Trong một cảnh báo đưa ra vào Ngày Quốc tế Xóa bỏ Nô lệ (2/12), các chuyên gia cảnh báo rằng những thách thức toàn cầu như COVID-19, biến đổi khí hậu và xung đột vũ trang đã làm gia tăng các tổn thương hiện có. Theo số liệu từ Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) và Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) công bố vào tháng 6, gần 80 triệu trẻ em từ 5 đến 17 tuổi phải làm các công việc độc hại được coi là một hình thức của nô lệ hiện đại.

Giờ đây, theo các chuyên gia, những trẻ em này có thể phải làm việc nhiều giờ hơn hoặc làm việc trong điều kiện tồi tệ hơn do suy thoái kinh tế và trường học đóng cửa dưới tác động của đại dịch. Nhiều trẻ em khác có thể bị ép buộc tham gia các hình thức lao động trẻ em nặng nề hơn do gia đình bị mất việc làm và không có thu nhập, bao gồm việc bị ép buộc gia nhập các nhóm có vũ trang và tội phạm.

Phụ nữ và trẻ em gái có nguy cơ cao chịu các hình thức nô lệ hiện đại - Ảnh 1.

Trẻ em ở Burkina Faso (một quốc gia ở Tây Phi) tham gia vào các hình thức lao động trẻ em tồi tệ nhất, bao gồm cả khai thác vàng thủ công và khai thác đá. Ảnh: UNICEF/Christine Nesbitt

Theo một ước tính không chính thức được các chuyên gia trích dẫn, cứ 130 phụ nữ và trẻ em gái thì có một người phải chịu các hình thức nô lệ hiện đại như tảo hôn, hôn nhân cưỡng bức, nô lệ gia đình, lao động cưỡng bức và lao động lệ thuộc. Các chuyên gia cho biết: "Vấn đề bốc lột cũng diễn ra phổ biến trong các chuỗi cung ứng toàn cầu, vốn thường phụ thuộc và củng cố tình trạng bóc lột lao động và làm sâu sắc thêm vấn đề bất bình đẳng giới".

Theo các chuyên gia, bất bình đẳng giới là trọng tâm của các hình thức nô lệ hiện đại, nhưng lưu ý rằng những vấn đề này cũng được thúc đẩy bởi các hình thức phân biệt đối xử đan xen như chủng tộc, địa vị xã hội và kinh tế, tuổi tác, khuyết tật, khuynh hướng tình dục và tình trạng di cư. Nhiều chuyên gia kêu gọi các quốc gia thành viên thiết lập các con đường di cư an toàn, khả năng tiếp cận dễ dàng hơn với việc làm bền vững và hợp tác nhiều hơn với các khu vực kinh doanh, các tổ chức xã hội dân sự và công đoàn. "Chế độ nô lệ dưới mọi hình thức cần phải chấm dứt cho tất cả mọi người, kể cả phụ nữ và trẻ em trong bối cảnh xung đột vũ trang. Chế độ nô lệ là nỗi ô nhục không thể dung thứ được trong thế kỷ 21 đối với nhân loại", họ kết luận.

2021 là năm đánh dấu kỷ niệm 30 năm thành lập Quỹ Tín thác Tự nguyện của Liên Hợp Quốc về các Hình thức Nô lệ hiện đại. Riêng năm nay, 18.000 nạn nhân đã nhận được giúp đỡ từ các tổ chức do Quỹ hỗ trợ.

Kim Ngọc