Ai trong chúng ta chưa từng ít nhất một lần trải qua cảm giác cô đơn trong đời? Có khi, ta cô đơn bởi một mình ở thành phố lạ, cách xa bạn bè và người thân. Có khi, ta cô đơn bởi dù ở trong đám đông mà chẳng hề có tiếng nói chung. Có khi, nỗi cô đơn đến từ việc không có một người tri kỷ, thật sự hiểu mình. Tùy từng độ tuổi, từng giai đoạn của cuộc đời, chúng ta lại trải nghiệm nỗi cô đơn theo cách khác nhau.
|
Kim Thành Vũ (phải) và Lâm Thanh Hà |
Cô đơn cũng là chủ đề quen thuộc của các nhà làm phim, đặc biệt là những đạo diễn tác gia có khả năng dùng nghệ thuật điện ảnh để mô tả trạng thái cảm xúc con người. Có không ít tác phẩm hay về đề tài này, như Lost in Translation (tên tiếng Việt: Lạc lối ở Tokyo, 2003), Her (tên tiếng Việt: Nàng, 2013) hay The Lighthouse (tên tiếng Việt: Ngọn hải đăng, 2019). Ở châu Á, bộ phim Trùng Khánh sâm lâm (tên tiếng Anh: Chungking Express, 1994) của đạo diễn Vương Gia Vệ thường được nhắc đến như “bài thơ điện ảnh về sự cô đơn”. Dù ra đời đã 20 năm, tác phẩm này vẫn mang tính thời đại khi kể về những con người lạc lõng trong xã hội hiện đại.
Trùng Khánh sâm lâm lấy bối cảnh thập niên 1990 ở Hồng Kông (Trung Quốc), có 2 câu chuyện gần như riêng biệt, ngoài một số cảnh đan xen các nhân vật. Nhân vật chính của câu chuyện đầu là viên cảnh sát số 223 Hà Chí Vũ (Kim Thành Vũ). Sau khi bị bạn gái chia tay, anh cương quyết chờ cô quay lại trong vòng 1 tháng. Cứ mỗi ngày, anh mua một lon dứa có hạn sử dụng đến ngày 1/5. Đến ngày này, anh sẽ ăn toàn bộ dứa và sau đó sẵn sàng đi tìm mối quan hệ mới. Hà Chí Vũ gặp được một phụ nữ không tên (Lâm Thanh Hà), thật ra là một kẻ buôn bán ma túy đang chạy trốn bọn xã hội đen.
Câu chuyện thứ hai cũng xoay quanh một viên cảnh sát, mang số hiệu 633 (Lương Triều Vĩ thủ vai). Anh cũng vừa chia tay bạn gái và hay lui tới một quán ăn nhanh. Tại đây, 633 gặp cô gái phụ việc tên Phi (Vương Phi thủ vai), vốn là cháu ông chủ. Cảm mến chàng trai, Phi bí mật đến nhà 633 để dọn dẹp. Viên cảnh sát 633 cuối cùng biết chuyện và muốn hẹn hò với Phi nhưng cô gái đã không xuất hiện.
|
Lương Triều Vỹ (trái) và Vương Phi |
Một kiệt tác ngoài dự định
Trùng Khánh sâm lâm là một trong những bộ phim được khen ngợi nhất của Vương Gia Vệ. Điều thú vị là nó ra đời ngoài dự tính, thời điểm ông đang mệt mỏi sau khi thực hiện tác phẩm kinh phí lớn Đông Tà Tây Độc. Vương Gia Vệ làm phim này giống như một cách “xả hơi” trong sự nghiệp.
Đúng như tính chất dự án, Vương Gia Vệ đi theo bản năng nghệ sĩ nhiều hơn sự sắp đặt chỉn chu về quy mô sản xuất. Kịch bản Trùng Khánh sâm lâm thậm chí chưa hoàn thành khi phim bắt đầu bấm máy, còn câu chuyện thứ hai được viết chỉ trong một ngày. Tuy nhiên, chính sự thoải mái này lại tạo ra một nét lãng đãng rất riêng cho tác phẩm.
Nhan đề tiếng Anh của phim, Chungking Express, là sự chơi chữ kết hợp của khu Chungking Mansions (Trùng Khánh đại hạ) - bối cảnh câu chuyện đầu và Midnight Express - quán ăn ở câu chuyện thứ hai. Tựa gốc của phim, Trùng Khánh sâm lâm, lại mang nghĩa là khu rừng Trùng Khánh, ám chỉ các tòa nhà cao tầng. Ở “khu rừng” đó, con người tưởng như rất gần nhau hóa ra lại vô cùng xa cách.
Trailer phim Trùng Khánh sâm lâm:
Trùng Khánh sâm lâm giống như một bài thơ điện ảnh với nhịp độ từ tốn đòi hỏi khán giả có độ lắng nhất định để thưởng thức. Nó sẽ không phù hợp với những ai ưa chuộng các bộ phim gãy gọn, giải quyết vấn đề rõ ràng. Những nhân vật trong phim đôi khi hành xử thật ngây thơ và khờ dại, như chàng trai nhất mực gom hết đống dứa hộp sắp hết hạn để chờ người mình yêu quay lại hay cô nàng thầm lặng đến nhà viên cảnh sát để lau dọn cho anh nhưng lại từ chối một cuộc hẹn.
