Nằm ở vùng Umbria, nơi từng thu hút rất đông khách du lịch trước Covid-19, Nortosce là một thị trấn nhỏ nằm trên hém núi đá ở thung lũng Nerina, trên độ cao 900 m và rất khó để tiếp cận. Cả thị trấn chỉ có hai người sinh sống, là Giovanni Carilli, 82 tuổi và Giampiero Nobili, 74 tuổi.

Khi gặp nhau, cả hai vẫn giữ đúng khoảng cách hơn một mét và không tháo khẩu trang. Trên ảnh là Nobili (phải) và Carilli (trái). Ảnh: Silvia Marchetti

Cả hai đều cảm thấy không an toàn trước loại virus đã cướp đi sinh mạng của gần 37.000 người ở Italy. Do đó, bất chấp việc sống ở nơi hẻo lánh, ít người qua lại và cả hai hiếm khi rời khỏi thị trấn, Carilli lẫn Nobili vẫn tuân thủ nghiêm ngặt các biện pháp phòng tránh dịch mà chính phủ hướng dẫn. Họ luôn đeo khẩu trang khi ra ngoài dù trong trấn không có ai.

Vào những lúc ngồi uống cà phê espresso tại nhà Carilli, họ ngồi trên một chiếc bàn dài hai mét, mỗi người một đầu. Khi đi bộ đến đài phun nước bằng đá để lấy nước suối tinh khiết về sử dụng, họ cũng đi cách nhau đủ một mét.

"Tôi sợ chết khiếp loại virus này. Tôi chỉ có một mình, nếu tôi ốm ai sẽ chăm sóc tôi? Tôi già rồi, nhưng tôi vẫn muốn tiếp tục sống ở đây để chăm sóc đàn cừu, cây nho, tổ ong và vườn cây ăn quả hay hái nấm. Tôi muốn tận hưởng cuộc sống của mình", Carilli nói trên CNN.

Hiện tại, người Italy được yêu cầu phải tuân thủ giãn cách xã hội, bắt buộc đeo khẩu trang nơi công cộng ở ngoài trời lẫn trong nhà, ngoại trừ nhà riêng. Trong khi cảnh sát khắp nước đang đưa ra các khoản phạt 400-1.000 euro cho những người cố tình vi phạm ở một số thành phố đông dân nhất nước, thì với Carilli và Nobili, che mặt là một quy tắc thiêng liêng tại thị trấn hẻo lánh của họ.

Nobili cảm thấy bản thân và người hàng xóm sẽ thiếu tôn trọng nhau nếu bỏ qua quy tắc được áp dụng trong dịch, bất chấp hoàn cảnh sống đặc biệt. Với ông, đeo khẩu trang, giãn cách xã hội không phải là điều gì đó "tốt" hay "xấu" mà là vấn đề nguyên tắc. "Nếu có những quy tắc bạn cần tuân thủ vì lợi ích của chính mình và người khác, hãy thực hiện điều đó", ông bày tỏ. 

Với những rừng cây sồi, cây tầm vông, cây dẻ và cây thông xen kẽ với những cánh đồng dâu rừng, nấm cục, măng tây và những con dê đang gặm cỏ, khung cảnh của Nortosce được nhiều người đánh giá là "mê hoặc". Ảnh: Silvia Marchetti

Carilli sinh ra ở làng, nhưng dành phần lớn cuộc đời ở Rome. Ông quay về ngôi nhà thời thơ ấu sau khi nghỉ hưu. Carilli có những kỷ niệm đẹp khi xem lễ hội thu hoạch vụ mùa được tổ chức trên quảng trường nhỏ trước nhà, nơi dân làng mang bò đến dẫm lên loại hạt để làm sạch vỏ. Ông cũng nhớ lại cảnh mẹ mình và những người bạn của bà đội bình gốm trên đầu để lấy nước suối chảy ra từ những chiếc máng cũ.

Nobili là em trai của anh rể Carilli. Ông chọn sống ở đây trong những năm tháng tuổi xế chiều. Nobili là nghệ nhân chế tạo đồ trang sức và cho rằng thiên nhiên tươi đẹp ở đây truyền cảm hứng sáng tác cho mình rất nhiều. Thị trấn này bị bỏ hoang từ cuối những năm 1990, khi mọi người đổ xô đến Rome, Carilli và Nobili hầu như "cai quản" cả khu vực rộng lớn này. Hàng năm, vào mùa hè, nơi này đông đúc hơn thường lệ khi các gia đình khác trở về thăm nhà.

Ngoài hai "nhân vật chính", người bạn đồng hành duy nhất của họ là con chó của Carilli và 5 con cừu mà ông nuôi sau nhà. Thi thoảng, họ vẫn gặp gỡ gia đình bên ngoài thị trấn. 

Những con hẻm nhỏ quanh co của thị trấn và những lối đi có mái vòm. Các vỉa hè lát đá cuội của nó cũng được bảo tồn rất tốt. Ảnh: Silvia Marchetti

Nơi đây không có quán bar, khách sạn, nhà hàng hay siêu thị, nên cả hai phải đi mua sắm các thứ cần thiết ở các nơi lân cận. Nhưng họ không thấy buồn tẻ và cho rằng đây là một sự cứu rỗi. "Chúng tôi có một cuộc sống đơn giản, không khí trong lành, sự yên bình và tĩnh lặng, nước trên núi trong lành. Khi cần đến thành phố lớn, tôi cảm thấy buồn nôn. Tôi ghét tiếng ồn", Carilli nói.

Mùa đông nơi đây cũng rất khắc nghiệt. "Tuyết rơi và trời rất lạnh. Nhưng chúng tôi đã quen với điều đó và ngày tháng trôi qua. Vào buổi sáng, tôi quanh quẩn bên những con vật. Vào buổi chiều, tôi ở nhà và đốt một đống lửa lớn, ngồi yên trong không khí ấm áp cho đến ngày hôm sau".

Thị trấn cũng có một số ngôi nhà đang được người dân rao bán. Một số từng bán với giá 20.000 euro. Nobili nhấn mạnh rằng những người muốn tới đây định cư nên chuẩn bị sẵn tinh thần. Cuộc sống ở đây dễ chịu nhưng không có cửa hàng, hiệu thuốc hay bác sĩ. Nơi đây có những con lợn rừng và chó sói rình rập, thỉnh thoảng chúng giết cừu. Nhiều năm trước, các cư dân lớn tuổi từng kể về những phù thủy ấn náu trong các hang động gần đó, lấy ngựa của người làng để cưỡi. Sáng hôm sau, dân làng sẽ phát hiện ra các con ngựa của họ đổ mồ hôi.

Theo vnexpress