Ngày 1/8, Su Bingtian (32 tuổi) trở thành VĐV châu Á đầu tiên lọt vào chung kết Olympic với nội dung chạy nước rút cự ly 100 m nam kể từ năm 1932.

Dấu mốc lịch sử này chứng minh cho nỗ lực cải thiện thể chất toàn dân của chính phủ Trung Quốc suốt nhiều thập kỷ qua, theo Sixth Tone.

Những VĐV thành công khẳng định tài năng trên trường quốc tế được coi như hình mẫu cho hơn 1 tỷ công dân, khuyến khích họ tập luyện thể thao và quan tâm tới sức khỏe.

Tình trạng béo phì, gia tăng các bệnh mạn tính liên quan tới chế độ ăn uống đang cản trở kế hoạch cải thiện thể trạng toàn dân của chính phủ Trung Quốc. Ảnh: Getty.


Một số dân mạng kêu gọi cộng đồng tích cực tiêu thụ "nhiều thịt, sữa, trứng hơn" để có thể mạnh mẽ như các VĐV.

Nhưng một số báo cáo cho thấy tình trạng béo phì và các bệnh mạn tính liên quan tới chế độ ăn vẫn ảnh hưởng lớn tới kế hoạch này.

Lối sống không lành mạnh


Trong vài thập kỷ qua, xứ tỷ dân đạt được nhiều tiến bộ trong việc cải thiện tình trạng thể chất của người dân. Hai báo cáo gần đây chỉ ra tỷ lệ suy dinh dưỡng đang giảm dần, khoảng cách thể lực giữa cư dân thành thị và nông thôn cũng được thu hẹp.

Thành công này liên quan trực tiếp tới việc thay đổi chế độ ăn uống toàn dân vào những năm 1980. Khi kinh tế Trung Quốc khởi sắc, người dân chuyển sang tiêu thụ thực phẩm giàu chất béo, đạm, nhiều năng lượng, đặc biệt là các sản phẩm từ động vật.

Điều này giúp chiều cao trung bình của người dân nước này tăng đáng kể từ đầu những năm 1980.

Người dân Trung Quốc được khuyến khích ăn nhiều thịt, trứng, sữa, và vận động thường xuyên để có sức khỏe tốt như các VĐV. Ảnh: J-Pal.


Do đó, Sixth Tone nhấn mạnh sự thành công của các VĐV Trung Quốc tại Olympic 2020 càng khẳng định cho hiệu quả của các biện pháp cải thiện sức khỏe, chất lượng dinh dưỡng trên.

Tuy nhiên, hai báo cáo trên đều xác định một xu hướng đáng lo ngại. Dù người dân có ý thức cao về sức khỏe, tổn thất lao động do bệnh mạn tính giảm đáng kể, tỷ lệ béo phì và các bệnh liên quan tới chế độ ăn lại có xu hướng gia tăng.

Cụ thể, tỷ lệ người thừa cân ở mọi lứa tuổi, cả thành thị và nông thôn, đều tăng trong vài năm gần đây, chiếm hơn một nửa số dân trưởng thành ở nước này.


             Tình trạng dư thừa chất dinh dưỡng, ít vận động khiến tỷ lệ béo phì ở xứ  tỷ dân gia tăng những năm gần đây. Ảnh: QZ.


Các chuyên gia cho rằng nguyên nhân gây ra điều này là tình trạng tiêu dùng quá mức và lối sống không lành mạnh.

Việc tiêu thụ thực phẩm có nguồn gốc động vật đã đóng vai trò tích cực để cải thiện thể trạng, nhưng có thể gây thừa chất béo cho cơ thể. Ngoài ra, mức sử dụng dầu ăn và muối của dân Trung hiện nay cao hơn nhiều do với khuyến nghị, xu hướng ưa thích đồ uống có đường dần tăng cao.

Vấn đề suy dinh dưỡng ngày trước nay được thay thế bằng chế độ ăn mất cân đối, dư thừa chất: người dân đang tiêu thụ quá nhiều thực phẩm giàu năng lượng, ít dinh dưỡng, kén ăn rau củ, trái cây hay các sản phẩm từ sữa.

Thống kê chỉ ra lượng calo bình quân đầu người hiện tại ở xứ tỷ dân là 3.108 kcal mỗi ngày, cao hơn đáng kể so với mức trung bình của thế giới là 2.884 kcal và của Nhật Bản là 2.726 kcal.

Ngoài việc mất cân bằng dinh dưỡng, người dân cũng ngày càng ít vận động. Thời gian vận động giảm do họ dành nhiều thời gian ngồi trước màn hình máy tính, điện thoại gia tăng làm cho nguy cơ béo phì và các bệnh mạn tính trở nên nghiêm trọng hơn.

Không đơn giản là "ăn nhiều trứng, thịt, sữa"


Năm nay, chính phủ Trung Quốc tuyên bố cuộc chiến chống nạn nghèo đói trên toàn quốc đã thắng lợi. Hiện nay, nguồn ngũ cốc tươi, thực phẩm đang ổn định, thúc đẩy giới chức chuyển từ cải thiện dinh dưỡng sang nâng cao chất lượng.

Năm 2016, chính phủ ban hành "Đề cương Kế hoạch Trung Quốc khỏe mạnh 2030" làm tiền đề cho kế hoạch dinh dưỡng quốc gia mới, dự kiến được ban hành vào năm sau.

        Mục tiêu của chính phủ Trung Quốc là tới năm 2025, sẽ có khoảng 38,5% người dân siêng tập luyện thể dục. Ảnh: CGTN.


Kế hoạch này kêu gọi người dân ăn uống cân bằng, siêng tập thể dục, đồng thời yêu cầu các chuyên gia nghiên cứu và can thiệp nhiều hơn nhằm giảm tình trạng béo phì, các bệnh mạn tính liên quan đến dinh dưỡng.

Năm nay, Trung Quốc tiếp tục đề xuất một kế hoạch 5 năm về thể dục toàn dân. Nghiên cứu đề xuất tới năm 2025, 38,5% người dân sẽ thường xuyên vận động, tăng từ mức 37,2% vào thời điểm hiện tại.

Ở các địa phương, giới chức huy động các nguồn lực có thể nhằm đạt được những mục tiêu y tế từ chính phủ. Từ năm ngoái, một số giáo sư đại học ở Thượng Hải được điều phối xuống các khu dân cư làm việc với tư cách "chuyên gia sức khỏe cộng đồng".

Họ có nhiệm vụ tư vấn cho cư dân, bao gồm người cao tuổi và người khuyết tật, về cách tập luyện thể lực, điều chỉnh chế độ ăn uống nhằm tăng cường sức khỏe thể chất.

Trong thời gian tới, các loại thực phẩm có nguồn gốc từ động vật vẫn được cung cấp đầy đủ, chiếm phần lớn món ăn trên bàn cơm của người Trung Quốc.

Tuy nhiên, mục tiêu "sức khỏe cho mọi người" không thể đạt được chỉ nhờ ăn nhiều trứng, sữa và thị mà cần cân đối chế độ ăn uống phù hợp với thể trạng từng cá nhân.

Theo Zing