướng dẫn từ tòa án công lý châu Âu (ECJ) trước đưa ra phán quyết cuối cùng, Bộ Nông nghiệp Pháp đã chuẩn bị một dự thảo mới, bao gồm quan điểm từ các thẩm phán.

Dự thảo nghị định mới - chỉ áp dụng cho các sản phẩm được sản xuất và bán ở Pháp - liệt kê danh sách 21 tên gọi có nguồn gốc thịt cần tránh khi mô tả các sản phẩm có nguồn gốc từ protein thực vật, bao gồm “bít tết”, “sườn cọng”, “sườn non”, “giăm bông” hoặc “thịt nướng”.

Tuy nhiên, hơn 120 tên liên quan đến thịt như “giăm bông nấu chín”, “gia cầm”, “xúc xích” hoặc “thịt xông khói” vẫn sẽ được cấp phép với điều kiện sản phẩm không vượt quá một lượng protein thực vật nhất định, với tỷ lệ phần trăm nằm trong khoảng 0,5-6%.

Nghị định đã được đệ trình lên Ủy ban châu Âu để kiểm tra các quy định về ghi nhãn thực phẩm.

Guillaume Hannotin, luật sư của tổ chức Proteines France đại diện cho các nhà sản xuất thực phẩm chay và chay thay thế, cho biết thuật ngữ “bít tết làm từ thực vật” đã được sử dụng hơn 40 năm.

Ông cho rằng nghị định mới của Pháp vẫn trái với quy định của EU về ghi nhãn đối với các sản phẩm. Không giống như sữa, các sản phẩm chay từ thực vật thiếu định nghĩa pháp lý nghiêm ngặt và có thể được gọi bằng các thuật ngữ được sử dụng phổ biến trong đời sống.

Nghị định dự kiến có hiệu lực 3 tháng sau khi ban hành để các nhà sản xuất có thời gian điều chỉnh việc ghi nhãn. Dù vậy, nghị định vẫn cho phép các nhà sản xuất bán tất cả các sản phẩm tồn kho được dán nhãn trước ngày hiệu lực, chậm nhất là 1 năm.

Theo phụ nữ TPHCM