Sau thời gian thi đấu gấp rút ở Thế vận hội mùa đông và Paralympic, nhiều người cho rằng các vận động viên sẽ cảm thấy tuyệt vời khi trở về quê nhà. Tuy nhiên, với họ, đó là khoảng thời gian đặc biệt khó khăn khi sức khỏe tinh thần giảm sút và khó thích nghi với cuộc sống.

Năm 2014, sau khi sau giành huy chương đồng tại Thế vận hội mùa đông, VĐV trượt tuyết Nick Goepper về nước trong tâm trạng chán nản, lạc lõng và thậm chí từng có ý định tự sát.

Một ví dụ khác, cựu kình ngư nổi tiếng người Mỹ Michael Phelps cũng trải qua chứng trầm cảm nặng sau khi tham dự Olympic. Một số người gọi đây là thời kỳ đen tối hậu Thế vận hội với VĐV, CNA đưa tin.

 
Thoi ky den toi hau Olympic cua cac van dong vien anh 1

VĐV thể dục dụng cụ người Mỹ Simone Biles từng rút khỏi Thế vận hội để bảo vệ sức khỏe tinh thần của mình. Ảnh:NZ Herald.

Mắc chứng trầm cảm

Theo nghiên cứu từ năm 2021, khoảng 24% VĐV Olympic và Paralympic đã gặp vấn đề tâm lý sau mỗi lần chinh chiến ở đấu trường quốc tế.

Có nhiều lý do dẫn đến tình trạng này, một trong số đó là không đáp ứng được kỳ vọng của huấn luyện viên, bản thân và người hâm mộ.

Trong một số trường hợp, việc không vào được chung kết hoặc thành tích cá nhân không như mong đợi cũng ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần của VĐV.

Theo CNA, điểm số có thể là nguyên nhân đáng lo ngại nhất, đặc biệt là khi Thế vận hội hoặc Paralympic chỉ diễn ra bốn năm một lần.

Điều này đồng nghĩa với việc nhiều VĐV chỉ có một cơ hội duy nhất trong đời để vượt qua vòng loại.

 
 
 
Thoi ky den toi hau Olympic cua cac van dong vien anh 2

Nhiều khi VĐV gặp vấn đề tâm lý sau khi tham dự Olympic. Ảnh:The Conversation.

Các yếu tố khác liên quan đến thời kỳ đen tối hậu Olympic bao gồm không còn cảm thấy hưng phấn khi giành chiến thắng, mất đi vị thế người nổi tiếng, khó thích nghi với cuộc sống ở quê nhà, thay đổi thói quen, ít gắn kết với các đồng đội, gặp chấn thương.

Ngay cả những người giành giải cao với thành tích tốt hơn mong đợi cũng có trải nghiệm tương tự.

Vài tuần đầu tiên sau Thế vận hội là thời gian các VĐV được bủa vây trong lời ca tụng và xuất hiện dày đặc trên phương tiện truyền thông.

Nhưng khi sự quan tâm giảm đi, họ có thể bắt đầu cảm thấy xuống tinh thần, cô đơn hoặc mắc các triệu chứng trầm cảm khác.

Áp lực thành tích

Danh tính cũng đóng một vai trò quan trọng trong thời kỳ đen tối hậu Olympic. Nhiều VĐV đặt áp lực cho bản thân là cần phải cống hiến hết mình cho thể thao để đạt được thành công từ khi còn trẻ.

Điều này dẫn đến những cuộc đấu tranh diễn ra trong tâm trí khiến sức khỏe tinh thần của VĐV giảm sút khi phải đối mặt với các thách thức như hoạt động kém hiệu quả, bị thương hoặc giải nghệ. Tất cả đều có thể ảnh hưởng đến thành tựu sau này của họ.

Khi theo đuổi ước mơ được thi đấu chuyên nghiệp, các VĐV thường không có nhiều thời gian đầu tư vào sở thích hoặc một con đường sự nghiệp khác.

Khoảng thời gian đen tối giữa các VĐV không giống nhau. Nhưng với những người không đạt thành tích cao có thể bị di chứng dài hơn.

Một nghiên cứu cho thấy nhiều VĐV đã cố gắng cầm cự nỗi đau khi không giành huy chương tại Thế vận hội Rio de Janeiro 2016 cho đến khi họ sắp thi đấu tại Đại hội Thể thao Khối Thịnh vượng chung 2018.

 
Thoi ky den toi hau Olympic cua cac van dong vien anh 3

Áp lực thành tích là gánh nặng với nhiều vận động viên. Ảnh:People.

Nghỉ hưu sau các kỳ Olympic cũng có thể gây ra những vấn đề về tâm lý. Một báo cáo đã chỉ ra rằng khoảng 40% cựu vận động viên phải vật lộn với chính mình sau khi giải nghệ, còn những người khác thì luôn sống trong hào quang quá khứ.

Điều mà họ mong muốn là được hỗ trợ nhiều hơn sau khi thi đấu để có thể vượt qua thời điểm khó khăn.

Ngoài ra, nhiều chuyên gia khuyên rằng cựu VĐV có thể bắt đầu một sự nghiệp mới, dành nhiều thời gian hơn cho gia đình, bạn bè hoặc học thêm các kỹ năng khác.

Nghiên cứu trên còn cho biết những vận động viên tìm được cách mở rộng danh tính của mình sẽ cảm thấy ít căng thẳng và áp lực hơn ngay cả khi đối mặt với việc giải nghệ.

Chỉ có 10% VĐV giành được huy chương, giải thưởng cao tại các kỳ Thế vận hội. Thế nên, sau rất nhiều năm tập luyện và chuẩn bị, việc một VĐV cảm thấy hụt hẫng hoặc thất vọng khi thi đấu là điều dễ hiểu.

Theo Zing