Đối với Ren và Fu (Thượng Hải, Trung Quốc), đẻ thêm một đứa con cũng giống như việc mua ôtô đắt tiền. Với mức lương vừa đủ sống, họ chỉ có khả năng lo cho một đứa trẻ.

“Ngoài vấn đề tài chính, một lý do khác là chúng tôi không thực sự thích trẻ con”, Ren, nhân viên quảng cáo, nói với Channel NewsAsia.

Hy sinh quá nhiều


Fu, người chồng, cho rằng các bậc phụ huynh đều phải hy sinh nhiều thứ khi có con. “Trong quá trình nuôi dưỡng một đứa trẻ, bạn liên tục cho đi và không nhận lại được bao nhiêu. Chắc chắn bạn sẽ mất rất nhiều thời gian, tiền bạc và những thứ khác”.

Đôi vợ chồng này kết hôn vào năm 2009 và đã có một cậu con trai. Không chỉ riêng Ren và Fu, nhiều người trẻ khác ở xứ Trung cũng đối mặt với những áp lực vô hình khi sống trong một thành phố sầm uất và mọi thứ đều đắt đỏ, theo Channel NewsAsia.

Đó cũng là trở ngại lớn nhất của quốc gia này trong việc thúc đẩy tỷ lệ sinh. Ngày 31/5, chính phủ Trung Quốc thông báo sẽ nới lỏng các biện pháp kiểm soát kế hoạch hóa gia đình để mỗi gia đình có thể sinh tới 3 con.

                                                         Nhiều cặp vợ chồng không có ý định sinh thêm dù chính phủ đã đưa ra chính sách 3 con. Ảnh: SCMP.


Năm 2016, đất nước đông dân nhất thế giới cũng cho phép các cặp vợ chồng có 2 con thay vì một như trước đó.

Chính sách ba con được đưa ra sau cuộc điều tra dân số mới nhất của Trung Quốc. Số liệu thống kê cho thấy dân số nước này đã tăng 5,38% trong một thập kỷ qua - mức tăng ít nhất kể từ thập niên 1950.

Năm ngoái, Trung Quốc ghi nhận chỉ có 12 triệu em bé chào đời - con số thấp kỷ lục tính từ năm 1961.

Với những đôi vợ chồng như Ren và Fu, sinh thêm đứa thứ 2 là một thách thức lớn. Ren cho biết các gia đình có nhiều hơn 2 con thường thuộc tầng lớp cao nhất hoặc thấp nhất trong xã hội.

Giới nhà giàu có thể thuê bảo mẫu để chăm sóc con cái của họ, trong khi những người nghèo sẵn sàng sinh con để nối dõi tông đường.

Tuy nhiên, với nhóm người thành thị có thu nhập trung bình, họ phải đi làm và chăm sóc cha mẹ già. Vì thế, việc có thêm con đã hút hết năng lượng của họ.

Vợ chồng Ren ngay từ đầu đã thống nhất là không sinh con thứ 2.

Điều kiện kinh tế hạn hẹp


Các gia đình trung lưu ở Thượng Hải thường sống trong những ngôi nhà nhỏ hơn 100 m2. Với giá 80.000-100.000 nhân dân tệ/m2, họ không đủ khả năng để có một không gian rộng hơn cho gia đình đông người.

Fu cho hay bình quân thu nhập của nhân viên văn phòng ở Thượng Hải thường rơi vào khoảng 5.000-10.000 nhân dân tệ.

“Phần lớn các cặp vợ chồng ở Thượng Hải đều đang đi làm. Tôi không chắc Singapore có văn hóa 996 hay không - làm việc kéo dài từ 9h sáng đến 9h tối liên tục 6 ngày/tuần - nhưng tại Thượng Hải, chúng tôi xử lý công việc từ 9h sáng đến 12h đêm trong 7 ngày”, Fu chia sẻ.

Theo Fu, người Trung Quốc không phản đối đẻ thêm con nhưng vấn đề tài chính đã cản trở họ có ý định này.

“Cần có giải pháp điều chỉnh cơ cấu kinh tế và làm thế nào để người dân ở nhà nhiều hơn và giới hạn thời gian kiếm tiền”.

                                                                                Áp lực tài chính khiến giới trẻ xứ Trung ngại sinh đông con. Ảnh: China Daily.


Hãng thông tấn Tân Hoa Xã của Trung Quốc cho biết chính sách ba con sẽ đi kèm với các biện pháp như giảm chi phí giáo dục, hỗ trợ người dân về thuế và nhà ở.

Bên cạnh đó, chính phủ sẽ đảm bảo lợi ích hợp pháp của phụ nữ đi làm và hạn chế các khoản của hồi môn “cao ngất trời”.

Theo Wang Dan, trưởng ban kinh tế của Ngân hàng Hang Seng, nguồn nhân tài của Trung Quốc đang tăng mạnh khi ngày càng có nhiều người tốt nghiệp đại học.

Tuy nhiên, tuổi nghỉ hưu quá sớm - phụ nữ (55 tuổi) và đàn ông (60 tuổi) - đã tạo ra lãng phí nguồn lực rất lớn.

"Sự suy giảm dân số tại một số vùng của Trung Quốc là vì trong 20 năm qua, cư dân đã tập trung đến các thành phố vừa và nhỏ", Wang Dan nhận định.

Bà Wang cũng lưu ý đến sự thiếu hụt lao động trong lĩnh vực sản xuất, mặc dù điều này có thể được giảm thiểu nhờ robot và khả năng tự động hóa.

Theo Zing