Ngày càng nhiều trẻ đói nghèo, bỏ học, bị bạo hành
Theo một thống kê của Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF), Ngân hàng Thế giới và Đại học Johns Hopkins, việc phong tỏa ở nhiều nước trên thế giới đã góp phần gia tăng tình trạng lạm dụng và suy thoái quyền trẻ em toàn cầu, từ việc sử dụng lao động trẻ em đến các cuộc tảo hôn - thường là trong các cộng đồng mà trẻ em đã gặp khó khăn trong việc tiếp cận giáo dục.
Nghiên cứu cho thấy, trẻ em chiếm gần một nửa số người nghèo trên thế giới. Trên toàn cầu, tỷ lệ trẻ em nghèo cùng cực đã giảm 38% từ năm 2013 đến năm 2017, nhưng đại dịch từ cuối năm 2019 đến nay đã phá vỡ gần như tất cả những nỗ lực của các quỹ từ thiện trên thế giới.
Một cậu bé bảy tuổi ăn xin ở ngoại ô Lima, Peru giữa đại dịch COVID-19 - Ảnh: AP
Những con số ghi nhận được cho thấy, số trẻ em đói nghèo rơi vào cùng cực, có thể tăng lên 150 triệu vào năm 2021. Một thập niên tiến bộ ở các quốc gia mong manh nhất đã bị xóa sổ, khi cứ sáu trẻ em thì có một trẻ sống trong cảnh nghèo đói. ở những nước nghèo hoặc đang phát triển, trung bình năm trẻ, thì một em bị bạo hành gia đình, đánh đập và phải lao động sớm.
Riêng ở các nước Nam Á, khu vực châu Phi cận Sahara và châu Á, tình trạng bạo lực và tảo hôn đối với trẻ em gái ngày càng trầm trọng. Những cô dâu dưới 18 tuổi tăng hơn 70%, và đau lòng hơn, khi có những đứa trẻ chỉ khoảng 10 tuổi cũng bị gả đi để giảm bớt miệng ăn trong gia đình.
Tháng Tư vừa qua, Quỹ dân số Liên Hiệp quốc (UNFPA) dự đoán rằng, hơn 13 triệu cuộc hôn nhân trẻ em có thể diễn ra trong 10 năm tới do COVID-19 làm ngừng hoạt động ở các trường học, và dịch vụ kế hoạch hóa gia đình kết hợp với khó khăn kinh tế ngày càng tăng.
Khảo sát nhiều cô gái ở Ấn Độ, Bangladesh, Nepal, Sri Lanka, Lào, Campuchia và Tanzania về nghèo đói, học tập và những áp lực đối với gia đình, hơn 40% cho biết đại dịch đã đẩy gia đình họ vào cảnh đói nghèo hơn. Nhiều trẻ em tâm sự, dù chưa muốn kết hôn sớm, nhưng sự ép buộc của gia đình, xã hội khiến các em phải trở thành người vợ, người mẹ ở tuổi vị thành niên.
Tương lai khó khăn đang chờ
Khi thế giới vẫn còn đang tập trung vào việc ngăn chặn và phòng, chống dịch, phần lớn nguồn thu chi dồn vào vắc-xin, khủng hoảng, thì những nguồn tài trợ dành cho nước nghèo và trẻ em bị cắt giảm thê thảm. Hệ quả này đã làm tổn thương và ảnh hưởng tương lai toàn cầu trong 10 năm tới.
Tháng trước, UNICEF cảnh báo 800 triệu trẻ em trên toàn thế giới vẫn chưa đi học trở lại, nhiều trẻ có nguy cơ không bao giờ quay lại lớp học vì nhiều lý do, nhưng lớn nhất vẫn là nghèo đói. Giám đốc phụ trách giáo dục của Liên Hiệp Quốc - Robert Jenkins - nói rằng việc phong tỏa chỉ là một phần của sự gián đoạn "không thể tưởng tượng được" đối với việc giáo dục trẻ em.
“Những lúc cao điểm của đại dịch, 1,6 tỷ trẻ em không được đến trường và bây giờ con số đó vẫn còn hơn 800 triệu. Một nửa số này sẽ làm gì trong tương lai, họ sẽ là những lao động bị bóc lột, những công nhân đồng lương rẻ mạt, hay những bà mẹ trẻ của những đứa con ốm yếu và tiếp tục nghèo đói?” - ông Robert Jenkins đặt câu hỏi.
Liên Hiệp Quốc, Ngân hàng Thế giới đã và đang tăng cường kêu gọi các nguồn lực để hỗ trợ các quốc gia nghèo nhất bằng cách giảm nợ, hỗ trợ các khả năng phục hồi kinh tế, thúc đẩy tăng cường nguồn vốn thông qua các dịch vụ tốt hơn cho y tế, giáo dục, nhà ở và bảo trợ xã hội. “Bằng cách hợp tác cùng nhau, hy vọng chúng ta có thể vượt qua thách thức này trong thời gian càng sớm càng tốt” - ông Axel van Trotsenburg, giám đốc điều hành Ngân hàng Thế giới, nói.
Theo phunuonline.com.vn