Được Hạ viện Philippines thông qua tháng 9 năm nay, Dự luật phòng ngừa tình trạng mang thai ở tuổi vị thành niên vừa được chuyển sang Thượng viện để tiếp tục xét duyệt. Mục tiêu của dự luật là mở rộng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản - sức khỏe tình dục, chẳng hạn như cung ứng rộng rãi sản phẩm tránh thai. Tại quốc gia Đông Nam Á nơi số trường hợp mang thai ngoài ý muốn ở trẻ vị thành niên đã tăng tới ngưỡng báo động, tuổi quan hệ tình dục hợp pháp chỉ vừa được điều chỉnh từ 12 sang 16 tuổi vào năm ngoái.

[A2] Một buổi tư vấn sức khỏe sinh sản dành cho những bà mẹ tuổi vị thành niên ở thành phố Navotas, Metro Manila, Philippines. (Ảnh: REUTERS)
Một buổi tư vấn sức khỏe sinh sản dành cho những bà mẹ tuổi vị thành niên ở thành phố Navotas, Metro Manila, Philippines - Ảnh: Reuters

 

Cái giá của nạn mang thai ở tuổi vị thành niên rất khó lường đối với Philippines, một quốc gia có khoảng 30% dân số dưới 15 tuổi và 1 trên 6 trẻ em gái kết hôn trước khi đủ 18 tuổi theo luật định. Vấn đề không chỉ ảnh hưởng tới đời sống những công dân trẻ này, mà còn tiềm ẩn hàng loạt hậu quả lên nền kinh tế, xã hội.

Khoa sản ở bệnh viện Jose Fabella Memorial thuộc Manila gần như luôn kín chỗ. Thủ đô Philippines có số lượng sản phụ vị thành niên cao tới mức báo động. (Ảnh: NPR)
Khoa sản ở bệnh viện Jose Fabella Memorial thuộc Manila gần như luôn kín chỗ. Thủ đô Philippines có số lượng sản phụ vị thành niên cao tới mức báo động - Ảnh: NPR

 

“Dự luật mới có thể giúp cứu trẻ em gái, phụ nữ trẻ khỏi nguy cơ tử vong khi mang thai, lẫn nhiều khó khăn khác như thất nghiệp, đói nghèo. Được hỗ trợ chăm sóc sức khỏe sinh sản là cách góp phần cải thiện tương lai, củng cố lòng tin vào chính mình cho các em”, Edcel Lagman, một trong những tác giả của dự luật, bày tỏ trong một tuyên bố chính thức.

Theo Lagman, một thành viên kỳ cựu của Quốc hội Philippines, mang thai sớm đồng nghĩa với gia tăng tỉ lệ đói nghèo. Làm mẹ khi chưa sẵn sàng buộc nhiều trẻ phải từ bỏ cơ hội đến trường và về sau, thường rơi vào tình cảnh thu nhập bấp bênh. “Muốn nâng cao chất lượng cuộc sống cho phụ nữ, chúng ta cần bắt đầu bằng việc cải thiện tương lai của trẻ em gái”, Lagman nói.

Không chỉ tước đi cơ hội học tập, việc làm, mang thai sớm trước hết có thể đe dọa sức khỏe trẻ em. Những bà mẹ tuổi vị thành niên phải đối diện thường xuyên với chứng thiếu máu, xuất huyết sau sinh, bệnh lây nhiễm qua đường tình dục, thậm chí tổn thương dài lâu về mặt tinh thần.

Năm 2019, thực trạng mang thai tuổi vị thành niên chính thức bị xem là một “cuộc khủng hoảng xã hội” tại Philippines. (Ảnh: REUTERS)
Năm 2019, thực trạng mang thai tuổi vị thành niên chính thức bị xem là một “cuộc khủng hoảng xã hội” tại Philippines - Ảnh: Reuters

 

Dự luật mới được xem như một “tiền đề” quan trọng, thế nhưng để chấm dứt thực trạng, nỗ lực thay đổi nhận thức chung là điều cần thiết không kém. “Philippines cần xây dựng dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản thân thiện với thanh thiếu niên. Chúng tôi cần giải quyết từng ‘rào cản’ một, ở khía cạnh xã hội và pháp luật”, Joudane đề xuất.

Năm ngoái, UNFPA phối hợp cùng Bộ Y tế Philippines và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tiến hành một chiến dịch quy mô vì mục tiêu “0 ca mang thai ngoài ý muốn ở trẻ vị thành niên trước năm 2030”. Dự án “cơ sở tư vấn y tế thân thiện với thanh thiếu niên” triển khai tại 2 tỉnh nghèo Samar và Nam Leyte thuộc Đông Visayas (phía đông Philippines), một trong những khu vực có tỉ lệ trẻ em gái mang thai ngoài ý muốn cao nhất cả nước, đã thu về một số hiệu ứng tích cực.

Sandra, sống tại thành phố Marabut, tỉnh Samar, sinh con đầu lòng vào năm ngoái ở tuổi 17. Sau ca sinh khó, em buộc phải thôi học. Văn phòng tư vấn UNFPA đã giúp ích Sandra rất nhiều trong quá trình hồi phục, bảo vệ sức khỏe sinh sản. Tuy vậy, em chia sẻ vẫn thấy tiếc nuối khi phải sớm từ bỏ việc học. “Em muốn hoàn tất việc học vì tương lai con của em. Nhưng lúc này thật khó để được quay lại trường”, Sandra bày tỏ.

Joudane hy vọng giới chức trách có thể kiên định duy trì nhiệm vụ phòng chống nạn mang thai ở trẻ vị thành niên. Bà nói: “Nếu không kiên trì đấu tranh, vấn đề này sẽ tiếp tục ảnh hưởng tới cuộc sống của trẻ em gái, làm tổn hại nền kinh tế và kìm hãm nhiều người Philippines trong vòng xoáy đói nghèo”.

Theo phụ nữ TPHCM