Năm 21 tuổi, vlogger Ronald Banks (Winconsin, Mỹ) đứng trước tủ quần áo và tự nhủ “phải dừng lại” khi nhìn thấy 60 chiếc quần jeans, số áo phông chất đống và một BST giày đồ sộ.

Lấy cảm hứng từ “thánh nữ dọn nhà” Marie Kondo, Ronald quyết định dọn dẹp lại từng món, đem tặng tổ chức từ thiện nếu thấy đồ dùng đó không còn ý nghĩa với bản thân, theo The Guardian.

Lối sống tối giản, vứt bỏ những thứ không cần thiết được nhiều người đề cao và học theo trong các năm trở lại đây. Ảnh: Sixth Tone.


Lối sống tối giản dần được chàng trai áp dụng vào cả các mối quan hệ xung quanh. Tình bạn cũng được Ronald đem ra “dọn dẹp”.

Anh là một trong những người trẻ chọn “tối giản cảm xúc”. Nếu tình bạn không còn cảm giác hài lòng, họ sẵn sàng kết thúc, chấp nhận việc ít bạn mà chất lượng.

Nếu thành phố đang sống không còn niềm vui, họ sẽ chuyển tới nơi khác. Để tránh những tương tác không cần thiết với thế giới bên ngoài, một số thậm chí chọn nói “không” với điện thoại thông minh hoặc mạng xã hội.

"Tối giản" bạn bè


Để tìm ra ai thực sự là người quan tâm, Ronald chọn tránh mặt bạn bè, xem ai sẽ chủ động liên lạc sau vài tuần im lặng, từ đó xem tình bạn nào đáng trân trọng.

"Ban đầu, tôi sốc vì thấy họ không coi trọng tôi như cách tôi coi trọng họ", anh nói. Dù không mấy dễ chịu, Ronald coi đây là cách giúp anh hiểu hơn về những người xung quanh mình.

Sống tối giản, mỗi lần chuyển chỗ ở, Kelly Stamps (25 tuổi, New York) lại bán bớt quần áo và sắm thêm một ít trang phục mới phù hợp với nơi mình sắp chuyển tới. Cô gái tự nhận “hành lý của mình chỉ gói gọn trong một chiếc vali”.

Kelly chủ động tránh xa mọi thiết bị công nghệ hiện đại. Cô chỉ dùng Instagram và YouTube cho mục đích kinh doanh, còn giữ liên lạc với xung quanh bằng một chiếc điện thoại nắp gập đời cũ thay vì iPhone đắt tiền.

Không chỉ vứt bớt đồ đạc, người theo chủ nghĩa tối giản có thể muốn cắt bớt các mối quan hệ không cần thiết. Ảnh: YouTube.


“Tôi chỉ cần một thứ có thể gọi được đến 911 trong trường hợp khẩn cấp”, Kelly giải thích. Cô không lắp gương trong căn hộ của mình với lý do “không cần gây ấn tượng với những người mình không thích”.

Giống Ronald, vòng tròn bạn bè của Kelly chưa lấp đầy đủ một bàn tay, chỉ dừng ở mức 4 người. Trạng thái này trái ngược hẳn với quá khứ, khi cô khá thân thiết với khoảng 20 người.

“Khi chơi với quá nhiều người, bạn sẽ gặp phải những tình bạn không an toàn. Tôi thà ở một mình còn hơn ở cùng với những người khiến tôi thấy cô độc”, cô nhấn mạnh.

Bằng cách cắt giảm bạn bè, nữ vlogger cảm thấy bản thân phát triển hơn, tìm ra sở thích mới cũng như những hướng đi mới cho nghề nghiệp.

Nam YouTuber James Sweetland theo đuổi chủ nghĩa tối giản ở cuối độ tuổi 20. Anh chọn ngừng hẹn hò làm cách giản lược các mối quan hệ. Sau khi vạch ra kế hoạch hàng năm của mình, James nhận ra “ở bên một ai đó” không phải điều anh muốn.

“Tôi đã không quan hệ tình dục trong một thời gian. Lúc này, chuyện tình cảm không phải là ưu tiên hàng đầu. Quỹ thời gian và năng lượng đều hạn chế, tôi phải cố gắng loại bỏ những thứ không thực sự đem lại sự thỏa mãn và tập trung vào các vấn đề khác”.

       Vòng tròn bạn bè được cắt giảm xuống còn một vài người bạn thân thiết nhất. Tranh minh họa: The Guardian.


Làm màu


Tuy nhiên, lối sống tối giản trên cả hai phương diện vật chất và tinh thần này vẫn vấp phải chỉ trích.

Phần lớn thời gian, Lana Blakely (25 tuổi) thấy theo đuổi xu hướng này giúp cô đạt được sự nhẹ nhàng và tự do.

Nhưng có những lúc, chính cô nhận thấy mình đẩy mọi thứ đi xa khi đồ đạc, ghế ngồi trong nhà ít ỏi đến mức không đủ cho 2 người sử dụng, trong trường hợp bạn bè ghé chơi.

Ngoài ra, ngày càng đông YouTuber, vlogger kêu gọi người theo dõi đi theo chủ nghĩa tối giản, vứt bỏ những thứ không cần thiết cũng khiến trào lưu này bị chỉ trích là “làm màu”.

Tim Tarafas, một người trẻ có ảnh hưởng trên mạng tại Mỹ, gọi đây là “trò lừa đảo”.

“Một video điển hình nói về chủ nghĩa tối giản thường có mô típ chung: một người ngồi trước bức tường trống, mặc toàn đồ đen và nói về chuyện chỉ nên chi tiêu những thứ cần thiết sẽ đem lại cảm giác thỏa mãn thực thụ. Hầu hết thời gian, họ xây dựng hình ảnh là người theo chủ nghĩa này, thay vì sống đúng nghĩa”.

         Người trẻ có thu nhập cao, theo đuổi lối sống tối giản ít nhiều bị chỉ trích là "làm màu". Ảnh: Insider.


Trong một video, Kelly cho biết trung bình một tháng, thu nhập của cô ở mức 40.000 USD, còn chi phí thuê nhà là 2.000 USD. Tuy sống tối giản, cô vẫn chi tiền mua những món đồ đắt đỏ, giá vài nghìn USD đổ lên.

Mặt khác, mối quan hệ của những người có lối sống tối giản với xung quanh vẫn có thể bị ảnh hưởng.

Nữ blogger Jennifer Ullrich được chồng ủng hộ quyết định thay đổi, nhưng gia đình cô phản đối kịch liệt.

Tuy vậy, những người theo chủ nghĩa tối giản nói rằng triết lý này đã giúp họ lột xác bên ngoài và tìm thấy con người thật của mình.

Trước khi tối giản bạn bè, Ronald sống với một áp lực vô hình rằng anh luôn phải có vẻ ngoài hoàn hảo, tự tin như cách bạn bè đánh giá. "Tất cả điều tôi làm hay thứ tôi mua đều phải căn ke chuẩn chỉnh theo hình tượng đó", anh kể lại.

Về lâu dài, việc duy trì vỏ ngoài đó khiến bản thân anh thấy mệt mỏi, không được sống thật với bản thân. Tâm trạng anh khá dần lên khi thay đổi lối sống.

"Đừng tiếp cận lối sống tối giản để chạy theo trào lưu. Hãy tiếp cận nó với mục đích làm cuộc sống bạn tốt lên", anh bày tỏ.

Theo Zing