Việc truy tố tội phạm về tội Trốn thuế là điều phổ biến tại Mỹ. Tuy nhiên từng có thời điểm đây lại là sáng kiến mới mẻ của lực lượng chấp pháp trong cuộc đấu tranh chống tội phạm. Nguồn gốc của "công cụ pháp lý" này xuất phát từ án lệ United States v. Sullivan của tòa tối cao liên bang vào năm 1927.

Trong thập niên 1920 của thời kỳ cấm rượu, những ông trùm buôn rượu lậu dường như ở vào thế bất khả xâm phạm. Chúng không thể bị khởi tố về tội Giết người hoặc tội danh nghiêm trọng khác vì không có người dám ra làm chứng. Điều tra viên cũng không thể chứng minh các ông trùm có dính líu tới hoạt động kinh doanh bất hợp pháp vì chúng không đề tên trên hợp đồng hoặc giấy tờ quan trọng.

Lúc này, Mabel Walker Willebrandt, phó tổng chưởng lý liên bang, để ý thấy rằng những tên trùm buôn rượu lậu thường sống xa hoa lộ liễu, dấu hiệu của thu nhập bất chính, nhưng không bao giờ nộp đơn khai báo thuế thu nhập. Nếu vậy, việc truy tố về tội Trốn thuế có thể sẽ dễ hơn việc trực tiếp truy tố tội vi phạm lệnh cấm rượu, giết người, và các tội danh liên quan tới buôn rượu lậu.

Cách này cho phép Willebrandt không cần người làm chứng về việc gây án cụ thể mà vẫn có thể truy tố thành công tội phạm.

                     Mabel Walker Willebrandt. Ảnh: Library of Congress.

Willebrandt thử chiến thuật mới với Manley Sullivan, kẻ buôn rượu lậu tại bang South Carolina. Việc truy tố ban đầu thành công tại tòa sơ thẩm nhưng bản án trốn thuế thu nhập bị kháng cáo lên tòa phúc thẩm liên bang.

Tại tòa, luật sư của Sullivan lập luận rằng việc khai báo thu nhập bất chính với cơ quan thuế sẽ vi phạm vào quyền không phải tự làm chứng chống lại chính mình vốn được quy định trong Hiến pháp Mỹ. Ngoài ra, luật sư còn cho rằng việc chính quyền lấy một phần trong khoản thu nhập bất chính cũng tương đương hành vi tiếp tay cho tội phạm. Lập luận này thuyết phục được tòa phúc thẩm, dẫn tới việc bản án bị hủy.

Nhưng niềm vui mừng của ông trùm Sullivan không kéo dài lâu vì bản án sau đó đã được tòa tối cao liên bang giữ nguyên hiệu lực vào ngày 16/5/1927. Tòa tối cao nhận định theo câu chữ của luật thuế hiện hành, người dân phải khai báo thu nhập từ "mọi hoạt động kinh doanh" bất kể tính hợp pháp. "Không có lý gì để cho rằng hoạt động kinh doanh phi pháp sẽ được miễn thuế vì thu nhập từ hoạt động ấy vẫn sẽ chịu thuế nếu hợp pháp", thẩm phán Oliver Holmes viết.

Tòa cũng bác bỏ lập luận Sullivan không phải làm chứng chống lại chính mình vì nếu không muốn khai báo, ông ta có thể để trống mục nguồn gốc thu nhập nhưng không được từ chối nộp đơn khai báo thuế.

Phán quyết của tòa tối cao liên bang đã trở thành công cụ quan trọng giúp truy tố và hạ bệ thành công nhiều tên trùm tội phạm khét tiếng của thời bấy giờ, trong đó có Al Capone. Năm 1994, Aldrich Ames, kẻ bán tài liệu mật của Mỹ, bị kết án về tội Trốn thuế vì không khai báo khoản tiền hai triệu USD có được từ việc gây án. Ames cũng cố kháng cáo dựa trên quyền không phải tự làm chứng chống lại chính mình nhưng không thành công.

Cho tới nay, quy định số 17 của Sở Thuế vụ Mỹ vẫn quy định người dân phải tiết lộ thu nhập phi pháp trong đơn khai báo, như tiền có được từ việc buôn ma túy trái phép.

Theo vnexpress