Suốt 10 năm qua, Jonathan (41 tuổi, Anh) luôn túc trực bên hòm thư điện tử. Anh nhận email đều đặn 12 tiếng/ngày, sớm nhất từ 6h và muộn nhất là nửa đêm. Từ ngày trở thành một luật sư, Jonathan luôn cố gắng đọc hết email từ lúc chúng được gửi đến.
“Khi nhận thư điện tử trên điện thoại, bạn có thể cảm nhận được áp lực cả trong lẫn ngoài là rất lớn”, anh nói với The Guardian.
Nhiều người không thể tách bạch giữa công việc và cuộc sống riêng khi làm việc tại nhà. Ảnh: Blend Images.
Jonathan nhăn mặt khi nhớ lại lần lướt điện thoại kiểm tra email trong lúc đang đi nghỉ dưỡng cùng bạn đời.
“Rõ là tôi chẳng thể làm gì, nhưng vẫn bị thôi thúc kiểm tra hòm thư, xem có gì mình gửi email hồi đáp được không”, anh kể.
Từ trước đại dịch, nhiều người đã gặp trở ngại khi cố gắng duy trì ranh giới giữa công việc và đời tư. Điều đó lại càng khó khăn hơn khi Covid-19 ập đến và làm việc từ xa trở thành một yêu cầu bắt buộc.
Hầu hết đang làm nhiều ngày hơn với cường độ cao hơn, theo The Guardian. Hòm thư điện tử nhận thông báo liên tục chính là dấu hiệu rõ ràng nhất của thực trạng này.
Ngày làm việc dài hơn
Đại dịch càng làm gia tăng mối quan tâm tới quyền được ngắt kết nối của người lao động.
Một nghiên cứu năm 2020 đối với 3,1 triệu lao động ở Bắc Mỹ, châu Âu và Trung Đông cho thấy “sự gia tăng đáng kể và lâu dài” cả về cả lượng email trung bình được gửi trong nội bộ lẫn số người nhận.
Bằng cách đo thời gian giữa email đầu tiên và cuối cùng được gửi, hoặc các cuộc họp được tổ chức trong khoảng 24 tiếng, các nhà nghiên cứu kết luận rằng kể từ đại dịch, ngày làm việc trung bình đã kéo dài thêm 48,5 phút.
Nhà quản lý truyền thông xã hội Katie (27 tuổi) cho biết cô nhận được email muộn nhất khoảng 22-23h.
“Do làm việc từ xa, mọi người sẽ gửi email tới bạn bất cứ lúc nào một cách mù quáng, hy vọng rằng bạn sẽ trả lời ngay lập tức”, cô nói.
Một số người chủ động tắt nguồn thiết bị điện tử khi hết giờ làm việc. Ảnh: Jason Cross/IDG.
Âm thanh báo tin nhắn mới trong hòm thư điện tử khiến Katie không còn được thoải mái thư giãn buổi tối. Hiện cô phải tắt thông báo trên cả điện thoại lẫn laptop của mình.
“Tôi hiểu rằng các đồng nghiệp đang ngập đầu trong mớ công việc và họ chỉ đang cố gắng hoàn thành chúng trước khi sang ngày mới. Song, khi nghe tiếng ‘bing’ của tin nhắn mới trong lúc đang ăn tối hoặc xem tivi, tôi cảm tưởng như mình vẫn đang ở chỗ làm”, Katie chia sẻ.
Không có ranh giới giữa làm và nghỉ
Tuy nhiên, vấn đề thực sự không chỉ là những dòng thông báo tin nhắn công việc mới, mà nằm ở sự kỳ vọng của các công ty, doanh nghiệp rằng nhân viên luôn sẵn sàng nhận nhiệm vụ mọi lúc, mọi nơi.
“Có cảm giác như từ trước đại dịch, công nghệ kỹ thuật số đã làm mờ ranh giới giữa chỗ làm và gia đình. Điều đó lại càng rõ rệt hơn ở thời điểm hiện nay”, Andrew Pakes, Giám đốc nghiên cứu của công đoàn Prospect ở Anh, cho biết.
“Mọi người không thể thư giãn hay tắt máy, và điều này càng tăng thêm áp lực tâm lý”, ông nói thêm. Hiện công đoàn Prospect đang thúc đẩy một giải pháp triệt để nhằm hạn chế tình trạng hộp thư điện tử tiếp tục réo ngoài giờ làm việc nhờ sự can thiệp của chính phủ Anh.
