Cùng với khoản bồi thường này, Thái tử Maha Vajiralongkorn khi đó đã tước danh hiệu hoàng tộc của Vương phi Srirasmi Suwadee sau 13 năm chung sống. Cha mẹ của bà Srirasmi bị kết án vì tội xúc phạm hoàng gia, trong khi người chú đang giữ chức Cục trưởng Cục điều tra Trung ương Thái Lan bị buộc tội tham nhũng, lợi dụng danh nghĩa hoàng tộc.

Hai năm sau, Thái tử nối ngôi sau khi vua cha Bhumibol Adulyadej qua đời và ông bắt đầu công cuộc nắm quyền quản lý khối tài sản hoàng gia, vốn đang do Cục Tài sản Hoàng gia (CPB) quản lý.

Tháng 7/2017, luật tài sản hoàng gia được sửa đổi, cho phép Quốc vương Thái Lan được trao toàn quyền kiểm soát CPB. Gần một năm sau, Vua Vajiralongkorn yêu cầu chuyển toàn bộ tài sản thuộc CPB sang quyền sở hữu cá nhân của ông.

Động thái này giúp Vua Vajiralongkorn kiểm soát số tài sản nhiều hơn cả Vua Arab Saudi, Quốc vương Brunei và Hoàng gia Anh cộng lại, được ước tính ở mức 40-70 tỷ USD.

          Vua Vajiralongkorn trong lễ đăng quang tại thủ đô Bangkok, Thái Lan, hồi tháng 5/2019. Ảnh: AP.

Giờ đây, khối tài sản khổng lồ đó trở thành một trong những trọng tâm của phong trào biểu tình đang lan rộng khắp Thái Lan, đòi hỏi minh bạch hơn về hồ sơ tài chính hoàng gia. Hôm 15/10, bất chấp lệnh cấm tụ tập trên 4 người, hàng chục nghìn người Thái vẫn tập trung ở Bangkok kêu gọi trả tự do cho khoảng 40 nhà hoạt động đã bị bắt.

Một ngày trước đó, đám đông vây quanh đoàn xe hoàng gia chở Hoàng hậu Suthida và Hoàng tử Dipangkorn. Khi Hoàng hậu nhìn ra ngoài và vẫy tay mỉm cười, người biểu tình đồng loạt giơ cao ba ngón tay, biểu tượng của phong trào, và hô: "Tiền thuế của tôi!".

Các cuộc biểu tình khởi phát từ mùa hè. Hồi tháng 8, các sinh viên Đại học Thammasat ở thủ đô Bangkok yêu cầu khôi phục quyền kiểm soát tài sản hoàng gia cho CPB, thay vì để chúng đứng tên Quốc vương như hiện nay, đồng thời đòi chính phủ giám sát cơ quan này. Đây được cho là động thái táo bạo tại một đất nước có truyền thống tôn kính hoàng gia, và những người phạm tội khi quân có nguy cơ đối diện án 15 năm tù.

Một số người biểu tình kêu gọi tẩy chay Ngân hàng Thương mại Siam, nơi Quốc vương nắm cổ phần. Trong khi đó, các chính trị gia đối lập, do nghị sĩ Thanathorn Juangroongruangkit dẫn đầu, chất vấn về khoản ngân sách gần một tỷ USD được cấp cho hoàng gia trong năm tài khóa tiếp theo, bao gồm chi phí an ninh, đi lại, tổ chức nghi lễ và "các hoạt động đặc biệt", giữa lúc nền kinh tế Thái Lan được dự báo sẽ giảm 8% vì Covid-19.

Pongkwan Sawasdipakdi, giảng viên tại Đại học Thammasat, cho biết cốt lõi vấn đề về hoàng gia mà người biểu tình đang hướng đến là CPB. "Một trong những vấn đề hàng đầu mà mọi người trăn trở là làm thế nào hoàng gia có thể tích lũy được số tài sản lớn đến vậy, trong khi chúng tôi thực sự không biết bất cứ điều gì về chuyện này?", Pongkwan nói.

Được thành lập vào năm 1936 nhằm quản lý tài sản hoàng gia và chi trả một số khoản, CPB dường như hoạt động đằng sau một "bức rèm bí mật hợp pháp", bởi đơn vị này không phải cơ quan chính phủ nhưng cũng không là một tổ chức tư nhân, cũng không thuộc hoàng gia.

Trước đây, người đứng đầu CPB là bộ trưởng tài chính Thái Lan. Tuy nhiên, sau khi nắm quyền kiểm soát CPB hồi năm 2017, Vua Vajiralongkorn đã "thay máu" ban lãnh đạo của cơ quan, bổ nhiệm Thống chế Không quân Hoàng gia Thái Lan Satitpong Sukvimol, thư ký riêng của ông, làm chủ tịch, dù người này không có kinh nghiệm về kinh tế hay tài chính.

Kể từ khi có ban lãnh đạo mới, CPB không tiếp tục công bố báo cáo tài chính. Phần lớn tài sản của cơ quan này, đặc biệt là bất động sản, vẫn còn là bí ẩn. Tuy nhiên, chỉ riêng giá trị tài sản trên các danh mục đã biết cũng đủ khiến Vua Vajiralongkorn trở thành quốc vương giàu nhất thế giới.

CPB đầu tư nhiều tiền đầu tư vào các doanh nghiệp, bao gồm 23,4% cổ phần tại Ngân hàng Thương mại Siam và 33,6% cổ phần tại tập đoàn xi măng lớn nhất Thái Lan Siam Cement Group (SCG). Những khoản đầu tư này có tổng trị giá khoảng 8 tỷ USD vào cuối năm ngoái, theo báo cáo thường niên của các công ty.

