|
Nhân viên ở Ấn Độ cho biết họ thường xuyên phải làm việc quá sức và được trả lương thấp |
Anna Sebastian Perayil - một kế toán tại công ty Ernst & Young (EY) - đã qua đời vào tháng 7 vừa qua, chỉ 4 tháng sau khi cô gia nhập công ty. Cha mẹ cô đã cáo buộc rằng "áp lực công việc quá lớn" tại công ty mới đã ảnh hưởng đến sức khỏe và dẫn đến cái chết của cô.
EY đã bác bỏ cáo buộc này, nói rằng Perayil được phân công công việc giống như mọi nhân viên khác, và họ không tin rằng áp lực công việc có thể cướp đi sinh mạng của cô.
Cái chết của cô gái 26 tuổi đã để lại nỗi đau sâu sắc cho gia đình và làm dấy lên cuộc tranh luận về "văn hóa hối hả" được nhiều tập đoàn và công ty khởi nghiệp phát triển - với một tư duy, đạo đức nghề nghiệp là ưu tiên năng suất - thường gây tổn hại đến phúc lợi của nhân viên.
Một số người cho rằng văn hóa này thúc đẩy sự đổi mới và tăng trưởng, với nhiều người chọn làm thêm giờ vì đam mê hoặc tham vọng. Những người khác nói rằng nhân viên thường bị quản lý gây áp lực, dẫn đến kiệt sức và chất lượng cuộc sống giảm sút.
Cái chết của Perayil trở thành tâm điểm chú ý sau khi một lá thư do mẹ cô - bà Anita Augustine - viết gửi cho EY lan truyền trên mạng xã hội vào tuần trước. Trong thư, bà đã nêu chi tiết những áp lực mà con gái bà đã trải qua tại nơi làm việc, bao gồm cả việc làm đến tận đêm khuya và vào cuối tuần, kêu gọi EY "xem xét lại văn hóa làm việc" và thực hiện các bước để ưu tiên sức khỏe của nhân viên.
|
Anna Sebastian Perayil đã qua đời chỉ sau 4 tháng gia nhập công ty mới |
"Kinh nghiệm của Anna làm sáng tỏ một nền văn hóa làm việc dường như tôn vinh việc làm việc quá sức, mà bỏ bê chính con người đằng sau các vai trò của họ. Những yêu cầu không ngừng nghỉ và áp lực phải đáp ứng những kỳ vọng không thực tế là không bền vững, và chúng khiến chúng ta mất đi mạng sống của một người phụ nữ trẻ có nhiều tiềm năng" - bà viết.
Nhiều người lên án EY vì "văn hóa làm việc độc hại", chia sẻ kinh nghiệm của họ trên Twitter và LinkedIn. Một người dùng cáo buộc rằng anh ta đã bị bắt làm việc 20 giờ một ngày tại một công ty tư vấn hàng đầu mà không được trả thêm tiền làm thêm giờ.
"Văn hóa làm việc ở Ấn Độ thật kinh khủng. Mức lương thì tệ hại, sự bóc lột thì ở mức tối đa. Những người sử dụng lao động thường xuyên quấy rối người lao động không hề có bất kỳ hậu quả nào và cũng không hề hối hận", một người dùng khác viết, đồng thời nói thêm rằng các nhà quản lý thường được khen ngợi vì làm việc quá sức và trả lương thấp cho nhân viên.
Một cựu nhân viên EY đã chỉ trích văn hóa làm việc tại công ty, và cáo buộc rằng nhân viên thường bị "chế giễu" vì tan làm đúng giờ và phải "xấu hổ" vì nghỉ cuối tuần.
"Các thực tập sinh được giao khối lượng công việc điên rồ, thời gian không thực tế và bị làm nhục trong các buổi đánh giá, vì quá trình này sẽ giúp họ hình thành tính cách cho tương lai", anh viết.
Giám đốc EY tại Ấn Độ - Rajiv Memani - nói rằng công ty rất coi trọng phúc lợi của nhân viên. "Tôi muốn khẳng định rằng phúc lợi của nhân viên là ưu tiên hàng đầu của tôi, và tôi sẽ đích thân ủng hộ mục tiêu này", ông viết trong 1 bài đăng trên LinkedIn.
|
Các chuyên gia cho biết các công ty đã thể chế hóa "văn hóa làm việc hối hả" và nhân viên đã chấp nhận điều đó |
Cái chết của Perayil không phải là sự cố đầu tiên khiến văn hóa làm việc của Ấn Độ bị chỉ trích. Vào tháng 10/2023 đồng sáng lập Infosys Narayana Murthy đã phải đối mặt với sự chỉ trích vì cho rằng thanh niên Ấn Độ nên làm việc 70 giờ một tuần để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của đất nước.
Vào năm 2022, Shantanu Deshpande - người sáng lập Công ty Bombay Shaving - đã yêu cầu những người trẻ tuổi ngừng "than phiền" về giờ làm việc và đề xuất những người mới vào nghề ở bất kỳ công việc nào cũng nên chuẩn bị làm việc 18 giờ một ngày trong 4-5 năm đầu tiên của sự nghiệp.
Nhưng các chuyên gia sức khỏe tâm thần và các nhà hoạt động vì quyền lao động cho rằng những yêu cầu như vậy là không công bằng, khiến nhân viên phải chịu áp lực rất lớn. Trong thư, mẹ của Perayil cáo buộc rằng con gái bà đã trải qua "sự lo lắng và mất ngủ" ngay sau khi gia nhập EY.
Ấn Độ được biết đến là một trong những quốc gia có lực lượng lao động làm việc quá sức nhất trên toàn cầu. Một báo cáo gần đây của Tổ chức Lao động Quốc tế cho biết một nửa lực lượng lao động của Ấn Độ làm việc hơn 49 giờ mỗi tuần, khiến Ấn Độ trở thành quốc gia thứ 2 sau Bhutan có giờ làm việc dài nhất.
Nhà kinh tế học lao động Shyam Sunder cho biết văn hóa làm việc của Ấn Độ đã thay đổi sau những năm 1990 với sự phát triển của ngành dịch vụ, khiến các công ty bỏ qua luật lao động để đáp ứng nhu cầu 24/7.
"Ngay cả trong các trường kinh doanh, sinh viên cũng được ngầm nói rằng làm việc nhiều giờ để kiếm được mức lương cao là bình thường và thậm chí là đáng mong muốn", ông nói.
Theo ông, để có bất kỳ thay đổi thực sự nào trong văn hóa doanh nghiệp, cần phải có một "sự thay đổi về tư duy" - một sự thay đổi mà cả công ty và nhân viên đều tiếp cận công việc với góc nhìn trưởng thành hơn, coi công việc là quan trọng nhưng không phải là mục đích duy nhất của cuộc sống".
Chandrasekhar Sripada, một giáo sư tại Trường Kinh doanh Ấn Độ cho biết văn hóa làm việc độc hại là một vấn đề phức tạp, liên quan đến nhiều bên và mọi người - từ các nhà lãnh đạo ngành đến các nhà quản lý, nhân viên và thậm chí cả xã hội, sẽ phải thay đổi cách họ đối xử với người lao động.
Theo phụ nữ TPHCM