Ông Yasushi Ogura, người Nhật Bản, bên quán cà phê Cực Bắc. Ảnh: Yasushi Ogura
Bởi ở Hà Giang có bản Lô Lô Chải, nơi sinh sống của người Lô Lô, có quán cà phê Cực Bắc mà ông Yasushi Ogura tâm huyết dựng lên để người dân Lô Lô Chải phát triển kinh tế từ dịch vụ du lịch.
Quán cà phê độc đáo ở ngôi nhà cổ nhất Lô Lô Chải
Năm 2002, ông Yashushi Ogura lần đầu đặt chân lên mảnh đất Lũng Cú. Với sự hấp dẫn bởi con người thân thiện, phong cảnh thiên nhiên hùng vĩ, phong tục tập quán độc đáo; ông Yashushi Ogura đã phải lòng mảnh đất vùng cao này. Năm 2015, ông quyết định bỏ vốn 200 triệu đồng giúp một gia đình người Lô Lô mở quán Cà phê Cực Bắc ngay chính tại ngôi nhà của họ dưới chân cột cờ Lũng Cú. Đặc biệt, đây là ngôi nhà cổ nhất của bản Lô Lô Chải, có tuổi đời gần 200 năm.
Không gian, kiến trúc của quán được bài trí theo phong cách truyền thống của người Lô Lô với nhà trình tường bằng đất sét và đất thịt, mái lợp ngói âm dương. Quán chỉ có khoảng 4 đến 5 chiếc bàn nhỏ xinh đặt ngoài sân, ngay cạnh quầy bar xinh xắn.
Quán cà phê Cực Bắc chính thức đi vào hoạt động vào tháng 8/2016. Theo ông Ogura, vợ chồng chủ nhà cho biết, tháng cao điểm doanh thu đạt hơn 10 triệu đồng, lãi từ 50-60% - số tiền không nhiều, nhưng cũng là khá so với cộng đồng người Lô Lô.
Ông Yasushi Ogura (thứ 2, từ phải sang) chụp ảnh cùng du khách Nhật tại Đồng Văn. Ảnh: Yasushi Ogura
“Mở quán cà phê là một cách giúp người dân ở đây có việc làm ổn định. Một nhà bán cà phê, nhưng các hộ khác có thể mở dịch vụ homestay đón khách. Ngoài 200 triệu đầu tư cho một hộ mở quán cà phê, tôi còn giúp một hộ khác 95 triệu đồng sửa sang lại nhà cửa để thí điểm làm dịch vụ homestay”, ông Ogura chia sẻ bằng.
Mong mỏi phát triển du lịch tại Hà Giang
Ông Yashushi Ogura đã có trên 20 năm gắn bó và dành một tình cảm đặc biệt với đất nước và con người Việt Nam.
Trong suốt những năm qua, ông luôn có những chuyến bay đi, về giữa Việt Nam và Nhật Bản vì nghĩa vụ của người làm con và tình yêu miền núi đá vùng cao Hà Giang và con người nơi đây. Cái tên Yashushi Ogura giờ đây không còn xa lạ đối với những người làm du lịch trên đất Hà Giang.
Theo ông Ogura, bản Lô Lô có những lợi thế hiếm có để phát triển du lịch bền vững, trong đó có văn hóa, đời sống hằng ngày và những ngôi nhà cổ trình tường bằng đất.
Ông vẫn tin bản Lô Lô hoàn toàn có thể dựa vào du lịch, nếu biết khai thác và tuyệt đối bảo vệ bản sắc văn hóa và kiến trúc cổ. Bởi với tư cách là khách ngoại quốc, ông chẳng bao giờ thấy chán ngồi ở một quán cà phê dù là nơi bản làng heo hút, để ngắm núi non trùng điệp, những trang phục sặc sỡ, những ngôi nhà cổ, tường đá xếp rêu phong…, hay ngủ qua đêm trong nhà dân để được trải nghiệm những nét văn hóa, phong tục, tập quán của người Lô Lô.
Nhóm phóng viên của một đài truyền hình Nhật Bản đang thực hiện phóng sự tại Hà Giang. Nhờ Yasushi Ogura, nhiều cơ quan báo chí Nhật Bản đã có mặt tại Hà Giang. Ảnh: Yasushi Ogura
Mỗi năm, du khách từ Nhật Bản và các nước trên thế giới tìm đến Cao nguyên đá Đồng Văn ngày một nhiều hơn. Một phần nhờ ông góp phần đưa phóng viên một số Đài truyền hình, Báo, Tạp chí… của Nhật Bản đến Hà Giang thực hiện những phóng sự đặc biệt về du lịch cực Bắc. Thông qua những kênh thông tin quảng cáo của nước Nhật, khiến nhiều dân phượt và nhiều khách du lịch, ai cũng khao khát được một lần đặt chân đến nơi đây.
Ông Ogura cũng rất hy vọng, dù có ai lên Hà Giang làm du lịch, cũng sẽ trân trọng và bảo vệ những nét văn hoá, phong tục, tập quán, đặc sản, ẩm thực, kiến trúc… riêng của mảnh đất này. Bởi đó là một trong những tiêu chí cần đặc biệt quan tâm để thu hút du khách du lịch trong và ngoài nước.
“Dần dần đông khách, có thể mở rộng thêm dịch vụ, nhưng tuyệt đối phải bảo vệ được những nét văn hóa, kiến trúc. Tôi thấy ở một số bản, càng ngày càng bị bêtông hóa thật đáng tiếc. Hôm nay không bảo vệ, có thể sẽ sớm biến mất các ngôi nhà trình tường cổ. Tôi hy vọng, quán cà phê Cực Bắc và dịch vụ homestay sẽ giúp người dân có ý thức hơn trong việc bảo vệ những tài sản quý giá đó - cũng là khách để kéo khách đến với mình”, Ogura tâm sự.
Theo
Thời Đại