Mặc dù cổ phiếu của Ngân hàng Thương mại Siam bị mất một nửa giá trị do Covid-19, cổ tức từ cả hai doanh nghiệp vẫn giúp Vua Vajiralongkorn thu về 342 triệu USD trong năm 2019.

Theo ước tính của học giả Thái Lan Porphant Ouyyanont, tác giả một cuốn sách về CPB xuất bản năm 2015, bất động sản của CPB, bao gồm hơn 14 km2 đất khắp các quận trung tâm thủ đô Bangkok, có giá trị lên tới 32 tỷ USD vào thời điểm năm 2015.

Porphant cho biết việc xem xét kỹ lưỡng số tài sản này lâu nay được coi là không cần thiết, bởi hoàng gia Thái Lan và khối tài sản "đã được chứng minh rằng không phải gánh nặng tài chính cho đất nước". Cố vương Bhumibol Adulyadej, người trị vì suốt 70 năm, được mô tả là tiết kiệm đến mức không bao giờ lãng phí dù chỉ một chút kem đánh răng, ngay cả khi Thái Lan đã vươn lên thành đầu tàu kinh tế của Đông Nam Á, giá trị các khoản đầu tư của hoàng gia tăng lên gấp bội.

Kể từ khi được chuyển quyền sở hữu sang cá nhân C, khối tài sản hoàng gia phải chịu thuế, không còn được miễn trừ như trước đây. Tuy nhiên, các danh mục đầu tư gần như không thay đổi. Quốc vương vẫn nắm giữ cổ phần tại các doanh nghiệp và tiếp tục duy trì mục đích sử dụng bất động sản.

Các lô đất vàng của hoàng gia nằm tại những vị trí đắc địa, nhiều người mơ ước tại thủ đô Bangkok, dọc theo sông Chao Phraya và bên trong các khu thương mại Silom và Sukhumvit. Tuy nhiên, Porphant phát hiện 93% bất động sản hoàng gia tạo ra rất ít, hoặc không có chút lợi nhuận nào, bởi được cho thuê "với mức rẻ hơn rất nhiều so với giá thị trường", dành cho các cơ quan nhà nước, trường học, tổ chức, cùng những người có mối quan hệ đặc biệt với hoàng gia.

             Các công trình đang được xây dựng dọc bờ sông Chao Phraya ở Bangkok, Thái Lan. Ảnh: AP.

Tom Felix Joehnk, nhà kinh tế học hoạt động tại Bangkok, cho biết chính phủ Mỹ nhiều thập kỷ qua cũng thuê đất của hoàng gia làm nhà cho đại sứ, chỉ với giá "vài trăm USD" mỗi tháng.

Giới phê bình đánh giá cách vận hành thiếu rõ ràng này tạo điều kiện cho Quốc vương xử lý những hợp đồng đất đai vì lợi ích chính trị, trái ngược với mong muốn về một chế độ quân chủ lập hiến hiện đại của người biểu tình.

Trong một cuộc phỏng vấn năm 2011, Chirayu Isarangkun na Ayuthaya, cựu giám đốc CPB, cho biết cơ quan này cũng quan tâm đến "lợi ích xã hội", thay vì chỉ chú trọng vào giá trị tài chính khi phát triển các khu đất cho mục đích thương mại. Tuy nhiên, CPB đã tìm cách thu thêm lợi nhuận từ bất động sản sau khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997.

Những khách hàng thuê đất mới bao gồm các trung tâm thương mại và khách sạn xa xỉ hàng đầu Bangkok. Năm 2017, CPB ký hợp đồng cùng chủ sở hữu vài khu đất liền kề, nhằm xây dựng công trình tư nhân lớn nhất Thái Lan. Đây là một tổ hợp trị giá 3,6 tỷ USD, gồm khách sạn, căn hộ và trung tâm thương mại ở nơi từng là sân vận động quyền anh và chợ đêm.

Năm 2018, một sở thú nổi tiếng tại Bangkok đột ngột thông báo chuyển khỏi khu đất của hoàng gia, nằm đối diện nơi ở của cố vương, sang địa điểm mới ở ngoại ô phía bắc. Hoàng gia cũng thu hồi những tài sản khác trong khu vực, làm dấy lên đồn đoán rằng Vua Vajiralongkorn có thể xây cung điện mới đầu tiên của Bangkok sau hơn một thế kỷ.

"Một diện tích đất đáng kể đang được phát triển, nhưng tôi không rõ chiến lược đầu tư có thay đổi hay không. Mặc dù vậy, việc phát triển bất động sản thuộc hoàng gia vì mục đích sử dụng của hoàng gia là một điều mới", Joehnk cho hay. Không có câu trả lời nào từ CPB, bởi cơ quan không phản hồi yêu cầu phỏng vấn, cũng không công bố báo cáo hay đăng đầy đủ thông tin lên trang web.

Kevin Hewison, giáo sư danh dự về nghiên cứu châu Á tại Đại học Bắc Carolina, Mỹ, cho rằng vị trí của CPB đã rõ ràng hơn so với trước đây, sau khi được đặt dưới quyền kiểm soát của Quốc vương. "Tuy nhiên, cùng với đó, bức màn bí mật về cơ quan này thậm chí còn dày hơn trước", ông nói.

Theo vnexpress