leftcenterrightdel
 Nhóm công nhân cơ khí làm việc tại một nhà máy Trung Quốc.

Theo một số nhà hoạch định chính sách, nếu muốn trở thành một cường quốc trong lĩnh vực sản xuất tiên tiến, Trung Quốc cần phải phá bỏ được những định kiến về bằng cấp, đồng thời mở ra những cơ hội mới cho những thanh niên lựa chọn học nghề. Bên cạnh đó, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới cũng cần giải quyết những thách thức khác như thu hút giới trẻ tham gia đào tạo nghề, xây dựng chương trình học phù hợp với nhu cầu tuyển dụng của các công ty, doanh nghiệp.

Theo ông Li Xiaoxuan, Đại biểu Ủy ban toàn quốc Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc (CPPCC), đồng thời là Chủ tịch điều hành Đại học Kinh doanh và Công nghệ Vân Nam, chỉ 1,4% chỉ tiêu trong kỳ thi tuyển dụng của nhà nước năm 2022 dành cho sinh viên tốt nghiệp trường dạy nghề là con số tương phản rõ rệt so với mức 92,5% dành cho sinh viên có bằng đại học.

“Đây chính là sự phân biệt đối xử mà những sinh viên tốt nghiệp trường dạy nghề đang phải đối mặt. Các cơ quan, tổ chức và doanh nghiệp nhà nước cần đi đầu trong việc phá vỡ rào cản này”, ông Li nhấn mạnh. “Các trường dạy nghề luôn bị coi là phương án cuối cùng, chỉ những sinh viên không có khả năng thi đỗ đại học mới chọn đăng ký vào những cơ sở đào tạo này. Đó cũng chính là một trong những nguyên do khiến bằng tốt nghiệp tại các trường dạy nghề ít được công nhận”.

Tuy nhiên, việc hầu hết sinh viên lựa chọn học nghề đều có tư duy, nhận thức yếu kém hoặc gặp khó khăn trong học tập. Điều này được cho là ít nhiều cũng sẽ ảnh hưởng đến chất lượng đầu ra tại trường dạy nghề.

“Ở tỉnh Giang Tô, 33,6% học sinh tốt nghiệp trường dạy nghề không đáp ứng được các yêu cầu cơ bản khi làm việc thực tế. Tình trạng này có những tác động tiêu cực đến uy tín của các cơ sở đào tạo nghề”, ông Li Xiaoxuan nhấn mạnh.

leftcenterrightdel
 Lớp học kĩ thuật điện tại một trường dạy nghề ở Bắc Kinh.

Trong thị trường lao động cạnh tranh khốc liệt của Trung Quốc, việc tốt nghiệp các cơ sở đào tạo nghề thường khiến sinh viên bị đánh giá thấp, chỉ được nhận mức lương thấp và bị hạn chế về cơ hội việc làm, thậm chí bằng cấp từ các trường nghề sẽ không được công nhận trong một số trường hợp nhất định.

Trung Quốc đang thiếu nguồn lao động chất lượng cao chủ yếu ở các ngành công nghệ tiên tiến. Thực tế này đang đẩy nền kinh tế thứ hai thế giới vào thế khó khi Trung Quốc đặt ra mục tiêu “tự lực và tự chủ về khoa học và công nghệ”. Trong khi đó, Trung Quốc phát triển mạnh ở một số ngành nghề như công nghệ, big data, sản xuất thông minh, y sinh hay năng lượng tái tạo, các trường cao đẳng nghề tại nước này lại tập trung xây dựng chương trình đào tạo cho nhóm ngành dịch vụ. Chính tình trạng này đã dẫn đến sự chênh lệch, mất cân bằng trong cán cân cung – cầu lao động, các công ty khó tuyển dụng lao động lành nghề còn sinh viên tốt nghiệp không có việc làm.

Số liệu thống kê từ Quốc vụ viện Trung Quốc năm ngoái cũng đưa ra những con số giật mình: Tỷ lệ lao động lành nghề trên tổng số lao động của nước này chỉ vẻn vẹn 26%. Con số này thấp hơn nhiều so với mức 40% ở Nhật Bản và 50% ở Đức - theo số liệu năm 2022 của Tổ chức Lao động Quốc tế.

Su Xiuli, Phó Giám đốc Trung tâm Hướng nghiệp thuộc Ủy ban Giáo dục thành phố Bắc Kinh cho biết, số sinh viên dự kiến tốt nghiệp đại học trong năm 2023 sẽ đạt mức cao kỷ lục: 11,6 triệu cử nhân. “Thị trường việc làm trong năm nay chắc chắn sẽ gặp rất nhiều khó khăn”, bà Su nhận định.

Mặc dù Trung Quốc hiện đã triển khai một số chính sách khuyến khích những người lao động có tay nghề, kĩ thuật cao, nhưng biện pháp này dường như không phải lúc nào cũng hiệu quả.

“Tại tỉnh Chiết Giang, mặc dù địa phương này quy định rằng các lao động chất lượng cao sẽ được hưởng khoản tiền phụ cấp hàng tháng là 1.200 nhân dân tệ (tương đương 174 USD), nhưng nhiều doanh nghiệp tư nhân đã cắt giảm số tiền này xuống chỉ còn 200 nhân dân tệ”, ông Han Qifang, một quan chức Trung Quốc, chỉ rõ. “Tôi nghĩ khi chính phủ đưa ra một chính sách, họ cần có một cơ chế giám sát tương ứng để chính sách đó được thực hiện hiệu quả. Những lao động chất lượng cao không nhận được số tiền phụ cấp như những gì họ xứng đáng được hưởng, đó là một điều bất công”, ông Han nhấn mạnh.

Theo ngaynay