"Làm thế nào chúng tôi có thể diễn theo kịch bản trong khi bản thân không phải là diễn viên", Song Ji Ah, thí sinh chương trình hẹn hò thực tế Single's Inferno (Địa ngục độc thân), cho biết.

Địa ngục độc thân trở thành chương trình thực tế đầu tiên của Hàn Quốc lọt vào top 10 bảng xếp hạng các chương trình ăn khách trên Netflix.

Lý giải về sự thành công này, Kim Jae Won và Kim Na Hyun, hai nhà sản xuất của Địa ngục độc thân, một lần nữa nhấn mạnh "sự trung thực" chính là chìa khóa.

"Tôi nghĩ rằng khán giả thích thấy các thí sinh sống thật với cảm xúc của mình. Đó là những người rất trung thực và tích cực làm theo những gì họ muốn", nhà sản xuất trả lời phỏng vấn Korea Joongang Daily.

Tuy nhiên, bất chấp lời khẳng định của cả thí sinh lẫn nhà sản xuất, vẫn có những tranh cãi về mức độ chân thực của những show hẹn hò thực tế như Địa ngục độc thân.

 
show hen ho co thuc te anh 1

Song Ji Ah khẳng định chương trình "Địa ngục độc thân" không có kịch bản. Ảnh:dear.zia.

Sự thật về show hẹn hò

Hầu như không thí sinh nào của các show hẹn hò đình đám hiện này nói về việc chương trình sử dụng kịch bản hay người chơi phải làm theo sự sắp đặt của nhà sản xuất.

Tuy nhiên, một số thí sinh từng thừa nhận nhà sản xuất có thể gây áp lực và thúc ép họ đưa ra quyết định trong một số trường hợp.

Trong cuộc phỏng vấn với Cosmopolitan, thí sinh Harry Jowsey của show Too Hot To Handle, chương trình hẹn hò thực tế nổi tiếng vừa ra mắt mùa 3, thừa nhận rằng nhà sản xuất có thể ảnh hưởng đến lựa chọn của người chơi.

"Nếu họ biết rằng bạn đang gặp sự cố hoặc cần trò chuyện với ai đó, họ sẽ chỉ cho bạn đi đúng hướng để có được kết quả hoặc khiến cuộc trò chuyện đó đạt được mục tiêu cuối cùng. Họ không ép buộc bạn phải nói hoặc làm bất cứ điều gì bạn không muốn. Họ chỉ giúp bạn đi đúng hướng".

 
show hen ho co thuc te anh 2

Harry Jowsey (bên trái) trong chương trình hẹn hò thực tế"Too Hot To Handle".

Việc chỉnh sửa, cắt ghép ở quá trình hậu kỳ cũng ảnh hưởng không nhỏ đến tính chân thực của các show truyền hình thực tế.

Nicole O'Brien, người chơi Too Hot To Handle, khẳng định rằng mọi thứ được mô tả là có thật. Nhưng cô lưu ý rằng không phải tất cả những gì diễn ra trong căn biệt thự đều được đưa vào chương trình.

"Chương trình được quay trong hơn một tháng nhưng được thu gọn thành 8 tập phim, nên tất nhiên là bạn sẽ không thể nhìn thấy mọi thứ".

Tương tự, Love Island, show hẹn hò ra mắt năm 2015 và hiện có 4 phần, cũng nhiều lần bị khán giả nghi ngờ có kịch bản, dàn dựng.

Dù đại diện chương trình khẳng định họ chỉ phản ánh những gì có thật, xảy ra tự nhiên trên "đảo tình yêu", không ít lần người chơi của show thừa nhận mình phải làm theo chỉ dẫn của nhà sản xuất.

Trong cuộc phỏng vấn với The Daily Star vào năm 2018, thí sinh Tyla Carr nói rằng các nhà sản xuất có thể "gợi ý rằng sẽ là một ý kiến hay nếu bạn nói hoặc thảo luận về điều gì đó".

