|
|
Gần 1/4 dân số Trung Quốc từ 60 tuổi trở lên vẫn đang lao động, hầu hết trong lĩnh vực nông nghiệp - Ảnh: Yicaiglobal |
Hôm 29/5, tờ Nhật báo Kinh tế kêu gọi các cơ quan chức năng khuyến khích nhiều người trên 60 tuổi đi làm trở lại, vì “việc tái tuyển dụng người già đã trở thành một vấn đề cấp bách và thực tế cần được giải quyết”.
Bài viết lặp lại quan điểm trên tờ Nhân dân Nhật báo vào tuần trước, gọi 137 triệu người già khỏe mạnh và phần lớn chỉ ngoài 60 của Trung Quốc là một “nguồn lực cần được phát triển”.
Zhao Biqian - một nhà nghiên cứu tại Học viện Lao động và An sinh xã hội Trung Quốc - nói với tờ Nhật báo Kinh tế: “Khi dân số của già đi, nhiều lĩnh vực yêu cầu người cao tuổi tiếp tục làm việc và họ cũng có mong muốn tiếp tục làm việc. Do đó chúng ta cần thúc đẩy quan điểm tích cực đối với cảnh già hóa dân số và nâng cao nhận thức của xã hội về dân số già, tạo ra một bầu không khí tích cực cho họ tái nhập thị trường lao động”.
Ông Zhao viện dẫn mô hình từ các quốc gia có dân số già hóa như Nhật Bản và Pháp trong việc thành lập các trường đại học dành cho người cao tuổi, khuyến khích các công ty thuê người trên 70 tuổi và có các dịch vụ cộng đồng để giúp người cao tuổi tìm việc làm.
Tuổi nghỉ hưu bắt buộc của Trung Quốc đối với nam giới là 60, 55 đối với nữ nhân viên văn phòng và 50 đối với nữ công nhân, trong khi tuổi thọ trung bình của nước này là 77,93.
Do tuổi nghỉ hưu thấp hơn nhiều so với các nước phát triển, Bắc Kinh đã tính đến việc lùi tuổi nghỉ hưu. Vào cuối năm 2022, Trung Quốc có hơn 280 triệu người trên 60 tuổi, chiếm 19,8% dân số.
Zhang Chenggang - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Mô hình Việc làm Mới của Trung Quốc tại Đại học Kinh tế và Kinh doanh Bắc Kinh - cho rằng, hệ thống tái tuyển dụng người già đã nghỉ hưu hiện tại không đủ bảo vệ quyền lợi của họ.
Ông Zhang cho biết: “Khi thuê người già trên 60 tuổi, người sử dụng lao động chỉ cần trả thù lao và không cần đóng góp vào quỹ an sinh xã hội của họ.
Các luật hiện hành không đủ bảo vệ người già được tuyển dụng lại. Trong trường hợp xảy ra tranh chấp lao động hoặc tai nạn lao động, họ có thể không được bảo vệ theo luật lao động vì họ đã quá tuổi nghỉ hưu theo luật định”.
Do đó, ông Zhang kêu gọi chính phủ thực hiện các chính sách chống phân biệt tuổi tác để bảo vệ quyền của người lao động cao tuổi.
Đồng thời, các công ty cũng nên đáp ứng nhu cầu của những người lao động lớn tuổi, những người thích giờ làm việc linh hoạt và không thể đảm nhận những công việc đòi hỏi quá nhiều thể lực hoặc có nguy cơ cao bị thương liên quan đến công việc.
Dân số trong độ tuổi lao động của Trung Quốc – những người từ 16 đến 59 tuổi – đã giảm hơn 26 triệu người từ năm 2012 đến năm 2019, gây áp lực lên lực lượng lao động đang thu hẹp rong việc đảm bảo bình ổn quỹ lương hưu cho số lượng người về hưu ngày càng tăng.
Theo phụ nữ TPHCM