Đôi khi chúng ta thấy các nhân vật hành động thật lòng vòng, nhiều lần bỏ lỡ cơ hội thay vì giãi bày rõ tình cảm của mình. Dường như họ vừa muốn thoát khỏi sự cô đơn lại vừa muốn nhấm nháp chúng, như một thứ căn tính mà họ chẳng thể nào rời bỏ được. Vương Gia Vệ đặt câu chuyện vào bối cảnh Hồng Kông, nơi nhịp sống luôn hối hả, cũng như 2 nhân vật chính đều là cảnh sát, ngành nghề mà chúng ta thường thấy khía cạnh mạnh mẽ, dũng cảm hơn là những khoảnh khắc cô đơn.
Không phải là bộ phim khiến người xem rơi nước mắt nhưng Trùng Khánh sâm lâm vẫn gợi lên sự u sầu về cảm giác cô đơn dường như không thể tránh khỏi. Ngay cả khi ở trong đám đông, người ta vẫn có thể cảm thấy hoàn toàn lạc lõng. Cả những nhân vật tưởng chừng rất mạnh mẽ như cảnh sát hay “bơ đời” như tội phạm cũng trải qua cảm xúc này.
|
Nhiều cảnh quay tạo nên chất điện ảnh thơ của Vương Gia Vệ |
Sự nên thơ của cô đơn
Kết hợp cùng nhà quay phim cộng tác lâu năm Christopher Doyle, Vương Gia Vệ tạo ra những khung hình nâng tầm tác phẩm và thể hiện rõ chủ đề phim. Ở một cảnh quay đầu phim khi Hà Chí Vũ đang truy đuổi tội phạm, hình ảnh chuyển động xung quanh anh bị mờ, trong khi camera di chuyển dọc theo Hà Chí Vũ đang chạy. Sự đơn độc trong hỗn loạn cũng báo trước cảm xúc chủ đạo của Hà Chí Vũ, chàng trai vừa thất tình nhưng vẫn theo đuổi mong ước hão huyền rằng người yêu sẽ quay lại.
Qua cách quay phim, Hồng Kông trong câu chuyện đầu mang dáng dấp gấp gáp và hơi rối rắm. Những thước phim như mô phỏng cuộc sống không ngủ về đêm của kẻ thuộc giới xã hội đen, như cô gái đeo kính râm. Ở góc độ khác, sự gấp gáp này cũng phản chiếu tâm trạng của Hà Chí Vũ - muốn nhanh chóng thoát khỏi sự cô đơn bằng việc đặt ra quy định rằng sẽ quen người mới ngay sau khi ăn hết mớ dứa hộp.
Ở câu chuyện thứ hai, các khung hình có phần tĩnh lại, như mô phỏng tính cách của 633 - một người cũng đang buồn vì thất tình nhưng có phần bình tĩnh hơn. Cuộc gặp gỡ giữa anh và Phi mang đến nhiều hy vọng hơn cho khán giả. Những hành động ngẫu hứng, đôi khi hơi trẻ con của Phi trong nhà 633 tạo ra nhiều khoảnh khắc thú vị.
Tuy nhiên, khán giả tinh ý có thể nhận ra ẩn ý về sự chia ly của 2 người qua bài hát California Dreamin’ (tạm dịch: Giấc mơ California) mà Phi thường nghêu ngao hát theo. Nó là ẩn ý về giấc mơ Mỹ - sự thoát ly và hướng ngoại dường như đối lập với bản tính ưa ổn định của chàng trai.
Ở phân cảnh Phi trong nhà 663 và chơi với máy bay cùng thú nhồi bông của anh, máy quay cố gắng bắt theo những hành động giật cục của cô. Phong cách này trái ngược với những thước phim trước đó về 663, khi anh ta nhẹ nhàng với xà phòng, chiếc khăn và thú nhồi bông. Khi 663 nói chuyện với các đồ vật trong căn hộ như thể chúng là con người, camera thường xuyên dừng lại. Đó là những cảnh quay thể hiện sự cô đơn tột cùng của nhân vật.
|
Sự lạc lõng được thể hiện qua nhiều khung hình |
Trùng Khánh sâm lâm chỉ có 4 diễn viên chính nhưng đều để lại ấn tượng mạnh cho người xem. Ở câu chuyện đầu, Lâm Thanh Hà với dáng vẻ luôn bí ẩn và hối hả đối lập với Kim Thành Vũ hơi ngây thơ. Ở câu chuyện thứ hai, Vương Phi tạo ra những khoảnh khắc thật sống động của cô gái đang yêu nghịch ngợm, còn Lương Triều Vỹ chinh phục từng cảnh quay với cái nhìn ấm áp đặc trưng.
Sự đối lập trong cách phản ứng với nỗi thất tình của 2 nhân vật nam đã tạo ra sắc thái khác biệt của 2 câu chuyện nhưng đến cuối cùng, dường như họ đều chỉ là những bộ mặt khác nhau của sự cô đơn. Vượt lên nhu cầu kể một câu chuyện trọn vẹn, Trùng Khánh sâm lâm nhấn mạnh vào việc khắc họa trải nghiệm thường tình của con người, một kiểu phim nói về cảm giác chứ không phải logic. Thậm chí có thể nói cô đơn mới là “nhân vật” chính Vương Gia Vệ muốn thể hiện, còn các vai diễn chỉ là đường dẫn cho khán giả tìm đến và nhấm nháp thứ cảm xúc này.
Theo phụ nữ TPHCM