"Tôi từng trị liệu cho một tư vấn viên tại công ty kế toán lừng danh. Anh ấy làm việc 18 giờ mỗi ngày, không đủ thời gian ngủ. Dù người thân mắc Covid-19, anh vẫn phải công tác tại nhà, cố giữ phong thái chuyên nghiệp để gặp gỡ khách hàng".

Câu chuyện do chuyên gia tâm lý người Mumbai Devika Kapoor chia sẻ với VICE chỉ là một trong số hàng loạt trường hợp nhân viên tại các công ty, tập đoàn ở Ấn Độ gặp phải.


Dù tình hình dịch Covid-19 ở Ấn Độ diễn biến phức tạp, người lao động vẫn được kỳ vọng phải hoàn thành công việc vì văn hóa "làm việc kiệt sức". Ảnh: AP.


Từ trước tới nay, người lao động tại đất nước tỷ dân này luôn đối diện với văn hóa làm việc độc hại. Họ được kỳ vọng cống hiến toàn bộ thời gian, sức lực, thậm chí cả danh dự và đời sống cá nhân để hoàn thành công việc do cấp trên giao phó.

Giữa Covid-19, văn hóa vắt kiệt sức lao động này có xu hướng nghiêm trọng hơn. Dù số ca nhiễm và tử vong do dịch bệnh leo thang từng ngày, chứng kiến người thân chật vật vì thiếu oxi, các nhân viên vẫn phải báo cáo công việc hàng ngày, gặp gỡ khách hàng trực tuyến...

Phải đi làm dù mắc Covid-19


Theo VICE, văn hóa làm việc độc hại ở đất nước tỷ dân bắt nguồn từ quan điểm con người chỉ thành công khi dốc hết sức lực, hy sinh tất cả cho công việc.

Họ được khuyến khích bỏ bê sức khỏe, nhu cầu cá nhân bằng những lời cổ vũ "bọc đường" như "Đam mê không ngơi nghỉ", "Phấn đấu tới khi số dư tài khoản dài như số điện thoại".

Mặt khác, do dư thừa nhân lực, người lao động Ấn Độ luôn cảm thấy sợ hãi, lo lắng mình bị đào thải, thay thế bởi nhân công khác bất cứ lúc nào.

"Họ có xu hướng làm việc theo tư duy khan hiếm, thường xuyên thấy thiếu thốn, mất an toàn. Thay vì làm việc thông minh, họ chọn dốc hết sức vào công việc để đổi lấy cảm giác đầy đủ", chuyên gia Kapoor nhận xét.


Lo sợ bị đào thải, nhân viên tại các công ty ở Ấn Độ buộc phải làm việc cật lực, hy sinh phần lớn thời gian cá nhân. Ảnh: Getty.


Khi dịch Covid-19 bùng phát mạnh mẽ ở Ấn Độ, phần lớn nhân viên được phép làm việc từ xa. Tuy nhiên, điều này không khiến văn hóa làm việc ở đây bớt độc hại, mà còn thêm trầm trọng.

Jaishree (32 tuổi), một luật sư tại Mumbai, nói với VICE rằng đồng nghiệp của cô buộc phải thuyết trình trước đối tác đúng hạn, dù đang vật lộn với Covid-19.

"Cô ấy sốt cao, mất giọng vì virus nhưng không được nghỉ ngơi, chữa trị đúng cách. Để đảm bảo tiến độ công việc, cô ấy phải soạn thảo nội dung, gửi qua nhờ tôi thuyết trình hộ", cô kể.

Jaishree nói thêm rằng người đồng nghiệp này là một quản lý cấp cao, hoàn toàn có thể chủ động xin hoãn cuộc họp. Song, vì sợ bị đánh giá là làm việc kém hiệu quả, cô buộc phải xoay sở để hoàn thành nhiệm vụ.

"Điều này đặt ra tiêu chuẩn khắt khe cho cấp dưới của cô ấy. Họ sẽ cảm thấy tồi tệ vì vô tình nhiễm Covid-19 hay có người thân mắc bệnh nên không thể làm tốt công việc được giao", nữ luật sư nói.


