Trên giấy tờ, khoảng 20 người có tiền án xâm hại tình dục đang sống tại tòa nhà hai tầng nằm trên Đại lộ New York, thuộc thủ đô Washington D.C.. Nhưng trên thực tế, ít nhất một phần ba trong số ấy không còn ở đây, chính quyền địa phương cũng không rõ họ đang ở đâu.

Những người này nằm trong số hơn 25.000 tội phạm xâm hại tình dục tại Mỹ, những kẻ đã đi khỏi nơi cư trú và không còn nằm trong tầm giám sát của nhà chức trách cùng nạn nhân, theo điều tra của NPR. Hàng chục người khác cũng bị phát hiện không tuân thủ quy định về đăng ký thường trú với hệ thống quản chế tội phạm tình dục.

Sau đạo luật liên bang được ban hành năm 1994, hệ thống quản chế tội phạm xâm hại tình dục được các tiểu bang lập ra nhằm công khai thông tin (như nơi ở, nơi làm việc,...) của kẻ có tiền án, cho phép người dân sống cùng khu vực hoặc nạn nhân có biện pháp phòng ngừa thích hợp. Nhưng sau thời gian hoạt động, hệ thống quản chế nói trên được cho là bộc lộ nhiều thiếu sót ngay từ trước khi Covid-19 xuất hiện.

Kristen Trogler, 36 tuổi, không thể tìm được kẻ từng gây án với mình trong hệ thống quản chế tội phạm xâm hại tình dục. Ảnh: Ben de la Cruz/NPR.

Qua phân tích dữ liệu của 51 bang và vùng lãnh thổ, NPR thấy rằng hệ thống quản chế của nhiều bang ghi sai địa chỉ của người phạm tội hoặc vẫn lưu tên của người đã chết từ nhiều năm trước. Ví dụ, Leroy Hair, kẻ nhận án 40 năm tù vào năm 1979 về tội Hiếp dâm, được phóng thích vào cuối năm 2000. Dù chết từ năm 2001, Hair vẫn được giới chức bang Arkansas ghi nhận là mất tích trong gần hai thập kỷ.

Ở một số bang khác, hàng trăm người có tên trong hệ thống nhưng không chịu đăng ký nơi thường trú trong vòng nhiều năm, như trường hợp của Jimmy Ferguson. Sau khi chấp hành xong bản án về tội Hành hung với ý định hiếp dâm, Ferguson bị yêu cầu phải trình diện mỗi 90 ngày nhưng đã dừng báo cáo từ vài năm trước.

Cảnh sát thủ đô Washington D.C. cho biết đã cố tìm Ferguson nhưng không thành công. Tuy nhiên, khi được NPR tìm thấy, Ferguson lại nói không trốn mà vẫn sống tại địa chỉ cũ từng khai báo. Theo Ferguson, không ai tới tìm ông ta trong suốt bốn năm qua.

Theo NPR, một hạn chế của hệ thống quản chế tội phạm xâm hại tình dục là việc lực lượng chấp pháp thường không ưu tiên truy tìm những người trốn đăng ký thường trú.

Ví dụ, tại bang Illinois, 12,5 % trong số hơn 32.200 người có tiền án tội phạm tình dục đã mất tích hoặc không tuân thủ quy định trình diện. Cảnh sát tại đây thường chỉ bắt được những người này sau khi dừng xe vi phạm lỗi giao thông hoặc khi xử lý tin báo về bạo lực gia đình, theo Tracie Newton, quản trị viên chương trình của hệ thống quản chế thuộc bang Illinois.

Hoặc tại bang Nevada, 7,5 % trong số hơn 29.000 người phạm tội đã mất tích hoặc không ra trình diện. Tuy vậy, nhà chức trách hiếm khi rà soát để kiểm tra xem người có tiền án tội phạm tình dục có sống đúng nơi đã khai báo hay không, theo Mindy McKay, người giám sát đơn vị lưu trữ, truyền thông, và đảm bảo chấp hành của Phòng An ninh công cộng bang Nevada.

NPR chỉ ra rằng thiếu sót trong hệ thống quản chế có khả năng mang lại hậu quả nghiêm trọng vì trong thời gian không đăng ký thường trú, một số kẻ có tiền án tội phạm tình dục có thể tiếp tục tái phạm.

Ví dụ, sau khi bị kết tội xâm hại bé gái 5 tuổi tại bang Missouri vào năm 1991, Robert Maurer đã ít nhất hai lần chuyển nơi cư trú sang bang khác nhưng không thông báo với cơ quan chức năng. Trong thời gian ấy, hắn ta tiếp tục gây án với bé gái 12 tuổi, cuối cùng lãnh án chung thân không ân xá vào năm 2017.

Kristen Trogler, nạn nhân đầu tiên của Maurer, cho biết lực lượng chấp pháp đã khiến bản thân và những người khác như mình phải thất vọng vì không sát sao với những kẻ không trình diện và bỏ trốn. "Hệ thống này thật sự kém hiệu quả và không biết có thể được khắc phục hay không", Trogler nói.

Giống như Trogler, Kelly Socia, giáo sư nghiên cứu tư pháp và tội phạm học tại Đại học Massachusetts, cũng nhận định rằng hệ thống quản chế tội phạm xâm hại tình dục như hiện tại khá cồng kềnh, chi phí hoạt động lớn.

Theo vnexpress