"Họ không sống trong biệt thự với chúng tôi nhưng thường có người đến để trò chuyện mỗi giờ. Họ thường đưa ra một thông báo yêu cầu ai đó đến ghế sofa để nói chuyện với người trong nhóm sản xuất. Những người này cho bạn biết họ muốn bạn nói về điều gì và nói với ai".

Thí sinh Kady McDermott cũng nói với Cosmopolitan điều tương tự vào năm 2018. Cô nói rằng các nhà sản xuất đôi khi sẽ tư vấn về chủ đề hội thoại.

Theo McDermott, người chơi được khuyến cáo không nên nói về người nổi tiếng vì không thể phát sóng. Ngoài ra, các thí sinh cũng không được phép tán tỉnh dưới hồ bơi vì ekip không thể đặt micro trong nước.

Khán giả biết diễn nhưng vẫn xem

Sự đan xen giữa yếu tố drama lẫn thực tế chính là điểm thu hút của các show hẹn hò. Vì vậy, dù biết các chương trình này không hoàn toàn thật, khán giả vẫn rất say mê theo dõi câu chuyện tình yêu của người chơi.

Yoo Ji Sang, 28 tuổi, người làm việc trong lĩnh vực giáo dục, nói với SCMP: "Tôi ngừng xem 'Heart Signal' (chương trình hẹn hò ra mắt năm 2017) vì thấy nhàm chán.

Tôi bắt đầu xem 'Địa ngục độc thân' vì người chơi trông hấp dẫn hơn nhưng không biết có xem hết hay không. Những gì họ nói trong chương trình là câu tán tỉnh cường điệu. Người ta không nói những lời đó khi hẹn hò ngoài đời".

Đó là tâm lý chung của người xem các chương trình hẹn hò trên truyền hình.

Theo Tiến sĩ Helen Fisher, thành viên nghiên cứu cấp cao tại Viện Kinsey và là tác giả của cuốn sách Anatomy of Love (Giải phẫu tình yêu), chủ đề lãng mạn luôn khiến mọi người quan tâm.

"Những chương trình phóng đại các mối quan hệ thực tế càng thu hút người xem. Về mặt giải trí, nhìn chung nó không khác gì khi ta xem một bộ phim có mạch truyện và đầy những yếu tố kịch tính", bà Fisher giải thích.

 
show hen ho co thuc te anh 3

Cảnh quay Song Ji Ah lựa chọn một trong 3 người chơi nam để tìm hiểu trong chương trình "Địa ngục độc thân".

Show hẹn hò ngày nay thậm chí còn hấp dẫn hơn phim truyện nhờ được gắn mác "truyền hình thực tế".

Jeon Hye Rin, nhân viên thuộc nhóm sáng tạo nội dung của TVING (dịch vụ phát trực tuyến của Hàn Quốc), nói rằng người chơi sẽ phải đối mặt với các tình huống thực.

"Đôi khi họ có hành động táo bạo, lúc có cảm xúc khi những thứ xảy ra đều bộc phát tự nhiên. Nhân vật của show hẹn hò phần lớn không phải diễn viên nên ít có yếu tố diễn".

Chính vì vậy, khán giả dễ bị thuyết phục và đồng cảm với người chơi hơn khi xem phim truyền hình, theo Hye Rin.

Rob Wade, Giám đốc mảng giải trí thay thế và đặc biệt của Fox Entertainment, từng đưa ra nhận xét: "Trong tất cả thể loại (chương trình truyền hình), tôi nghĩ rằng chương trình hẹn hò đem lại khoái cảm tội lỗi lớn nhất cho người xem".

Theo ông Wade, khán giả của các show hẹn hò vừa muốn đứng ngoài cuộc để bình phẩm, nhận xét về những mối quan hệ yêu đương đầy kịch tính trong chương trình, vừa kín đáo liên hệ nó với chính cuộc sống, tình yêu, bản thân họ ngoài đời thực.

Cách làm này cho phép người xem "vụng trộm trải nghiệm những tình yêu mãnh liệt mà ai cũng muốn có một cách gián tiếp, không lo lắng về rủi ro".

Theo Zing