leftcenterrightdel
 

Sự xung đột giữa Gen Z (sinh năm 1997-2012) và các thế hệ trước tại môi trường công sở luôn là chủ đề gây tranh cãi, bàn luận từ khi nhóm nhân nhân sự này bước chân vào thị trường lao động.

Theo tôi, thế hệ nào cũng có ưu điểm và khiếm khuyết, không tránh khỏi mâu thuẫn với những người đi trước. Thuộc thế hệ Millennials (sinh năm 1981-1996), tôi cũng từng là “Gen Z” trong mắt thế hệ X (sinh năm 1965-1980) và Baby Boomer (sinh năm 1946-1964).

Sự khác biệt về bối cảnh xã hội chính là nguồn cơn của những xung đột. Gen Z và các thế hệ trước thường gặp bất đồng trong phương pháp làm việc, cách thức giao tiếp cũng như giá trị theo đuổi.

leftcenterrightdel
Gen Z và thế hệ trước thường xảy ra bất đồng trong phương pháp làm việc, gặp mâu thuẫn khi giao tiếp tại môi trường công sở. Ảnh minh hoạ:Phương Lâm. 
 

Biểu hiện và nguyên nhân xung đột

Sự mâu thuẫn giữa Gen Z và các thế hệ trước được thể hiện trên 3 phương diện chính, bao gồm phương pháp làm việc, cách thức giao tiếp và giá trị theo đuổi.

Bất đồng về phương pháp làm việc: Gen Z thường ưu tiên làm việc nhóm, thành thạo ứng dụng công nghệ. Trong khi đó, nhân sự thuộc các thế hệ trước quen thuộc với phương pháp làm việc truyền thống, tập trung hơn vào trách nhiệm, bổn phận và quyền hạn của bản thân.

Khác biệt về giá trị: Gen Z đề cao giá trị bản thân, cân bằng giữa công việc và đời sống cá nhân, mong muốn tạo ra các tác động xã hội. Thế hệ trước lại ưu tiên sự ổn định và an toàn trong công việc.

Mâu thuẫn về cách thức giao tiếp: Trong khi Gen Z thường sử dụng các hình thức giao tiếp trực tuyến, thích nhắn tin, thả biểu tượng cảm xúc, nhân sự thuộc thế hệ trước lại có thói quen gọi điện, nói chuyện trực tiếp.

leftcenterrightdel
 Bối cảnh sống khác biệt tạo nên những hiểu lầm giữa các thế hệ trong môi trường làm việc. Ảnh minh hoạ:Phương Lâm. 

Theo quan điểm của tôi, 3 nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng xung đột này là bối cảnh lớn lên, áp lực công việc và thiếu sự thấu hiểu.

Khác biệt về bối cảnh lớn lên: Mỗi thế hệ lớn lên trong một bối cảnh xã hội, kinh tế và công nghệ khác nhau, dẫn đến sự khác biệt về giá trị, quan điểm sống, kỳ vọng trong công việc. Do đó, sự tranh cãi khi làm việc là điều khó tránh khỏi.

Áp lực từ công việc: Bối cảnh biến động trong môi trường lao động hiện tại, cùng với mức độ cạnh tranh khốc liệt, dễ khiến các thành viên trong đội nhóm trở nên căng thẳng, xảy ra xung đột.

Thiếu sự thấu hiểu: Vì khác biệt về giá trị và quan điểm sống, quá trình giao tiếp, tìm hiểu giữa các thế hệ có nhiều sự hạn chế. Từ đó, những hiểu lầm và xung đột không đáng có sẽ xảy ra.

Gen Z thay đổi văn hoá làm việc

Theo quan điểm của tôi, nhân sự Gen Z cũng có nhiều ưu điểm và khiếm khuyết như các thế hệ khác.

Về điểm cộng, đây là thế hệ sáng tạo và đổi mới. Gen Z có nhiều ý tưởng mới mẻ, phương pháp tiếp cận vấn đề độc đáo.

Họ cũng tương đối linh hoạt, dễ thích nghi với sự thay đổi, nhanh chóng cập nhật công nghệ mới. Ngoài ra, thế hệ này thành thạo các công cụ, nền tảng trực tuyến, trao đổi online hiệu quả, sinh động, sở hữu kỹ năng giao tiếp số vượt trội.

Về điểm trừ, yếu tố cản trở lớn nhất đối với Gen Z là sự thiếu trải nghiệm thực tế khi bước vào môi trường công sở. Nhóm nhân sự trẻ tuổi dễ cảm thấy thất vọng, hoang mang, mất nhiệt huyết khi bức tranh thực tế khác với sự tưởng tượng trước đó.

Tuy nhiên, đây không phải khó khăn của riêng Gen Z, các thế hệ trước cũng gặp rào cản này khi mới gia nhập thị trường lao động. Trong khi họ thường tự chịu đựng và lặng lẽ rời đi, nhân sự trẻ lại phản ứng trực diện hơn, khiến lãnh đạo thuộc thế hệ trước chưa kịp thích ứng.

