leftcenterrightdel
 Cháy rừng lan đến rìa thành phố Williams Lake của tỉnh bang British Columbia (Canada) hôm 21.7

Nhiệt độ không khí bề mặt trung bình trên toàn cầu vào ngày 21.7 là 17,09 độ C, cao hơn một chút so với kỷ lục ngày nóng nhất lịch sử được thiết lập vào tháng 7 năm ngoái là 17,08 độ C.

Kỷ lục mới được lập trong bối cảnh các đợt sóng nhiệt tuần qua đã tấn công nhiều khu vực của Mỹ, châu Âu và Nga.

Với ngày nóng kỷ lục 21.7, một số nhà khoa học dự báo năm 2024 có thể thay thế năm 2023 để trở thành năm nóng nhất lịch sử.

Tây Ban Nha vào tuần trước đã ghi nhận đợt sóng nhiệt đầu tiên trong năm nay, với phần lớn lãnh thổ hứng chịu cái nóng đến 40 độ C, trong khi Ý, Hy Lạp và những vùng khác của Nam Âu cũng chật vật vì nóng.

Giới hữu trách và các chuyên gia nhất trí rằng biến đổi khí hậu là nguyên nhân dẫn đến sự tăng nhiệt trên toàn cầu, kéo dài tình trạng hạn hán và gây cháy rừng ở Địa Trung Hải và những nơi khác của thế giới.

Hy Lạp ghi nhận mức nhiệt độ 43 độ C ở một số khu vực của nước này, trong khi nhiệt độ ban đêm ở nhiều nơi của thủ đô Athens vẫn duy trì ở mức trên 30 độ C suốt 10 ngày qua. Cháy rừng xảy ra ở gần thành phố miền bắc Thessaloniki và trên đảo Kea gần thủ đô Athens.

Trước đó, năm 2023 chứng kiến 4 ngày nhiệt độ liên tiếp phá kỷ lục, từ ngày 3-6.7, trong bối cảnh biến đổi khí hậu dẫn đến nhiệt độ cao khắp Bắc bán cầu.

Kể từ tháng 6.2023 đến nay, tức 13 tháng liên tục, mỗi tháng lại được xếp hạng là nóng nhất kể từ khi giới khoa học bắt đầu đo đạc nhiệt độ toàn cầu.

Theo Thanh niên