Rạng sáng, Sugiura, chủ quán Sushi Marubatsu, lướt nhanh giữa các lối đi chật hẹp của chợ Toyosu ở Tokyo. Khu chợ yên ắng hơn nhiều so với mọi khi, còn người đầu bếp chuyên làm món sushi này cũng không cần mua nhiều cá như lúc trước cho nhà hàng nhỏ của mình.

Hideki Sugiura trong tiệm Sushi Marubatsu ở Tokyo. Ảnh: CNN.

Hideki Sugiura trong tiệm Sushi Marubatsu ở Tokyo. Ảnh:CNN.

Việc làm ăn sụt giảm 50%, Sugiura nói, do ảnh hưởng của dịch nCoV. Virus corona lan khắp các khu vực rộng lớn ở châu Á, châu Âu và Mỹ, khiến hơn 300.000 người nhiễm bệnh. Nhật Bản có hơn 2.000 ca nhiễm, vài chục người đã chết.

"Đơn giản là khách hàng không đến nữa", Sigiura nói. "Tôi rất buồn. Tôi rất tức giận với loại virus này".

Suốt chín năm qua, gần như ngày nào Sugiura cũng đi chợ bán buôn cá. Khu chợ dời địa điểm từ Tsukiji sang Toyosu năm 2018. Anh thay đổi thực đơn theo ngày tùy từng loại cá và giá cả. Hôm nay, Sugiura chọn cá ngừ, cá hồi, cá hồng, cá cam Nhật Bản và tôm.

Nhà hàng của anh có sức chứa khoảng 10 thực khách, nằm gần ngã tư nổi tiếng Shibuya, nơi hàng triệu người đi bộ qua đường mỗi ngày ở Tokyo. Đa số thực khách là người địa phương.

"Nhân viên công sở, những người thường tới đây ăn trưa giờ không đến nữa", anh nói. "Các bà nội trợ thường đến đây dùng bữa trưa giờ chẳng còn ai tới".

Nhà hàng vốn đã giảm doanh thu trước khi virus lây lan do kinh tế bị ảnh hưởng khi chính phủ Nhật tăng thuế tiêu dùng hồi tháng 10 năm ngoái.

"Thực tế là chúng tôi đã dừng mọi nhu cầu chủ yếu. Đó là nhu cầu tiêu dùng, đầu tư kinh doanh, xuất khẩu hàng hóa và du lịch nội địa", Jesper Koll, nhà kinh tế học ở Tokyo nói.

Nhiều công việc đã lên kế hoạch tổ chức nhằm thúc đẩy kinh tế theo sự kiện Olympic Tokyo 2020 dự kiến tổ chức vào tháng 7 và tháng 8 năm nay. Giờ đây, sự kiện và những lợi ích liên quan tới nó trong ngành công nghiệp bán lẻ và du lịch của Nhật, đều chưa rõ hướng đi do đại dịch.

Cuộc khủng hoảng khiến Sugiura xem xét đóng cửa nhà hàng. "Nếu việc kinh doanh cứ duy trì tình trạng thế này, tôi không thể cầm cự nữa. Chẳng còn cách nào ngoài đóng cửa", anh nói.

Cảnh đìu hiu ở chợ cá Tsukiju. Ảnh: CNN.

Cảnh đìu hiu ở chợ cá Tsukiju. Ảnh:CNN.

Virus corona còn tác động tiêu cực tới chợ cá, điểm du lịch nổi tiếng của Tokyo. Một số hộ kinh doanh cho hay doanh thu sụt giảm 70-80%.

"Tình hình thật kinh khủng", Naoto Furusawa, người bán cá khô ở chợ 23 năm nay, bày tỏ. Trước đây, cả khu phố chật ních người từ khắp nơi trên thế giới.

"Cả phố lúc nào cũng tấp nập biển người", Furusawa nói. "Khi đó tôi thậm chí còn không đi nổi".

Khách du lịch đến đây cũng nhận thấy sự vắng vẻ bất thường. "Tôi từng đến đây ba năm trước và không thể len lỏi qua đám đông, thế mà giờ trên đường không còn một ai", Andres Bitar, 32 tuổi, người Colombia, cho hay.

Khi chợ bán buôn chuyển tới Toyosu thì khu chợ bên ngoài ở Tsukiji, bao gồm hàng chục cửa tiệm và nhà hàng, vẫn mở cửa. Nhưng các hộ kinh doanh này còn tồn tại được bao lâu nữa đều phụ thuộc vào thời điểm khủng hoảng corona chấm dứt, Furusawa bày tỏ.

"Mọi người đều bảo giờ việc có thể làm là kiên nhẫn", anh nói.

Bên ngoài con phố chính của chợ Tsukiji là những con hẻm chật chội, chen chúc hàng chục tiệm sushi nhỏ cũng đang bị ảnh hưởng bởi dịch.

"Có mấy nhà hàng phải đóng cửa rồi", Toru Honma, chủ một cửa hàng cho hay. "Khoảng 3 tới 4 nơi phải đóng cửa trong hai tháng gần đây".

Vào buổi sáng giờ này lúc trước, Honma, 68 tuổi, đang bận rộn làm cơm sashimi, sushi và trà phục vụ khách tới dùng bữa sau khi mua sắm ở chợ. Nhưng bây giờ, ông đang ngồi tính toán thiệt hại.

"Tôi rất buồn, rất đau khổ", Honma nói. "Đây là cú sốc lớn".

Naoto Furusawa, người làm việc trong tiệm bán cá khô ở chợ Tsukiji. Ảnh: CNN.

Naoto Furusawa, người làm việc trong tiệm bán cá khô ở chợ Tsukiji. Ảnh:CNN.

Honma làm đầu bếp sushi 45 năm nay và chưa từng chứng kiến điều tương tự, ngay cả sau trận động đất và sóng thần tàn phá Nhật Bản năm 2011. Tình hình có thể sẽ xấu hơn nữa, vì các chuyên gia nhận định tác động của khủng hoảng Covid-19 còn lâu mới kết thúc.

"Trong ít nhất ba tới bốn tháng tới, kinh tế sẽ tiếp tục đi xuống, lợi nhuận cũng vậy", Koll dự đoán.

Cuộc khủng hoảng khiến các chủ doanh nghiệp nhỏ ở Nhật Bản và thế giới đối mặt với một tương lai bất định.

"Chúng tôi không biết khi nào thì nó chấm dứt, mọi việc đang ngày càng tệ hơn", Honma nói. 

Theo vnexpress