Ngôi làng Gangnauli, nằm ở tiểu bang Uttar Pradesh, cách thủ đô New Delhi khoảng hai giờ trông giống như bất kỳ ngôi làng nào khác ở Ấn Độ. Thế nhưng, nó lại ẩn chứa một số liệu thống kê đáng sợ khi nó là nơi sinh sống của một bộ phận dân cư mắc bệnh ung thư được xem là cao nhất nước.
Người dân địa phương ước tính rằng khoảng 1/3 trong số 5.000 cư dân ở đây bị ung thư.
|
|
Vipin Rathee (phải), người được chẩn đoán mắc khối u ác tính ở dạ dày vào năm 2022, cùng với những người dân sống tại làng Gangnauli ở Uttar Pradesh, Ấn Độ. |
Vipin Rathee, một trong những bệnh nhân được chẩn đoán mắc khối u ác tính ở dạ dày cách đây 2 năm. Sức khỏe của anh đã suy giảm liên tục ngay cả sau 8 đợt hóa trị.
Hiện tại, anh đã cạn kiệt tiền bạc sau khi chi trả cho việc chăm sóc y tế. “Tôi thấy hầu hết dân làng ở đây đều gặp phải vấn đề tương tự. Mọi người đã chi rất nhiều tiền cho việc điều trị y tế và chi phí vẫn tiếp tục cho đến ngày nay. Thực sự không có sự giúp đỡ nào từ bất kỳ ai ở đây”, anh nói.
Đầu năm 2024, một báo cáo do tập đoàn chăm sóc sức khỏe đa quốc gia Ấn Độ Apollo Hospitals đã gọi Ấn Độ là thủ đô ung thư của thế giới, dự đoán rằng nước này có thể ghi nhận khoảng 1,6 triệu ca ung thư mới vào năm 2025.
Theo số liệu của chính phủ Ấn Độ, cả nước ghi nhận khoảng 1,4 triệu ca mắc mới vào năm 2022. Tổng số ca ung thư tăng 13,9 triệu ca từ năm 2020 lên 15,7 triệu ca vào năm 2025.
Theo các bác sĩ cho biết, nguyên nhân gây ra căn bệnh ung thư ở Gangnauli có thể là do nguồn nước mà người dân địa phương sử dụng.
Sông Krishna, là con sông dài thứ 3 của Ấn Độ và là nguồn sống của hơn 5.000 hộ gia đình trong làng, đang bị ô nhiễm nghiêm trọng do chất thải công nghiệp từ các nhà máy đường và giấy gần đó.
Người dân địa phương cũng đổ lỗi cho nguồn nước này là nguyên nhân khiến một số trẻ em sinh ra bị dị tật xương.
Trong khi các gia đình cho biết những đứa trẻ này vẫn chưa được chẩn đoán mắc bệnh ung thư, thì nỗi ám ảnh về căn bệnh này vẫn luôn hiện hữu.
Gangauli có thể là trường hợp điển hình nhưng các bác sĩ cho biết tình hình ở những nơi khác trong nước cũng không khá hơn là bao. Các bác sĩ cho biết tỷ lệ ung thư gia tăng trên toàn quốc là do quá trình công nghiệp hóa nhanh chóng, tuổi thọ tăng, lối sống thay đổi và các yếu tố môi trường có thể xảy ra.
Akshay Rathee, được chẩn đoán mắc bệnh ung thư khi mới 16 tuổi. Căn bệnh này đã làm đảo lộn việc học của anh và phá hủy kế hoạch trở thành đô vật chuyên nghiệp của anh. Hiện tại, anh quyết tâm thay đổi hoàn cảnh của mình và coi việc học để có được một công việc trong chính phủ là mục tiêu chính trong cuộc đời. “Tôi muốn rời khỏi làng và muốn đưa gia đình tôi đi cùng. Nếu chúng tôi ở lại đây, tất cả mọi người sẽ bị bệnh. Cuộc sống cũng sẽ kết thúc".
Theo phụ nữ TPHCM