Nhân viên Ấn Độ vừa đối mặt với áp lực công việc, vừa chịu cảnh bắt nạt từ cấp trên và đồng nghiệp có thâm niên. Ảnh: Getty.


Bên cạnh áp lực công việc, các nhân viên còn thường bị cấp trên, đồng nghiệp có thâm niên la mắng, bắt nạt, thậm chí ném đồ đạc vào người.

Với tư tưởng cấp bậc sâu sắc, người lao động được kỳ vọng chấp nhận mọi yêu cầu, hành vi từ những người có chức vụ cao hơn, dù người đó có đối xử với mình ra sao.

Tình trạng này ngày càng tồi tệ do thiếu sự can thiệp đúng đắn từ luật pháp, các tổ chức công đoàn nhằm bảo vệ lợi ích, phẩm giá nhân viên.

Cụ thể, khi cả nước lao đao vì dịch bệnh, nhiều nhà quản lý ở Ấn Độ vẫn yêu cầu nhân viên mở video suốt thời gian làm việc, cài đặt thiết bị theo dõi để đảm bảo họ không chểnh mảng, lơ là nhiệm vụ.

Ngoài ra, không ít doanh nghiệp vẫn yêu cầu nhân viên có mặt tại văn phòng giữa Covid-19.

VICE cho biết mới đây, một công ty quảng cáo có tiếng đã sa thải một vài nhân viên khi họ từ chối trình diện trực tiếp vì mất người thân do Covid-19.

Sau đó, công ty này đã lên tiếng phủ nhận thông tin trên. Tuy nhiên, những ví dụ khác về yêu cầu vô lý của các công ty, doanh nghiệp Ấn Độ với người lao động vẫn tiếp tục.

Chai lì cảm xúc vì áp lực


Văn hóa làm việc tới kiệt sức khiến lực lượng lao động nước này dần bị đẩy tới mức cực hạn.

Nghiên cứu gần đây do Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) thực hiện cho thấy áp lực công việc đã dẫn đến hàng nghìn ca tử vong trên thế giới do đột quỵ và đau tim.

Trong khi đó, kết quả từ chỉ số lao động do LinkedIn công bố vào tháng 10/2020 cho thấy 2 trên 5 lao động Ấn Độ cho biết họ bị căng thẳng hơn khi làm việc giữa đại dịch.

"Giờ đây, tôi chỉ cố gắng hoàn thành công việc một cách máy móc, không thực sự tận hưởng quá trình ấy. Tôi chỉ cố gắng vượt qua một ngày mà thôi", Aaliya, một sinh viên ngành truyền thông ở New Delhi, nói.


                         Căng thẳng kéo dài khiến người lao động "cổ trắng" ở Ấn Độ bị chai lì cảm xúc. Ảnh: The Swade.


Theo các chuyên gia tâm lý, các trường hợp như Aaliya cho thấy dấu hiệu của tình trạng kiệt sức tột độ. Đáng nói, đây là vấn đề chung của rất nhiều lao động ở Ấn Độ.

"Căng thẳng kéo dài khiến mọi cảm xúc của con người đều chai lì. Những trạng thái tiêu cực như tức giận, bồn chồn, khủng hoảng xuất hiện thường xuyên tới mức họ không còn nhận ra chúng, không cảm thấy cần phải xử lý chúng nữa", Arushi Sethi, nhà hoạt động xã hội về tâm lý và sáng lập tổ chức Trijog, giải thích với VICE.

Cô khuyên rằng trong tình cảnh hỗn loạn, đau thương như hiện tại, người lao động nên thiết lập ranh giới giữa công việc và đời sống cá nhân, lên lịch trình hàng ngày, hạn chế sử dụng điện thoại và cố gắng thư giãn.

"Ở thời điểm này, cảm xúc của chúng ta cũng dễ bị tổn thương như thể chất. Chúng ta cần tự chăm sóc, ưu tiên cho bản thân để phục hồi khỏi văn hóa làm việc độc hại này".

Theo  Zing