Ngoài ra, Gen Z cũng dễ bị phân tán bởi các thiết bị di động và mạng xã hội. Do vậy, họ thường bị hiểu lầm là không nghiêm túc với công việc.

Nhóm nhân sự này cũng thể hiện mong muốn thăng tiến nhanh, nhận được sự công nhận tức thời, đôi khi tạo cảm giác gấp rút và thiếu kiên nhẫn đối với cấp trên.

leftcenterrightdel
 Gen Z có tư duy sáng tạo, phương pháp tiếp cận vấn đề mới mẻ, sử dụng ưu thế này khi làm việc. Ảnh minh hoạ:Phương Lâm. 

Với những ưu thế và khuyết điểm trên, Gen Z góp phần tạo ra nhiều thay đổi lớn tại các văn phòng. 3 sự khác biệt quan trọng là môi trường làm việc, ứng dụng công nghệ và phúc lợi nhân viên.

Môi trường làm việc linh hoạt hơn: Nhân sự Gen Z ưu tiên làm từ xa, làm việc theo dự án và có nhiều thời gian nghỉ ngơi hơn. Sau đại dịch Covid-19, các thế hệ trước cũng bắt đầu yêu thích hình thức làm việc linh hoạt không gian, thời gian.

Sử dụng công nghệ: Việc tích hợp công nghệ vào quy trình làm việc để gia tăng hiệu suất, hiệu quả là điều cần thiết trong bối cảnh hiện nay. Đây là cầu nối giúp Gen Z thể hiện ưu thế trong việc hỗ trợ thế hệ trước ứng dụng lợi ích của công nghệ, từ đó được lòng nhóm nhân sự này.

Quan tâm nhiều hơn đến phúc lợi: Với sự gia nhập của Gen Z, nhiều doanh nghiệp chủ động tạo ra các chính sách linh hoạt để dung hòa quyền lợi của các đối tượng lao động khác nhau, đem đến môi trường làm việc thân thiện, thúc đẩy sự phát triển. Lúc này, các thế hệ trước phát huy vai trò cố vấn cho Gen Z, dẫn dắt nhân sự trẻ phát triển chuyên môn.

Làm việc với Gen Z

Dưới góc nhìn của tôi, các công tác tuyển dụng, đào tạo, quản lý và làm việc với Gen Z cần một số lưu ý nhất định.

Về khâu tuyển dụng, doanh nghiệp cần đảm bảo văn hoá tốt, môi trường làm việc lý tưởng để thu hút ứng viên Gen Z đam mê, tài năng, sáng tạo. Nhóm nhân sự này thường xem đánh giá các công ty trên mạng xã hội một cách kỹ lưỡng trước khi ứng tuyển và nhận việc.

Về quá trình đào tạo, các doanh nghiệp có thể tổ chức các khóa đào tạo linh hoạt, tương tác, sử dụng công nghệ. Ngoài ra, công ty cũng nên xây dựng văn hoá tự học để Gen Z chủ động tham gia, tập trung đào tạo những kiến thức có thể lập tức áp dụng vào công việc.

leftcenterrightdel
 Doanh nghiệp cần lưu ý khi tuyển dụng, đào tạo, quản lý và làm việc với nhân sự Gen Z. Ảnh minh hoạ:Phương Lâm. 

Về công tác quản lý, các quản lý cấp trung và cấp cao cần ứng dụng phương pháp quản trị dân chủ, khuyến khích sự tham gia đóng góp ý kiến của nhân viên Gen Z. Hơn nữa, lãnh đạo cần khéo léo phản hồi nhằm thể hiện sự tôn trọng với cấp dưới, đồng thời đảm bảo nhân viên tuân thủ ý kiến chỉ đạo.

Cơ chế “xin - cho” không còn tồn tại trong môi trường làm việc hiện nay. Người lao động trẻ đặc biệt trung thành với quản lý có năng lực lãnh đạo, sự thấu cảm, đồng thời truyền cảm hứng cho hành trình phát triển sự nghiệp của họ.

Về quá trình làm việc, doanh nghiệp cần tạo ra môi trường làm việc cởi mở, tôn trọng sự khác biệt và khuyến khích mối quan hệ hợp tác giữa các thế hệ. Nhìn chung, việc xây dựng môi trường làm việc đa thế hệ là một quá trình đòi hỏi sự kiên nhẫn và nỗ lực của cả quản lý và nhân viên.

Các công ty cần chủ động thu hẹp khoảng cách, phát triển văn hoá làm việc minh bạch, rõ ràng, tổ chức hoạt động giao lưu, đào tạo, thúc đẩy giao tiếp xuyên thế hệ. Đây là phương án giúp nhân sự thuộc các thế hệ hiểu nhau hơn, học hỏi lẫn nhau, từ đó cùng phát triển.

Theo lifestyle.znews