Hậu quả nhức nhối của sự im lặng
Vụ việc được cho là đã diễn ra hơn 2 tháng trước, trong cuộc xung đột sắc tộc giữa 2 cộng đồng nhưng video về cảnh tượng kinh hoàng trên chỉ vừa lan truyền trên mạng vào tuần trước, khiến cả thế giới phẫn nộ. Thủ tướng Narendra Modi lên án vụ tấn công là “đáng xấu hổ” và hứa sẽ có hành động cứng rắn.
Mới đây, Đài Loan (Trung Quốc) cũng rung chuyển bởi phong trào #MeToo do một nữ diễn viên triển vọng lên tiếng tố cáo một đạo diễn là kẻ tấn công mình cách đây 5 năm. Cô ký tắt “W” dưới bài viết dài 1.300 từ đăng trên Facebook một người bạn, giải thích rằng mình bị sốc và sợ các phản ứng dữ dội, nên đã không công khai vụ việc dù đã tâm sự với vài bạn bè. Kể từ cuối tháng Năm, hầu như ngày nào cũng có những cáo buộc mới trên mạng xã hội.
Hiện đã có hơn 100 người tố cáo các nhân vật quyền lực trong làng giải trí có hành vi quấy rối và tấn công tình dục. Các cáo buộc đầu tiên xuất hiện trên Facebook, sau đó tiếp tục được đưa tin rộng rãi trên báo chí.
Định nghĩa lại “hiếp dâm”
Vừa qua, Nhật Bản đã thông qua luật xác định lại hành vi hiếp dâm và nâng cao tuổi đồng ý quan hệ trong cuộc cải cách mang tính bước ngoặt đối với tội phạm tình dục. Định nghĩa về hiếp dâm đã được mở rộng thành “quan hệ tình dục không có sự đồng thuận”. Độ tuổi hợp pháp của sự đồng ý trước đây là 13 đã được nâng lên 16. Đây là lần đầu Nhật Bản thay đổi độ tuổi thành niên kể từ khi luật liên quan được ban hành vào năm 1907.
Trước đây, Nhật Bản là một trong những quốc gia có độ tuổi kết hôn thấp nhất trong số các nước phát triển. Một người có quan hệ tình dục với trẻ vị thành niên (13-15 tuổi) sẽ chỉ bị trừng phạt với điều kiện lớn hơn trẻ từ 5 tuổi trở lên.
Trước đây, luật pháp không bảo vệ tốt những người bị ép buộc quan hệ tình dục hoặc vô tình cản trở việc tố cáo các vụ tấn công, dẫn đến các quyết định không nhất quán của tòa án. Giờ đây, các luật mới được thượng viện thông qua quy định rõ 8 tình huống mà nạn nhân có thể “hình thành, bày tỏ hoặc thực hiện ý định không đồng ý” với quan hệ tình dục.
Có thể kể ra các tình huống như nạn nhân say rượu hoặc không tỉnh táo, bị đe dọa bạo lực, sợ hãi hay thậm chí kinh ngạc… Một tình huống khá mới được mô tả cấu thành sự lạm dụng, đó là nạn nhân cảm thấy lo lắng về hậu quả của việc từ chối quan hệ. Thời hiệu pháp lý để tố cáo hành vi hiếp dâm cũng được tăng từ 10 năm lên 15 năm, để nạn nhân có thêm thời gian suy xét trình báo. Luật mới cũng cấm hành vi quay lén cảnh quan hệ cùng những thứ tương tự khác.
Thay đổi lớn và quan trọng nhất của luật là định nghĩa lại hành vi hiếp dâm từ “cưỡng bức quan hệ tình dục” thành “quan hệ tình dục không đồng thuận”. Các chuyên gia pháp lý cho rằng định nghĩa hạn hẹp trước đây đặt ra rào cản, thúc đẩy sự nghi ngại, ngăn cản nạn nhân lên tiếng.
Theo phụ nữ TPHCM