Rambam là thám tử tư chuyên tìm kiếm người mất tích, gồm cả những người giả chết. Ông ước tính đã giải quyết tới 750 trường hợp nghi ngờ giả chết trong 36 năm sự nghiệp.
Lý do khiến nhiều người giả chết là họ mắc nợ lớn. Họ có thể vay nhiều tiền để tiêu xài "thả ga" hay làm ăn nhưng không thể trả được nợ. Vì vậy, họ muốn lấy tiền bảo hiểm nhân thọ. Một lý do khác là họ mắc kẹt trong một mối quan hệ hoặc một cuộc sống khiến họ khổ sở và thấy cần phải giả chết để cắt đứt mọi mối quan hệ và làm lại cuộc đời.
Một số người lên kế hoạch lừa đảo kỹ càng. Philippines là điểm đến phổ biến với những tội phạm kiểu này vì dễ làm giả giấy tờ. Họ có thể mua giấy khai sinh, giấy chứng tử và giấy tờ tùy thân giả ở chợ đen. "Có trường hợp một tội phạm phải đối mặt với án tù dài, vì vậy, người đó giả chết để thoát cảnh tù tội", ông nói. "Nhưng họ sẽ luôn bị bắt, dù sớm hay muộn".
Rambam điều hành công ty điều tra Pallorium Inc đặt trụ sở tại Brooklyn, New York, có văn phòng và chi nhánh trên toàn thế giới. Hầu hết trường hợp giả chết được truyền thông đưa tin là nam giới, đôi khi có đồng phạm là phụ nữ. Nhưng Rambam đang chứng kiến xu hướng ngày càng nhiều phụ nữ giả chết.
"Tôi từng gặp trường hợp một phụ nữ bỏ xe bên hồ nước lớn ở New England, thể hiện rằng cô ấy đã chết đuối. Bạn trai cũ thời trường trung học của cô quyết tâm tìm hiểu kỹ vụ này vì không tìm thấy xác".
Rambam nhận vụ này sau khi người bạn trai cũ tìm đến ông. Ông tìm kiếm tên, họ và ngày sinh của cô gái trên các cơ sở dữ liệu, phát hiện một người trùng ngày, tháng sinh nhưng có năm sinh khác. Cô gái đã lấy một cái tên mới nhưng vẫn gần giống tên nguyên bản. Đội ngũ của Rambam đã theo dõi và chụp ảnh cô.
Cô gái sau đó thừa nhận giả chết, cho biết cô bị bạn trai hiện tại bạo hành nên phải làm vậy để trốn thoát cuộc sống địa ngục. "Cô ấy nói với tôi rằng chỉ có hai lựa chọn: giả chết hoặc tự sát. Tôi và người bạn trai cũ quyết định giữ im lặng, để cô ấy bắt đầu cuộc sống mới. Cha mẹ cô ấy thật ra đã biết con không chết".
Những người giả chết thường bị phát hiện vì giữ liên lạc với vợ, chồng, cha mẹ hoặc đôi khi không thể từ bỏ thú cưng. Một số người thậm chí vẫn sống gần nơi ở cũ.
Vào những năm 1980, Rambam được giao nhiệm vụ tìm một nhà sưu tập tiền xu sau khi ông này giả chết ở New York. "Tôi liên tục đến những buổi triển lãm tiền xu trên khắp thành phố và cuối cùng bắt gặp ông ấy".
Rambam cho biết lần điều tra này dạy cho ông một bài học: phải thật kiên nhẫn. "Bạn không thể tưởng tượng các buổi triển lãm tiền xu chán ngắt đến mức nào, nhưng tôi vẫn cứ đi".
Rambam nói thêm rằng công việc điều tra không kịch tính như được mô tả trên TV, vì 90% là những thủ tục cố định và chúng thường rất "nhàm chán". "Tuy nhiên, 10% còn lại bù đắp cho điều đó".
Thám tử mô tả cuộc sống sau giả chết là một "công việc toàn thời gian". "Tôi có thể phạm 1.000 lỗi, nhưng nếu anh chỉ mắc một lỗi thôi, tôi sẽ tóm được anh. "Nếu giả chết, anh phải duy trì hoàn hảo danh tính và lối sống của mình. Nếu danh tính cũ xuất hiện lại chỉ trong giây lát, tôi sẽ tóm được anh".
