WHO ngày 23.1 kêu gọi nỗ lực tiêm phòng khẩn cấp trước tình hình dịch bệnh sởi tại khu vực châu Âu, theo AFP. "Chúng ta đã nhìn thấy tại khu vực không chỉ có số ca bệnh sởi tăng 30 lần mà còn có gần 21.000 trường hợp nhập viện và 5 ca tử vong liên quan bệnh sởi. Đây là điều đáng lo ngại", WHO nói trong một thông báo.

leftcenterrightdel
Y tá tiêm vắc xin sởi cho cậu bé tại Lviv (Ukraine) hồi năm 2019 

Khu vực châu Âu theo phân chia của WHO gồm 53 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có cả Nga và các nước Trung Á. Nga và Kazakhstan có số ca nhiễm nhiều nhất với khoảng 10.000 ca mỗi nước, trong khi Anh có nhiều ca nhất ở Tây Âu với 183 trường hợp.

Sởi có thể là một căn bệnh nghiêm trọng ở mọi lứa tuổi. Bệnh thường bắt đầu bằng sốt cao và phát ban, thường khỏi trong vòng 10 ngày nhưng các biến chứng có thể bao gồm viêm phổi, viêm màng não, mù lòa và co giật.

Những em bé còn quá nhỏ để được tiêm liều vắc xin đầu tiên, phụ nữ mang thai và những người có hệ miễn dịch yếu, là nhóm có nguy cơ cao nhất. Khi mang thai, bệnh sởi có thể dẫn đến sẩy thai hoặc trẻ sinh ra nhẹ cân.

Các quan chức y tế cảnh báo rằng các ca nhiễm vẫn đang gia tăng và cần có "những biện pháp khẩn cấp" để ngăn chặn sự lây lan thêm.

Nguyên nhân của mức gia tăng đáng báo động số ca bệnh sởi tại châu Âu trong năm qua được cho là do trẻ em ít được tiêm vắc xin sởi trong đại dịch Covid-19. Khoảng 1,8 trẻ sơ sinh tại khu vực châu Âu của WHO không được tiêm ngừa sởi từ năm 2020-2022.

Riêng tại Anh, gới chức y tế nước này cho hay hơn 3,4 triệu trẻ em dưới 16 tuổi không được bảo vệ và có nguy cơ mắc bệnh này.

"Tiêm chủng là cách duy nhất để bảo vệ trẻ em khỏi căn bệnh nguy hiểm tiềm tàng này", tiến sĩ Hans Kluge, Giám đốc khu vực của WHO, cho biết.

Với việc du lịch quốc tế bùng nổ trở lại và các biện pháp giãn cách xã hội được dỡ bỏ, nguy cơ bệnh sởi lây lan qua biên giới và trong cộng đồng sẽ lớn hơn nhiều, đặc biệt là trong các nhóm dân số chưa được tiêm chủng đầy đủ.

Theo Thanh niên