Sau Australia, New Zealand hiện cũng phải đối mặt với hàng loạt các cuộc bãi công, biểu tình của các giảng viên, kỹ sư, bác sỹ, y tá, nhân viên nhà nước… cũng như nguy cơ kinh tế suy thoái, y tế xuống cấp, giáo dục đình trệ do thiếu hụt nhân lực trầm trọng, trong bối cảnh nước này chưa giải quyết thỏa đáng chính sách đãi ngộ với lực lượng lao động hiện tại.
Từ đầu tháng 9 đến nay, New Zealand đã nhiều lần phải đối mặt với hàng loạt các cuộc bãi công, biểu tình diễn ra trên khắp cả nước, tại nhiều lĩnh vực như kinh tế, giáo dục, y tế, dịch vụ công… chủ yếu do nguồn nhân lực thiếu hụt ngày càng trầm trọng, áp lực công việc lên lực lượng lao động hiện ngày càng cao, thường xuyên phải tăng ca, trong khi chế độ đãi ngộ lại không được cải thiện.
Cuộc khủng hoảng lên cao từ đầu tháng 10, bắt đầu bởi sự kiện Tổ chức Y tá New Zealand (NZNO) kêu gọi 35.000 y tá trong cả nước đồng loạt từ chối làm thêm ca. Sự kiện này được viện dẫn về cái chết của một bệnh nhân bị tai nạn, đã phải chờ hơn 7 giờ trong phòng cấp cứu Bệnh viện Middlemore nhưng do không có bác sỹ chăm sóc, đã tử vong vì xuất huyết trong. Vụ việc trên đã bị giới truyền thông lên án mạnh mẽ và khiến các bác sỹ, nhân viên y tế vốn thường xuyên tăng ca, buộc phải có biện pháp cứng rắn hơn để chính phủ quan tâm và giải quyết vấn đề khủng hoảng nhân lực trong lĩnh vực y tế.
Tình trạng tương tự cũng diễn ra tại các lĩnh vực khác, khi hàng nghìn giáo sư, sinh viên, lính cứu hỏa, nhân viên các cơ quan nhà nước tại các thành phố lớn biểu tình yêu cầu chính phủ phải tăng biên chế, cải thiện chế độ đãi ngộ và tiền lương, có biện pháp hiệu quả hơn nhằm giảm áp lực cho lực lượng lao động hiện nay.
Theo Liên minh các trường đại học New Zealand, tình trạng thiếu giáo viên và áp lực tăng ca trong khi mức lương quá thấp đang khiến nhiều người phải cân nhắc việc đổi nghề và sinh viên ngày càng không còn hứng thú với ngành giáo dục. Điều này là vô cùng đáng báo động và cần phải được giải quyết sớm. Hôm qua (06/10), Liên minh này cũng đã phối hợp giáo viên các trường đại học trong cả nước tổ chức đình công 1 ngày, yêu cầu chính phủ xem xét cải thiện chế độ lương bổng và tăng cường cơ sở vật chất giáo dục.
Các giảng viên Đại học Otago New Zealand biểu quyết về việc tổ chức đình công. Nguồn: Stuff
Theo Tổ chức Y tá New Zealand, quyết định từ chối làm thêm ca của các y tá đã cho thấy quy mô thực sự của tình trạng thiếu nhân lực vốn đã tồn tại nhiều năm nay và ngày càng trầm trọng sau đại dịch Covit-19. Trong bối cảnh nhân sự ngày càng thiếu, bệnh nhân ngày càng nhiều, các bác sỹ và nhân viên y tế luôn trong tình trạng tăng ca và kiệt sức, trong khi lạm phát tăng cao và chế độ đãi ngộ không hề được cải thiện.
Theo Tổ chức Công đoàn New Zealand, việc dự báo tình trạng thiếu hụt nguồn nhân lực tại New Zealand, đặc biệt là trong lĩnh vực y tế đã sớm được đưa ra từ năm 2006, nhưng chính phủ đã không lưu ý đến các cảnh báo này. Công đoàn đã nhiều lần đề xuất với chính phủ các phương án cải thiện tình hình, nhưng cho đến nay vẫn chưa được xem xét, phê duyệt./.
Theo VOV