Rambam cho biết "những người có kế hoạch kỹ lưỡng ngay từ đầu là những người giỏi nhất". Có những người từ Nigeria, Philippines đến Mỹ giả chết để lấy tiền bảo hiểm. Sau đó, họ bay về nước, dùng danh tính khác hoặc tiếp tục dùng danh tính thực sự của họ.
Phần lớn trường hợp Rambam xử lý là giả chết để lừa tiền bảo hiểm. Các công ty thường muốn giải quyết kín đáo thay vì truy tố khi kẻ lừa đảo được tìm thấy. "Làm vậy giúp tiết kiệm tiền cho các công ty vì họ không phải đưa những vụ này ra tòa. Ngoài ra họ không muốn để công chúng thấy giả chết dễ như thế nào", ông nói. Vì vậy, rất ít trường hợp Rambam điều tra dẫn đến truy tố.
Một người đàn ông ban đầu sống ở Mỹ đã giả chết ở Philippines. Ông ta sau đó tiếp tục sống tại Philippines, làm nghể môi giới mại dâm. Công ty bảo hiểm không muốn truy tố nhưng giới chức đã phát lệnh bắt ông ta. Người đàn ông chưa bị bắt nhưng không thể trở về Mỹ. "Tôi theo dõi vợ ông ta ở Mỹ và bà ấy thú nhận những gì ông ta đã làm", Rambam nói.
Khi một công ty bảo hiểm thuê Rambam, điều đầu tiên ông làm là yêu cầu toàn bộ hồ sơ khách hàng. Sau đó, ông tìm kiếm qua các mạng xã hội như Facebook, Instagram và Snapchat. Thám tử cũng sử dụng các kỹ thuật tiên tiến hơn như tìm kiếm trên các cơ sở dữ liệu. Một số cuộc điều tra đưa ông đi khắp thế giới.
"15 năm trước, tôi điều tra một người, tôi không thể tiết lộ danh tính nhưng hãy gọi ông ấy là Jamil", Rambam kể. "Jamil liên quan đến phong trào Hamas (phong trào có mục tiêu thành lập nhà nước Hồi giáo của người Palestine trên vùng lãnh thổ được hoạch định trước năm 1948) và đã mua bảo hiểm nhân thọ khi sống ở Trung Tây nước Mỹ.
"Ông ấy đã trở về quê hương, người thụ hưởng tiền bảo hiểm nói rằng ông chết tại số hai quảng trường Manger ở thị trấn Bethlehem tại Bờ Tây. Khi chúng tôi tìm đến, địa chỉ này hóa ra là một phòng khám. Chúng tôi hỏi có ai từng chết ở đây không và họ ngay lập tức nói 'không", Rambam cho biết.
Rambam sau đó đến trụ sở chính quyền Palestine ở thành phố Gaza. Sau nhiều cuộc họp, một lãnh đạo Palestine tiết lộ rằng có người đã trông thấy Jamil và ông ta "chắc chắn không chết".
Thám tử xác định được danh tính mới của Jamil, chuyển thông tin cho công ty bảo hiểm và giới chức Mỹ. Jamil bị bắt ở Mỹ sau khi bay tới Chicago bằng tên mới.
"Vợ ông ấy đang kiện công ty bảo hiểm vì từ chối thanh toán. Thẩm phán lúc đó nói rằng: 'Chúng tôi phải hoãn phiên tòa này vì người chồng 'quá cố' của cô vừa được đưa xuống tầng dưới".
Khi đã tìm ra người giả chết, Rambam tiếp cận họ trước khi quay video họ thú nhận. Ông thường yêu cầu họ xác nhận tên, ngày sinh và số an sinh xã hội.
"Đôi khi tôi có thể đùa vui một chút", Rambam kể. "Tôi hỏi họ từ phía sau máy quay: 'Anh chưa chết phải không?'. Họ thường trả lời: 'Tôi chưa chết".
Theo vnexpress