Angela Di Iorio từng có kế hoạch mang thai vào thời điểm này trong năm. Song, sau khi phải hoãn đám cưới lần thứ hai vì Covid-19, người phụ nữ Italy 36 tuổi bắt đầu tự hỏi liệu đó có phải quyết định đúng đắn hay không.
"Kế hoạch của chúng tôi luôn là kết hôn, sau đó lập gia đình. Nhưng tôi và hôn phu không còn ổn định như trước đây, dù đã làm việc chăm chỉ. Và chúng tôi đang già đi", cô chia sẻ.
Iorio là bác sĩ xương khớp, ở Rome. Hôn phu của cô đã nghỉ việc gần một năm kể từ khi phòng gym họ cùng sở hữu buộc phải đóng cửa để ngăn ngừa Covid-19.
Một năm sau đại dịch, dữ liệu sơ bộ của các cuộc khảo sát chỉ ra rằng tình trạng suy thoái của nhiều nền kinh tế tiên tiến, từ Mỹ, châu Âu đến Đông Á, là nguồn cơn của tỷ lệ sinh giảm. Sự kết hợp của khủng hoảng sức khỏe và tài chính khiến nhiều người trì hoãn kế hoạch có con. Các nhà nhân khẩu học cảnh báo đây không phải một vấn đề ngắn hạn, đặc biệt nếu đại dịch và hậu quả kinh tế của nó kéo dài.
Tomas Sobotka, nhà nghiên cứu tại Trung tâm Nhân khẩu học và Nguồn lực Toàn cầu ở Vienna, cho biết: "Tất cả bằng chứng đều chỉ ra sự sụt giảm mạnh về tỷ lệ sinh chắc chắn lâu dài. Nó sẽ tạo ra những ảnh hưởng vĩnh viễn đến xu hướng sinh sản".
Cuộc khảo sát do nhóm nghiên cứu Italy Osservatorio Giovani thực hiện từ cuối tháng 3 đến đầu tháng 4, tại 5 quốc gia lớn nhất Tây Âu là Đức, Pháp, Italy, Tây Ban Nha và Anh, cho thấy hơn hai phần ba số người tham gia từng dự định sinh con năm 2020 quyết định hoãn hoặc hủy bỏ kế hoạch này trong năm tới.
Theo nghiên cứu của Viện Guttmacher vào cuối tháng 4 và đầu tháng 5 năm ngoái, tại Mỹ, một phần ba số phụ nữ được hỏi muốn trì hoãn việc sinh con hoặc sinh ít con hơn vì đại dịch. Viện Brookings ước tính trong năm 2021, người dân nước này sẽ đẻ ít hơn năm 2020 khoảng 300.000 trẻ em. Phân tích dựa trên khảo sát thực tế và kinh nghiệm lịch sử, rằng tỷ lệ thất nghiệp tăng một điểm phần trăm sẽ khiến tỷ lệ sinh giảm 1%.
Dữ liệu ca sinh năm 2020 của nhiều quốc gia phải vài tháng nữa mới được công bố. Song con số mà những nước còn lại vừa báo cáo không hề khả quan.
9 tháng kể từ khi đại dịch bắt đầu, Nhật Bản, Pháp và Bỉ có lượng trẻ sơ sinh giảm đột ngột so với cùng kỳ năm trước. Tại Pháp, số ca sinh trong tháng 1 giảm 13,5%. Hungary chịu tình trạng tương tự.
Quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất cho đến nay là Italy. Một trong những nước có dân số già nhất thế giới đã phải vật lộn với tỷ suất sinh giảm trong nhiều năm, một phần là do nền kinh tế cằn cỗi khiến nhiều người trẻ bị bỏ lại phía sau. Tiếp đó, Covid-19 tấn công Italy khá sớm và mạnh mẽ.
Tình trạng khẩn cấp về sức khỏe kéo dài ở châu Âu và cuộc chiến phục hồi nền kinh tế đồng nghĩa khủng hoảng trẻ em khó có thể kết thúc sớm. Đại dịch cũng khiến người dân không thể gặp gỡ và bắt đầu các mối quan hệ mới.
Maria Vicario, người đứng đầu Hiệp hội Hộ sinh Quốc gia Italy, cho biết: "Tình trạng giảm sinh đã xuống đến mức chưa từng thấy. Những vấn đề chúng tôi từng gặp phải vẫn còn hiện hữu. Hơn hết, các đám cưới phải hoãn lại và ngày càng nhiều cặp vợ chồng trẻ thất nghiệp. Những người mất việc không thể nghĩ đến chuyện có con".
Trong lịch sử phát triển xã hội, các sự kiện đau thương như đại dịch, chiến tranh hay khủng hoảng kinh tế thường dẫn đến giảm số ca sinh. Một số đợt bùng nổ trẻ sơ sinh xuất hiện lẻ tẻ trong thời gian ngắn, sau đó tình hình bị đảo ngược. Theo các chuyên gia nhân khẩu, đợt khủng hoảng càng kéo dài, kế hoạch sinh con càng bị hoãn lại, có nguy cơ không bao giờ xảy ra. Chẳng hạn, sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, tỷ lệ sinh của Mỹ giảm kỷ lục năm 2008 và tiếp tục giảm kể từ đó đến nay.
Đây là tin xấu đối với các nền kinh tế lớn. Người trẻ thúc đẩy sự đổi mới, tăng trưởng và là nguồn lực cần thiết để hỗ trợ hệ thống lương hưu, chăm sóc sức khỏe trong các xã hội già hóa. Tình trạng khan hiếm lao động khiến cho việc duy trì năng suất trở nên khó khăn. Đó là vấn đề khiến giới chức Trung Quốc đau đầu một thời gian dài. Đất nước tỷ dân vốn đang trên đà giảm sinh do ảnh hưởng của chính sách một con kéo dài ba thập kỷ, đến năm 2015.
Các cặp vợ chồng Trung Quốc hiện có thể sinh hai con, song nhiều người đã quyết định hoãn kế hoạch vào năm 2020. Khảo sát cho thấy phụ nữ không muốn đi khám thai vì sợ nhiễm nCoV. Liu Xiaoqing, 32 tuổi, ở Bắc Kinh, cho biết đại dịch đã khiến cô không còn muốn sinh con thứ hai. Cô nói: "Tôi thậm chí chẳng thể bảo vệ một đứa trẻ khỏi thảm họa lớn đến thế này, đừng nói đến hai đứa".
Trung Quốc chưa công bố dữ liệu dân số năm 2020, nhưng chính quyền địa phương đã báo cáo tỷ suất sinh giảm ở mức hai chữ số từ năm 2019.
Một số nước tăng cường hỗ trợ tài chính cho các cặp đôi quyết định cưới và có bầu. Ở Nhật Bản, chính quyền hỗ trợ tiền điều trị hiếm muộn cho các cặp vợ chồng kể từ tháng 1 năm nay. Số trẻ sơ sinh tại Nhật đã giảm 9,3% trong tháng 12 so với cùng kỳ năm trước đó.
Khi Covid-19 ập đến vào tháng 12, Haruka Matsui, 34 tuổi, đã ngừng điều trị hiếm muộn. "Việc đến phòng khám khó khăn hơn rất nhiều. Tôi sẽ hoãn kế hoạch một thời gian, vì tôi chưa già lắm", cô nói. Matsui mang thai con đầu lòng tự nhiên, song nỗ lực sinh con thứ hai khó khăn hơn nhiều.
Theo vnexpress