Tại các ngôi làng vùng cao và thị trấn thuộc đồng bằng của Papua New Guinea, nạn tra tấn, tàn sát những người bị cho là phù thủy là tội ác mà ai cũng biết, nhiều người chứng kiến, nhưng gần như không có hành động nào để ngăn chặn.
Nạn nhân phải chịu nhiều nỗi đau như tứ chi bị gãy, mất vài bộ phận cơ thể, khuôn mặt đầy sẹo, sưng tấy và tâm hồn tổn thương vĩnh viễn.
Nhưng họ may mắn vì còn sống sót.
Chỉ trong vòng 1 tuần, 5 cái chết - được cho là liên quan đến cáo buộc phù thủy - tại một tỉnh của Papua New Guinea đã làm dấy lên làn sóng phẫn nộ về tội ác đã tồn tại dai dẳng ở quốc gia này.
Ở khu vực East Sepik, phía bắc đảo New Guinea, một phụ nữ và một học sinh bị sát hại tại làng Gavien. Một cậu bé 13 tuổi ở cùng làng bị bắt cóc trước khi được tìm thấy trong tình trạng treo cổ.
Ba đối tượng bị buộc tội cố ý giết người vì những cái chết kể trên song chưa nhận tội trước tòa.
|
Người bị cho là phù thủy ở Papua New Guinea phải chịu nhiều nỗi đau cả về thể chất lẫn tinh thần. Ảnh:The Guardian. |
Albert Beli, chỉ huy cảnh sát khu vực, cho biết các đối tượng tình nghi còn được cho là có liên quan đến một cái chết hồi đầu năm nay tại ngôi làng lân cận Angoram - cách Gavien khoảng 15 km.
“Vào tháng 2, một người đàn ông chết vì bạo bệnh ở Angoram. Sau đó, mọi người bắt đầu buộc tội và giết nhau”, ông Beli nói với tờ National.
Không liên quan tới vụ án trên, trong cùng tuần đó, hai cha con bị giết ở Suanum, bên ngoài thủ phủ tỉnh Wewak. Cảnh sát cho rằng cái chết của họ cũng liên quan đến các cáo buộc về phù thủy.
Đó là những vụ giết người mà nạn nhân bị kết tội thực hiện một số loại tà thuật, thường là đối với một gia đình hoặc ngôi làng lân cận, dẫn đến sự chết chóc, bệnh tật hoặc xui xẻo.
Năm 2013, Papua New Guinea đã bãi bỏ Đạo luật phù thủy gây tranh cãi. Sau đó, quốc gia này thông qua luật mới quy định rằng tất cả vụ sát hại liên quan đến cáo buộc phù thủy sẽ bị coi là giết người.
Tuy nhiên, kể từ khi luật mới được thông qua, chưa có thủ phạm nào bị kết tội.
Tồn tại dai dẳng
Nhà truyền giáo Anton Lutz nói với The Guardian rằng các vụ tra tấn, tàn sát người bị cho là phù thủy tồn tại dai dẳng ở Papua New Guinea. Tuy nhiên, cho đến nay, rất ít hành động được thực hiện để giải quyết vấn nạn này.
Ông cho hay: “Quan niệm của người Papua New Guinea về sanguma (tà thuật) và phù thủy đa dạng theo khu vực, mâu thuẫn về mặt logic, thay đổi theo thời gian và có tính lan truyền. Chúng được dùng làm cái cớ để biện minh cho hành vi bạo lực bất hợp pháp với những người dễ bị tổn thương”.
Nạn nhân, hầu hết là phụ nữ, bị hãm hiếp tập thể, đánh đập và thiêu sống. Họ còn bị phân xác bằng dao.
Tháng 7/2019, ở ngôi làng của Karida, 10 phụ nữ, 6 trẻ em và 2 thai nhi bị tấn công đến chết bằng dao rựa. Vụ thảm sát diễn ra sau cái chết của 3 phụ nữ và 4 đàn ông ở ngôi làng lân cận chỉ một ngày.
Trong khi sự tàn bạo của các vụ án trên gây chấn động Papua New Guinea, đồng thời dẫn đến lời khẳng định dập tắt tội ác này từ tầng lớp chính trị của đất nước, các cuộc tấn công quy mô lớn - đặc biệt nhắm vào những phụ nữ bị kết tội phù thủy - vẫn tồn tại.
