Đầu năm nay, Kim Woo Seok gây bất ngờ với hình ảnh "lộng lẫy" trong họa báo, đôi mắt được vẽ sắc sảo, môi đỏ mọng và làn da trắng mịn khi làm người mẫu cho thương hiệu mỹ phẩm Clio. Sản phẩm được quảng cáo chính của họa báo là son đỏ.
Kim Woo Seok.
Kim Yo Han cũng mới lộ diện trong bộ ảnh mang tên Genderless (Phi giới tính) của thương hiệu mỹ phẩm Tonymoly. Theo lời giới thiệu của nhãn hàng, anh chàng sở hữu làn da không có khuyết điểm nhờ cushion, mascara và eyeliner cũng là bí quyết để tạo nên đôi mắt hút hồn hơn.
Một thương hiệu mỹ phẩm khác là Tirtir cũng nhanh chân mời được Baek Hyun (EXO) về để quảng bá cho chương trình Joy of Journey Makeup Kit với tư cách là gương mặt đại diện. Đây là sản phẩm hợp tác giữa hãng và nam ca sĩ, anh chàng đã tham gia vào quá trình lên kế hoạch, thiết kế và tự tay chọn ra 6 màu sắc cho dòng son tint.
Không chỉ các thương hiệu Hàn Quốc mà các hãng quốc tế cũng để mắt đến tiềm năng từ idol nam. Thương hiệu mỹ phẩm cao cấp đến từ Pháp Givenchy Beauty mời Kang Daniel làm người mẫu chính thức cho thương hiệu kể từ tháng 9/2018. Tháng 7 vừa qua, hãng công bố video hướng dẫn trang điểm và trình làng cả bộ ảnh quảng cáo phấn, cushion và son môi với hình ảnh Kang Daniel tạo dáng với ống son và đôi môi đỏ hồng.
Kim Yo Han.
Lý do rõ ràng nhất khi chọn idol nam làm người mẫu quảng cáo mỹ phẩm chính bởi phái nữ là khách hàng chủ lực. Và đó cũng là cách nhanh nhất để thu hút sự chú ý và tiếp cận lớp khách hàng nữ giới ở độ tuổi đầu và giữa 20. Người mẫu là nữ hay nam giờ không còn là vấn đề. Nam idol nào càng nổi tiếng càng tạo ra sức ảnh hưởng lớn lên doanh thu.
Khi bộ ảnh Kim Woo Seok và son môi mới ra mắt, Clio đã tổ chức sự kiện tặng các sản phẩm với phiên bản giới hạn như poster, photo card, sticker... Nhờ đó mà doanh số bán dòng son môi đó tăng vọt gấp 20 lần so với ngày hôm trước.
Bộ sản phẩm trang điểm bắt tay giữa Tirtir và Baek Hyun vừa ra mắt đã phải lên kế hoạch sản xuất luôn đợt 2 vì lượng tiêu thụ quá khủng. Đại diện của hãng cho biết lượng tìm kiếm và phản ứng của khách hàng đã mở rộng từ độ tuổi cuối 20 - vốn là tầng lớp mua hàng chính - lan sang các bạn tuổi teen sau khi Baek Hyun làm người mẫu.
Kang Daniel.
Bằng việc lựa chọn idol để quảng bá, thương hiệu có thể đảm bảo được sự quan tâm và sức mua từ lượng fandom hùng hậu, không tiếc tiền cho "thần tượng". Đã vậy, giới trẻ lại rất hay share ảnh thần tượng kèm hashtag lên trang cá nhân, khiến tốc độ lan truyền nhanh hơn nữa. Màu sắc và tên tuổi của thương hiệu cứ thế mà đi vào tâm trí khách hàng. Một cách quảng bá vô cùng hiệu quả.
Những người không phải là fan khi thấy một chàng trai điệu đà với gương mặt trang điểm đậm chắc sẽ cảm thấy đôi chút ngượng ngùng hoặc khó tiếp nhận. Vậy là các nhà quảng cáo liền đề xuất việc trang điểm sân khấu của các idol nam sao cho "hoành tráng" hơn thường lệ. Nếu bình thường khi lên sân khấu họ cũng trang điểm rực rỡ, khán giả sẽ dần quen mắt và dần dà không còn cảm giác lạ lùng khi nhìn thấy idol điệu đà trên họa báo nữa.
Nói là trang điểm nhưng vẫn có một số món ít khi được sử dụng cho idol nam. Đại diện của một thương hiệu cho biết: "Dù có trang điểm đậm đi chăng nữa, chúng tôi cũng không sử dụng mascara cho một người mẫu nam. Quy luật là phải để lại sức hút đặc biệt, bí ẩn và nhất là nét nam tính".
Baek Hyun.
Những cái gọi là "tiêu chuẩn" giờ đã không còn nữa. Chẳng hạn như các tiêu chuẩn đẹp dành cho người mẫu nữ đã mở rộng hơn trước rất nhiều từ ngoại hình đến độ tuổi và dĩ nhiên ranh giới giữa mẫu nam hay mẫu nữ cũng dần trở nên mờ nhạt. Việc chỉ lựa chọn người mẫu "an toàn" không còn thú vị nữa. Càng phá vỡ khuôn khổ, công chúng càng cảm nhận được sự mới mẻ. Vậy nên, ảnh quảng cáo son môi của các idol nam dần trở thành một lựa chọn táo bạo và độc đáo.
Mặt khác, không thể xem nhẹ thị trường mỹ phẩm dành cho nam giới đang phát triển mạnh mẽ. Xu hướng phi giới tính đã lan rộng không chỉ ở thời trang mà còn đến cả lĩnh vực làm đẹp. Các sản phẩm trang điểm giờ đây không nhất thiết phải là sản phẩm dành cho phái nữ. Người tiêu dùng của các sản phẩm được quảng cáo bởi nam idol có thể là nam giới.
Theo một cuộc khảo sát hồi tháng 4, có 9,1% nam giới Hàn Quốc trong độ tuổi 20-24 được hỏi cho biết họ có trang điểm và ở độ tuổi 25-29 là 8,4%. Đại diện tiếp thị của một hãng mỹ phẩm cho biết: "Chúng tôi đang nhắm vào thế hệ MZ (các bạn trẻ sinh sau năm 2000) - thế hệ đã quen với khái niệm phi giới tính. Thông qua hình mẫu idol nam có thể tiếp cận với người tiêu dùng cả nam cũng như nữ giới".
Theo ione.net