Năm mới theo lịch âm của hơn 1,5 tỉ người trên thế giới đang đến gần. Chúng ta hãy cùng tìm hiểu về hai cách gọi Tết Âm lịch phổ biến nhất nhưng cũng nhiều tranh cãi trong thời gian qua.
Nói một cách đơn giản, Tết Nguyên đán và Tết Trung Quốc không giống nhau mặc dù đều mang ý nghĩa khởi đầu một năm mới.
Thứ nhất, "Chinese New Year" mang tính cụ thể trong khi "Lunar New Year" mang tính tổng quát hơn. Tết Nguyên đán (Lunar New Year) là thuật ngữ chung hơn và bao gồm tất cả các lễ kỷ niệm đánh dấu một năm mới theo âm lịch.
Việc nhầm lẫn Tết Nguyên đán là "Tết Trung Quốc" và ngược lại có thể bị coi là thiếu tế nhị và gây khó chịu vì nó bỏ qua các nền văn hóa khác, tất cả đều có truyền thống, tín ngưỡng và lễ kỷ niệm độc đáo riêng.
Thứ hai, cách mỗi quốc gia châu Á tổ chức và đặt tên cho lễ hội đón năm mới của mình là khác nhau.
Tết Nguyên đán được tổ chức ở nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ ở châu Á, bao gồm Trung Quốc, Việt Nam, Hàn Quốc, Singapore, Malaysia, Đài Loan... Mặc dù một số truyền thống được chia sẻ, những truyền thống khác lại mang tính độc đáo đối với bản sắc văn hóa của mỗi quốc gia/vùng lãnh thổ.
Ở Trung Quốc, Tết Nguyên đán được gọi là Chūnjié, tức là "Lễ hội mùa xuân", hay "Chinese New Year - Tết Trung Quốc". Ngày này nổi tiếng vì bắt đầu một cung mới trong chu kỳ 12 năm của các cung hoàng đạo Trung Quốc. Các hoạt động phổ biến bao gồm treo đèn lồng và câu đối mùa xuân, ăn bữa tối đoàn tụ với đầy đủ các món ăn tốt lành, đốt pháo nổ và pháo hoa, tặng phong bao lì xì màu đỏ, theo China Highlights.
Ở Việt Nam, Tết Nguyên đán được gọi là "tết" hay "Tết Việt Nam". Các cung hoàng đạo Việt Nam bao gồm mèo thay vì thỏ và trâu thay vì con bò. Người Việt Nam mặc áo dài, ẩm thực ngày tết thì có bánh chưng truyền thống của riêng mình và trang trí nhà cửa bằng hoa đào hoặc hoa mai vàng.
Ở Hàn Quốc, Tết Nguyên đán được gọi là Seollal. Trong lễ hội, nhiều người Hàn Quốc mặc trang phục truyền thống gọi là hanbok, thực hiện các nghi lễ tổ tiên, thờ cúng ông bà và ăn các món ăn truyền thống như tteokguk (súp với bánh gạo cắt lát) và bánh jeon.
Thứ ba, Tết Nguyên đán và Tết Trung Quốc có thể có những ngày khác nhau. Có những quốc gia chia sẻ cách giải thích lịch Trung Quốc, chẳng hạn như Hàn Quốc, Nhật Bản (hiện đã bỏ Tết Âm lịch) và Việt Nam, và do đó người dân những nước này ăn Tết Nguyên đán vào cùng một (hoặc gần như) thời gian.
Tuy nhiên, có nhiều quốc gia hoặc nền văn hóa khác sử dụng lịch âm của riêng họ và năm mới rơi vào những thời điểm khác nhau. Ví dụ, lịch âm của người Mông Cổ đều có tháng và chu kỳ khác nhau, và do đó tổ chức Tết Nguyên đán vào những ngày khác nhau.
Ngày nay, Tết Trung Quốc hầu như luôn được tổ chức vào ngày trăng non thứ hai sau ngày đông chí, do vậy rơi vào khoảng từ cuối tháng giêng đến giữa tháng hai. Thay vào đó, lễ đón Tết Nguyên đán của các nền văn hóa khác thường diễn ra vào ngày trăng non đầu tiên sau ngày đông chí.
Tranh cãi Tết Nguyên đán và Tết Trung Quốc kéo dài. Trong những năm gần đây, chủ đề về thuật ngữ chính xác của Tết Trung Quốc đã gây ra nhiều tranh cãi.
Một số người cho rằng, việc coi lễ đón năm mới là Tết Trung Quốc là thiếu tế nhị, vì có một số nền văn hóa khác tổ chức cùng một lễ hội bằng một tên khác vào ngày này, và vì vậy nó không hoàn toàn "Trung Quốc".
Mặc dù có một số khác biệt, nhưng lễ kỷ niệm Tết Nguyên đán ở các nước, dù cùng lúc với Tết Trung Quốc hay không, vẫn có nhiều điểm tương đồng nổi bật, phần lớn là do ảnh hưởng của Tết Trung Quốc trên toàn thế giới qua các thời đại.
Hầu hết các nền văn hóa Viễn Đông và các nền văn hóa Đông Nam Á tổ chức Tết Nguyên đán đều kết hợp nhiều biểu tượng và tập quán phổ biến gắn liền với các lễ kỷ niệm của Trung Quốc. Chẳng hạn sử dụng màu đỏ, pháo hoa và pháo nổ (có ý nghĩa trong văn hóa Trung Quốc cổ đại), múa sư tử hoặc múa rồng, thờ cúng tổ tiên và thờ cúng cùng một nhân vật lịch sử hoặc cùng các vị thần hoặc thế lực thần thoại.
Vậy, chúng ta nên gọi là gì cho đúng?
Tùy vào đối tượng chúng ta nói chuyện sẽ có cách dùng từ chính xác. Chẳng hạn, nói với người Trung Quốc có thể dùng "Chinese New Year" nhưng với những nền văn hóa khác có thể dùng "Lunar New Year" hay "Lễ hội mùa xuân" (Spring Festival).
Hoặc sử dụng các thuật ngữ cụ thể về văn hóa địa phương, ví dụ, với người Việt Nam thì dùng "Tết Việt Nam", hay đúng hơn là "tết" để thể hiện sự tôn trọng và hiểu biết.
Theo Thanh niên