Tháng 10, tại huyện Pimaga của Southern Highlands, 17 phụ nữ bị cưỡng bức và tra tấn sau cái chết một cậu bé do chó cắn. Cảnh sát đã tìm thấy các nạn nhân và đưa họ trở lại cộng đồng.
Tuy nhiên, Ruth Kissam - giám đốc điều hành của Tổ chức Bộ lạc Papua New Guinea - cho biết những phụ nữ này có nguy cơ bị tấn công lần nữa.
Xuất phát từ giáo dục kém
Không chỉ xảy ra ở các vùng cao nguyên hẻo lánh của Papua New Guinea, những vụ giết người vì cáo buộc phù thủy cũng tồn tại ở nhiều tỉnh miền xuôi.
Peter Barkie, chỉ huy của Cảnh sát vịnh Milne, nói rằng các vụ án như vậy xảy ra thường xuyên, được nhiều người biết đến nhưng hiếm khi được báo cáo cho cơ quan chức năng.
“Ở đây, niềm tin về ma thuật mãnh liệt đến mức người dân có thể giết hại bất cứ ai mà họ nghi ngờ là phù thủy. Các hình phạt ở đây khác tại Southern Highlands - nơi phụ nữ bị đánh đập và tra tấn trước khi bị thiêu sống”, ông Barkie nói.
Vị chỉ huy cảnh sát nói thêm rằng đàn ông, phụ nữ và thậm chí cả trẻ em đều bị buộc tội. “Họ chỉ tàn sát, không tra tấn, không thiêu sống. Nhưng điều đáng sợ ở đây là con đầu lòng của người bị buộc tội cũng bị giết vì họ tin rằng 'phù thủy' được truyền từ bố mẹ sang con cả”.
|
Ở nhiều vùng của Papua New Guinea, niềm tin về ma thuật mãnh liệt đến mức người dân có thể giết hại bất cứ ai mà họ nghi ngờ là phù thủy. Ảnh:Vlad Sokhin. |
Ông Barkie trích dẫn trường hợp xảy ra vào đầu năm nay ở vịnh Milne. 10 năm trước, một phụ nữ chứng kiến cha mình bị sát hại vì bị buộc tội hành nghề phù thủy. Thảm kịch tái diễn khi cô bị tấn công đến chết bằng dao rựa. Nhiều người tin rằng nạn nhân bị giết vì là con đầu lòng của "phù thủy".
Có rất ít báo cáo chính thức của cảnh sát về các nạn nhân hoặc gia đình của họ.
Gari Juffa, Thống đốc tỉnh Oro, nói rằng bạo lực dai dẳng liên quan đến phù thủy của Papua New Guinea đã và đang nhắm vào những người vốn dễ bị tổn thương nhất.
“Bạo lực liên quan đến cáo buộc phù thủy bắt nguồn từ trình độ học vấn kém, thiếu nhận thức, hạn chế về cơ hội phát triển cùng sự suy giảm về luật pháp, trật tự và chính trị”, ông nói.
Ông Bryan Kramer, chỉ huy trong lực lượng cảnh sát, khẳng định nạn tàn sát người bị cho là phù thủy “không có chỗ đứng trong xã hội của chúng ta”. Ông cho biết cảnh sát đang nỗ lực giải cứu những người bị buộc tội phù thủy và chấm dứt tình trạng bạo lực.
Tháng 6, tại làng Tulum ở Southern Highlands, 3 phụ nữ bị người thân cho là phù thủy và hứng chịu sự tra tấn. Họ được lực lượng cảnh sát và quân đội cứu thoát.
“Nếu không có sự can thiệp của cảnh sát và binh lính, những người phụ nữ đã bị giết”, ông Kramer nói.
Vị chỉ huy cho biết kế hoạch hành động quốc gia về "bạo lực liên quan tới phù thủy" năm 2015 của chính phủ được thiết kế để giải quyết vấn đề này thông qua quá trình tư vấn, bảo vệ pháp lý, truy tố, cải thiện cơ chế bảo vệ trẻ em, vận động và giáo dục.
Theo Zing