Li Fangfang, một phụ nữ 33 tuổi đến từ thành phố Hàng Châu (tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc), đang chờ đợi phát quyết từ tòa án và lời xin lỗi chính thức từ phía chỗ làm cũ.

Năm 2020, cô bị sa thải khỏi vị trí nhân viên văn phòng chính phủ vì sinh con thứ 3, vượt giới hạn 2 trẻ mỗi gia đình do nhà nước quy định vào thời điểm đó, theo SCMP.

6 tháng sau, chính phủ Trung Quốc ban hành chính sách mới, cho phép các cặp vợ chồng có thể sinh tối đa 3 con nhằm giải quyết vấn đề dân số già và tỷ lệ sinh thấp.

                                                         Không ít người cảm thấy vui mừng trước chính sách sinh nở mới do chính phủ ban hành. Ảnh: Reuters.


Điều này thôi thúc Li Fangfang đâm đơn kiện chỗ làm cũ. Chia sẻ với SCMP, cô và luật sư tin rằng kết quả vụ kiện sẽ "rất khác" dựa trên luật pháp hiện hành.

"Tôi muốn chứng minh điều gì đúng, điều gì sai và đòi lại danh dự của mình", Li cho biết.

Thực tế, có không ít người muốn sinh thêm con, dù phải đối diện với mức phạt tiền hoặc mất việc làm.

Giờ đây, họ không chỉ thấy nhẹ nhõm khi quyết định có nhiều con được ủng hộ, mà còn tích cực khuyến khích, thuyết phục những người xung quanh làm theo mình.

Đánh đổi tiền bạc, công việc để sinh thêm con


Sau khi chính sách mới được ban hành, nhiều người xứ tỷ dân tỏ thái độ bất bình, tuyên bố họ không muốn có thêm con do áp lực tài chính, kinh tế và nhiều vấn đề xã hội khác.

Một khảo sát trên 31.000 công dân do hãng thông tấn Tân Hoa Xã thực hiện chỉ ra có 1.443 người sẵn sàng sinh con thứ 3, trong khi 828 người khác chọn đáp án "đang cân nhắc". Kết quả cuộc thăm dò đã biến mất không lâu sau khi công bố trên mạng xã hội.

Với Li, cô phát hiện mình có thai lần thứ 3 vào năm ngoái, khi dịch Covid-19 bùng phát mạnh mẽ ở xứ tỷ dân. Ở thời điểm đó, cô không thể tới bệnh viện để phá thai do lệnh cách ly xã hội nghiêm ngặt, buộc phải giữ đứa trẻ.

Vì thế, cấp trên của cô đã nhiều lần phê bình, dọa đuổi việc nếu Li Fangfang sinh đứa bé. "Tôi đã cầu xin họ cho phép tôi tiếp tục làm việc. Tôi sẵn sàng chịu bất kỳ hình thức kỷ luật nào trừ việc đó", người phụ nữ này kể.


 Những người ủng hộ cho biết trẻ em không phải gánh nặng, không chỉ đem đến niềm vui cho mỗi gia đình mà còn giúp xử lý tình trạng già hóa dân số ở xứ tỷ dân. Ảnh: Reuters.


Trả lời SCMP, Li cho biết trẻ em không hề phiền toái mà lại đem đến hạnh phúc cho cô, có ích cho cả một đất nước đang trên đà già hóa như Trung Quốc.

Thực tế, Li không hề đơn độc. Một phụ nữ họ Zhang (48 tuổi) đến từ tỉnh Sơn Đông kể rằng cô cũng là con thứ 3 trong gia đình, có 2 anh trai ở độ tuổi 60-70 và mẹ già 89 tuổi.

"Trong nhà, tôi là người hiểu biết nhiều về thế giới bên ngoài, nắm rõ các dịch vụ y tế và có thể chăm sóc mẹ", Zhang nói. Cô nhấn mạnh đây là lợi ích khi có một đứa con nhỏ như vậy.

Năm 2014, Zhang đọc cuốn sách Big Country with an Empty Nest và nhận ra ảnh hưởng từ tình trạng già hóa dân số, suy giảm tỷ lệ trẻ sơ sinh tới một quốc gia.

"Thật kinh hoàng khi một ngày nào đó, số lượng người già ngày càng tăng, còn trẻ em, thanh niên lại giảm. Giống như Nhật Bản, người cao tuổi phải làm việc và thiếu nhân lực chăm sóc họ", Zhang nhận xét.

Vợ chồng Zhang hiện có 2 đứa con, một trai (sinh năm 2000) và một gái (sinh năm 2017). Dù việc sinh con thứ 3 đã được hợp pháp hóa, cô cho biết bản thân khó có thể thụ thai do qua độ tuổi phù hợp.

"Thế hệ của tôi đã bị kìm hãm nhiều bởi chính sách một con. Giờ đây, không một đứa trẻ nào ở Trung Quốc được coi là 'phụ, thêm' nữa. Trẻ em không phải gánh nặng cho xã hội", cô nói.

Theo Zing