"Dưới nắng nóng như thế này, những thai phụ như chúng tôi cảm thấy rất căng thẳng", Sonari, ngoài 20 tuổi, cho biết khi làm việc tại cánh đồng dưa ở ngoại ô thành phố Jacobabad, tỉnh Sindh, miền nam Pakistan. Cục Khí tượng Pakistan hôm 14/5 ghi nhận mức nhiệt 51°C tại Jacobabad, khiến nơi này trở thành một trong những thành phố nóng nhất thế giới.
Cùng làm việc với Sonari và hàng chục phụ nữ khác còn có Waderi, 17 tuổi, người vừa sinh con vài tuần trước. Dưới nhiệt độ hơn 50°C, Waderi đặt đứa bé nằm trên một tấm chăn dưới bóng râm gần đó để tiện cho con bú.
Những phụ nữ ở miền nam Pakistan này cũng như hàng triệu người giống họ trên khắp thế giới đang chịu ảnh hưởng nặng nề vì biến đổi khí hậu, theo Reuters. Phụ nữ mang thai tiếp xúc với nhiệt độ cao trong thời gian dài có nguy cơ bị biến chứng thai kỳ cao hơn.
Phụ nữ đặc biệt dễ bị ảnh hưởng bởi nhiệt độ cao tại các quốc gia kém phát triển như Pakistan, nơi họ thường xuyên nhóm lửa nấu nướng trong những căn bếp chật chội, không có hệ thống thông gió hoặc làm mát.
"Việc chế biến đồ ăn trên bếp nóng, cộng với nhiệt độ môi trường cao, khiến mọi thứ trở nên nguy hiểm hơn nhiều", ông Cecilia Sorensen, giám đốc Hiệp hội Toàn cầu về Giáo dục Sức khỏe và Khí hậu (GCCHE) tại Đại học Columbia, New York, Mỹ, cho biết.
Nazia, một bà mẹ trẻ có 5 con, bị đột quỵ khi đang chuẩn bị bữa trưa trong căn bếp không có quạt. Cô được đưa đến bệnh viện gần đó nhưng không qua khỏi. Giới chức y tế Pakistan không công bố số ca tử vong do nắng nóng những năm gần đây.
Biến đổi khí hậu và các yếu tố khí quyển cục bộ được cho là những nguyên nhân chính gây ra nắng nóng cực đoan ở nhiều nơi, trong đó có các nước Nam Á. Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi khí hậu (IPCC) cho biết các đợt nắng nóng sẽ diễn ra gay gắt và thường xuyên hơn ở Nam Á trong thế kỷ này.
Tần suất xuất hiện các sự kiện cực đoan như sóng nhiệt ở Ấn Độ và Pakistan có khả năng tăng cao gấp 30 lần, theo Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO).
Khoảng 200.000 cư dân Jacobabad biết rõ nơi họ sống là thành phố nóng nhất thế giới. "Nơi này nóng đến mức khi xuống hỏa ngục, chúng tôi phải mang theo chăn", người dân địa phương thường đùa nhau.
Ngoài nhiệt độ cao, mưa nhiệt đới cùng gió biển Arab cũng làm tăng độ ẩm, gây ra hiện tượng "nhiệt độ bầu ướt", đơn vị nhiệt thấp nhất có thể đạt được khi không khí bão hòa hơi nước, thường không quá 31°C. Nhiệt độ bầu ướt trên 35°C, tương đương chỉ số nóng bức 70°C, được cho là giới hạn chịu đựng của con người.
Thành phố Jacobabad đã vượt ngưỡng này ít nhất hai lần kể từ năm 2010, theo dữ liệu thời tiết khu vực. Sonari, Waderi và hàng chục phụ nữ khác bắt đầu ca làm tại cánh đồng dưa vào lúc 6 giờ sáng. Họ được phép giải lao ngắn trong ca chiều để về lo việc nhà trước khi trở lại cánh đồng và làm việc đến khi mặt trời lặn.
Những người phụ nữ này thường xuyên bị đau nhức chân, nhiều người ngất xỉu dưới trời nắng nóng. "Cảm giác như không ai quan tâm đến họ", nhân viên cứu trợ Liza Khan từ tổ chức phi lợi nhuận Community Development Foundation cho biết.
Tình trạng nghèo đói và cắt điện thường xuyên khiến nhiều người dân tại Jacobabad không có điều kiện mua hoặc sử dụng điều hòa, thậm chí cả quạt để đối phó với cái nóng.
Hầu hết cư dân thành phố này cũng đang phụ thuộc vào các chuyến xe lừa giao nước từ vài chục máy bơm tư nhân xung quanh. Các hộ gia đình thường chi 1/5-1/8 thu nhập ít ỏi của mình để mua nước, nhưng vẫn không đủ phục vụ các nhu cầu cần thiết.
Giới chức địa phương cho biết tình trạng thiếu nước một phần là do điện bị cắt khiến nước không thể được lọc và chảy qua hệ thống đường ống cung cấp nước sạch ở thành phố.
Rubina, cư dân Jacobabad, chia sẻ rằng cô thường cảm thấy chóng mặt vì nóng và thường ngâm mình trong nước mỗi khi nấu ăn để tránh bị ngất xỉu, nhưng không phải lúc nào cũng có đủ nước để làm vậy.
"Vào những ngày nắng nóng không có nước và điện, chúng tôi thức dậy và chỉ biết cầu nguyện", Rubina nói, khi đang chia sẻ một cốc nước với người cháu của mình.
Theo vnexpress