Anna Rudnicka, một thành viên nghiên cứu tại Trung tâm Tương tác tại Đại học College London, cho biết ít nhất trên văn phòng chúng ta còn nhận diện được những “tín hiệu” nghỉ ngơi, chẳng hạn như giờ ăn trưa.
“Nhưng hiện nay, nhiều người còn không biết liệu họ có được phép nghỉ ngơi hay không”, cô cho biết, nhất là không gian riêng và không gian làm việc hòa vào làm một.
Sức khỏe tâm thần của nhiều lao động suy giảm từ khi tăng cường làm việc từ xa. Ảnh: Alamy.
Theo Rudnicka, cách tiếp cận công việc hiện nay tồn tại một vòng luẩn quẩn. Mọi người ngày càng cảm thấy lo lắng, áp lực, mất tập trung và điều đó thôi thúc họ nỗ lực nhiều hơn trong việc luôn trực tuyến để bù đắp.
“Nó tạo ra một văn hóa luôn sẵn sàng nhận việc. Rõ ràng bạn không muốn là người duy nhất không phản hồi email của đồng nghiệp”, cô nói.
Bên cạnh đó, việc kéo dài và tăng cường ngày làm việc sẽ dẫn đến những vấn đề sức khỏe lường trước được như giấc ngủ bị gián đoạn, chấn thương căng thẳng lặp đi lặp lại, trầm cảm, lo lắng và kiệt sức.
Chẳng hạn, cuộc đấu tranh của Jonathan để được ngắt kết nối với công việc - nguồn cơn của sự căng thẳng trong mối quan hệ đời tư của anh - trở nên tồi tệ hơn khi Covid-19 xuất hiện, đến mức anh đang xem xét rời khỏi ngành luật.
“Tôi nhận ra mình không thể tiếp tục như vậy trong 30 năm tiếp theo. Tôi ghét phải dùng đến thuật ngữ ‘sức khỏe tâm thần’, nhưng thực sự mọi người sẽ còn chịu hậu quả gì nữa khi chỉ 15 tháng đại dịch đã gây ra tác động đáng kể như vậy?”, anh nói.
Áp lực chồng chất
Tuy nhiên, dù thời gian làm kéo dài hơn, những người làm việc từ xa lại ít có khả năng được thăng chức, đào tạo hoặc nhận thưởng hơn so với người làm tại văn phòng, theo Văn phòng Dữ liệu Thống kê Quốc gia Anh từ trước đại dịch.
Bên cạnh đó, trong bối cảnh thiếu việc làm trong thời buổi Covid-19, người lao động lại càng cảm thấy khó từ chối những yêu cầu vô lý.
“Người lao động bị tước bỏ quyền lực nhiều, nhưng bản thân các nhà quản lý cũng đang gặp khó khăn. Điều này giống như một kim tự tháp áp lực vậy”, Claire Mullaly, một nhà tư vấn công nghệ thông tin có trụ sở tại Belfast (North Ireland), cho biết. Vì tính chất công việc, Mullaly luôn phải ở trong trạng thái sẵn sàng.
Quyền ngắt kết nối sau giờ làm hiện được một số doanh nghiệp quan tâm. Ảnh: borchee.
Hiện một số công ty tôn trọng quyền ngắt kết nối của người lao động, bao gồm cho phép nhân viên tắt thông báo điện thoại di động sau giờ làm việc hoặc tạm dừng gửi email vào cuối tuần.
Kể từ đại dịch, họ cũng cho nhân viên nghỉ có lương nhiều hơn với hy vọng hạn chế tình trạng kiệt sức. Chẳng hạn, tất cả 700 nhân viên của ứng dụng hẹn hò Bumble vừa có một tuần “hoàn toàn ngoại tuyến”.
Bên cạnh đó, Rudnicka, người nghiên cứu các chiến lược để làm việc từ xa hiệu quả, nói rằng việc thay đổi chữ ký email công việc nhằm nêu rõ giờ làm của cá nhân có thể tạo ra ranh giới tốt.
Người lao động cũng nên tự giới hạn số lần kiểm tra hòm thư công việc mỗi ngày. Đồng thời, ban lãnh đạo công ty cần phải đi đầu, không chỉ hỗ trợ về mặt vật chất cho nhân viên được nghỉ ngơi, mà còn làm gương bằng cách thực hiện điều tương tự.
Theo Zing