Sự nguy hiểm của thói quen không rửa tay
Cập nhật lúc 17:35, Thứ hai, 28/10/2019 (GMT+7)
Bàn tay là một trong những con đường phổ biến nhất để vi khuẩn lây lan từ người này sang người khác. Chỉ cần quên rửa tay sau khi đi vệ sinh, trước khi ăn, bạn đã có thể tự lây nhiều bệnh nguy hiểm cho chính mình và người xung quanh.
Bệnh truyền nhiễm từ bàn tay bẩn
Tiến sĩ - bác sĩ Huỳnh Minh Tuấn, Trưởng khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, cho biết: Các mầm bệnh được lây truyền qua 3 đường chính: động vật trung gian, đường thở và tiếp xúc. Đặc biệt, qua tiếp xúc thì nhiều nhất là lây qua bàn tay, trong đó có cả những vi khuẩn kháng thuốc.
Rửa tay giúp bảo vệ bản thân khỏi mầm bệnh
Các nhà khoa học đã xác định 1 cm2 da của người bình thường có chứa tới 40.000 vi khuẩn, đặc biệt số lượng này còn nhiều hơn ở trên da bàn tay. Bàn tay được dùng để làm nhiều việc, tiếp xúc với mọi vật trong sinh hoạt hằng ngày. Vì vậy, bàn tay cũng là đường truyền bệnh chủ yếu. Từ tay, vi khuẩn lây lan từ người này sang người khác và gây bệnh.
Đặc biệt nguy hiểm, thói quen không rửa tay sau khi sử dụng nhà vệ sinh có thể làm lây lan bất kỳ vi khuẩn hoặc ký sinh trùng nào. Các vi khuẩn này có thể có sẵn trong hệ thống nhà vệ sinh hoặc do người khác sử dụng và để lại trong nhà vệ sinh.
Theo khuyến cáo của Bộ Y tế, các bệnh lây truyền qua bàn tay không vệ sinh gồm bệnh ký sinh trùng (giun sán) và nhiễm trùng như: các bệnh đường tiêu hóa (đặc biệt là tiêu chảy, tay chân miệng…), bệnh lây qua đường hô hấp (cúm, viêm phổi), các bệnh viêm gan siêu vi, bệnh ngoài da...“Vắc xin” rửa tay
Theo bác sĩ chuyên khoa 2 Võ Đức Chiến, Giám đốc Bệnh viện Nguyễn Tri Phương (TP.HCM): Rửa tay bằng xà phòng và nước sạch là biện pháp vô cùng đơn giản và rẻ tiền nhưng lại có thể giảm đáng kể nhiều nguy cơ bệnh tật lây nhiễm. Vệ sinh tay giúp giảm số người bệnh tiêu chảy khoảng 23 - 40%, giảm số ngày vắng mặt do các bệnh liên quan đến đường tiêu hóa ở trẻ em học sinh 29 - 57%, giảm 58% tỷ lệ mắc bệnh tiêu chảy ở những người có hệ miễn dịch yếu; giảm các bệnh về đường hô hấp, như cảm lạnh trong dân số nói chung khoảng 16 - 21%.
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khuyến cáo rửa tay với xà phòng như liều “vắc xin” hiệu quả và rẻ tiền giúp giảm 30% vi khuẩn gây bệnh, có hiệu quả góp phần đáng kể làm giảm nhiễm khuẩn bệnh viện và hạn chế mầm bệnh lây lan.
Bác sĩ Huỳnh Minh Tuấn cho biết trong sinh hoạt cộng đồng, rửa tay rất quan trọng. Người dân cần chú ý rửa tay đúng cách. Thời điểm cơ bản quan trọng nhất phải rửa tay là trước, sau khi ăn (chế biến thức ăn) và sau khi đi vệ sinh. Cần rửa tay với xà phòng và nước sạch, tốt hơn thì rửa tay với xà phòng diệt khuẩn. Có 6 bước rửa tay, gồm rửa lòng bàn tay, lưng bàn tay, kẽ các ngón tay, mặt ngoài của các ngón, ngón cái và đầu ngón tay.
Bàn tay là một trong những con đường phổ biến nhất lây truyền bệnh tật. Việc rửa tay đúng cách giúp ngăn chặn sự lan truyền mầm bệnh và là một trong những biện pháp hiệu quả nhất để bảo vệ sức khỏe bản thân.
Theo số liệu của Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF), 84 - 88% dân số không rửa tay với xà phòng sau khi đi vệ sinh và trước khi ăn uống. Điều này dẫn đến hệ quả là khoảng 88% các trường hợp tử vong do tiêu chảy ở trẻ em có liên quan đến tình trạng vệ sinh tay kém và thiếu nước sạch. Tiêu chảy và viêm phổi là hai bệnh chính mà mầm bệnh truyền nhiễm qua bàn tay và là nguyên nhân tử vong cho khoảng 3,5 triệu trẻ em trên thế giới mỗi năm. |
Theo
Thanh Niên