Từ năm 16 tuổi, Kris Foo (sống tại Singapore) bắt đầu đưa cho mẹ một khoản tiền trợ cấp trích từ lương làm gia sư sau giờ học của cô.
Đây vốn là một thói quen phổ biến của thế hệ con cái ở các nước châu Á nhằm thể hiện lòng hiếu thảo, theo The Washington Post.
Từ vài USD, khoản tiền trợ cấp tăng lên thành hàng trăm USD/tháng sau khi Foo đạt thành công trong sự nghiệp thiết kế đồ họa.
“Mẹ luôn nói rằng đó là trách nhiệm của tôi, là điều tôi cần làm để thể hiện tình yêu thương với cha mẹ”, cô cho biết.
|
Kris Foo phá sản vì nghỉ việc chăm sóc mẹ. |
Tuổi càng cao, nhu cầu của mẹ Foo càng tăng lên. Một chiều nọ, cô sang nhà mẹ và thấy vết máu ở trên tường do bà trượt chân ngã đập đầu.
Thế là Foo (53 tuổi), một phụ nữ sống độc thân không lập gia đình, quyết định dọn về sống với mẹ.
Phụ nữ chịu thiệt hơn cả
Gửi tiền trợ cấp cho phụ huynh không chỉ là một phong tục, mà còn được quy định trong bộ luật của đảo quốc sư tử.
Đạo luật Phụng dưỡng Cha mẹ năm 1996 ở Singapore cho phép những bậc phụ huynh không thể tự nuôi thân có quyền yêu cầu con cái của họ đưa một khoản trợ cấp hàng tháng.
Những người từ 65 tuổi trở lên hiện chiếm 11% dân số Singapore, tăng từ mức 7% của năm 2000. Người cao tuổi càng sống lâu hơn, chi phí chăm sóc họ tại gia cũng càng tăng lên.
Tính đến năm 2030, chi phí trung bình để chăm sóc sức khỏe người cao niên tại Singapore sẽ là 37.000 USD/năm, mức cao nhất trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Điều này sớm trở thành gánh nặng cho nhiều người trưởng thành, đặc biệt là phụ nữ.
Họ phải hy sinh sự nghiệp lẫn tiền tiết kiệm hưu trí để chăm sóc người thân già yếu, nhưng lại không có ai làm điều tương tự cho họ bởi nhiều phụ nữ chưa lập gia đình.
Theo một khảo sát năm 2012 của chính phủ Singapore, phụ nữ chiếm 60% số người chăm sóc không chính thức cho người già. Trong đó, khoảng 35% những người chăm sóc không chính thức lại chưa lập gia đình, hầu hết khoảng 45-59 tuổi - độ tuổi “vàng” để kiếm tiền của phụ nữ.
Trung bình mỗi người chăm sóc sẽ mất khoảng 63% thu nhập của cô ấy, tức hơn 40.000 USD, nghiên cứu năm 2019 của Hiệp hội Phụ nữ Hành động và Nghiên cứu (AWARE) cho thấy.
|
Một phụ nữ lớn tuổi tại Singapore hồi tháng 5/2020. Tỷ lệ người già ở đảo quốc sư tử ngày càng tăng. |
Phá sản vì lòng hiếu thảo
Thế nhưng, nhiều người vẫn chọn nghỉ việc hoặc giảm thời gian lao động khi nhu cầu của cha mẹ già tăng lên.
Năm 2014, khi mẹ được chẩn đoán mắc chứng mất trí nhớ, Foo quyết định đóng cửa văn phòng để toàn tâm chăm sóc mẹ. Lượng khách hàng và thu nhập của cô cũng từ đó dần cạn kiệt.
Hai năm sau, cô phá sản ở tuổi 48 vì đã chi hơn 75.000 USD vào việc chăm sóc mẹ.
“Tôi phải vay tiền anh họ để mua nhu yếu phẩm sống qua ngày”, Foo kìm nước mắt khi kể lại.
Cô cũng bắt đầu tự đặt câu hỏi về giai đoạn hưu trí của mình: “Ai sẽ là người chăm sóc tôi đây?”
Foo không phải trường hợp hiếm hoi ở đảo quốc sư tử. Trong giai đoạn chuẩn bị thăng chức lên vị trí cấp cao trong công ty, Nadia Daeng (38 tuổi), một nhà phát triển thương hiệu và tiếp thị, hay tin mẹ đột quỵ và bị suy giảm chức năng nghiêm trọng.
Sau khi bàn chuyện với các anh em trai, Daeng đồng ý từ bỏ công việc trong mơ của mình để chăm sóc mẹ toàn thời gian.
Thay vì tham dự các bữa tiệc kinh doanh, cô ở nhà thay tã cho mẹ. Sự thay đổi đột ngột này khiến Daeng rơi vào trầm cảm.
|
Một người chăm sóc đi dạo cùng cụ bà lớn tuổi trong công viên ở Singapore năm 2016. |
“Phải tạm dừng vô thời hạn sự nghiệp của mình là một điều khó khăn. Nhưng tôi luôn cố gắng tự an ủi bản thân rằng ‘Tại nơi làm việc, mình luôn nói là muốn giúp đỡ người khác. Giờ có mẹ cần mình giúp, mình nên làm thôi’”, cô nói.
Trợ cấp từ chính phủ và thu nhập từ các hợp đồng marketing tự do vẫn không đủ để Daeng trang trải sinh hoạt phí cơ bản. “Nhìn chằm chằm vào tài khoản ngân hàng, tôi không biết phải sống thế nào chỉ với 50 USD trong 2-3 tuần tới?”, cô thở dài.
Trả ơn cho cha mẹ
Nhiều con cái tự hào khi được chăm sóc bố mẹ tại nhà - nơi những người cao niên được người thân quan tâm, cũng như tham gia vào hoạt động thường ngày của gia đình.
“Chúng ta sống khác với xã hội phương Tây. Tôi chưa bao giờ nghĩ đến chuyện đưa mẹ vào viện dưỡng lão, trừ khi tôi không còn đủ khả năng để làm điều đó”, Eddy Lim (52 tuổi), một nam nhân viên thẩm định bảo hiểm độc thân đang chăm sóc người mẹ bị mất trí nhớ, cho biết.
Lim luôn biết ơn mẹ mình - người phụ nữ từng phải làm việc liên tục nhiều ca một cửa hàng tiện lợi để nuôi nấng 5 anh chị em nhà ông.
Ông chi trả mọi chi phí sinh hoạt của mẹ kể từ khi bắt đầu đi làm, cũng như tham gia các khóa học để biết cách đối phó với chứng suy giảm trí nhớ và tính nết thay đổi thất thường của mẹ.
Hiện ông vẫn là người chu cấp tài chính cho mẹ, trong khi em gái ông, một phụ nữ độc thân khác, đảm nhận nhiệm vụ chăm sóc hàng ngày.
“Trước đây, mẹ luôn đặt anh em chúng tôi lên hàng ưu tiên. Bây giờ, chúng tôi trả ơn cho bà”, Lim nói.
Theo Zing