Vẫn đến công sở làm việc bất chấp tình trạng khẩn cấp
Thủ đô Tokyo ghi nhận 144 ca mắc Covid-19 trong ngày 8/4, con số ghi nhận trong ngày cao nhất kể từ khi dịch bệnh bùng phát ở Nhật Bản. Tổng số ca mắc Covid-19 ở Tokyo đã lên tới 1.339, trong khi tổng số ca mắc trên cả nước là 4.768.
Trước đó, ngày 7/4, Thủ tướng Abe Shinzo tuyên bố tình trạng khẩn cấp đối với 7 khu vực của Nhật Bản gồm: Tokyo, Kanagawa, Saitama, Chiba, Osaka, Hyogo và Fukuoka. Tình trạng khẩn cấp sẽ có hiệu lực một tháng, đến ngày 6/5.
|
Người dân đeo khẩu trang trong lúc chờ sang đường ở Tokyo. Ảnh: Getty |
Thủ tướng Abe nhấn mạnh, việc ban bố tình trạng khẩn cấp là nhằm kêu gọi mọi người hạn chế ra ngoài để ngăn chặn bệnh Covid-19 lây lan rộng. Dù vậy, việc phong tỏa khu vực nào đó sẽ không diễn ra. Các phương tiện giao thông công cộng như tàu điện, xe bus vẫn hoạt động, hệ thống siêu thị vẫn mở cửa.
Ngày 8/4, một ngày sau khi ban bố tình trạng khẩn cấp để ngăn chặn dịch bệnh, các chuyến tàu ở Tokyo vẫn khá đông người.
“Đó là điều không thể tránh khỏi khi mọi người phải ra khỏi nhà và đi làm”, Risa Tanaka, một nhân viên văn phòng cho biết. Risa nói rằng cô vẫn thường cố gắng làm việc ở nhà, nhưng rồi vẫn phải đi ra ngoài để chuyển các văn bản giấy tờ cần con dấu của người quản lý.
Bối cảnh ở Tokyo dường như trái ngược với các nước châu Âu.
Ở nhiều nước châu Âu, cảnh sát thường xuyên phải phải tuần tra đường phố để yêu cầu người dân quay trở về nhà khi họ đi ra ngoài mà không có lý do chính đáng. Một số nước như Anh và Pháp thậm chí còn sử dụng các máy bay không người lái để giám sát xem người dân có tuân thủ chặt chẽ các biện pháp giãn cách xã hội và hạn chế đi lại hay không.
Người dân Pháp phải đem theo một tờ đơn trong đó nêu rõ lý do họ đi ra khỏi nhà và phải đối mặt với án phạt tài chính khá nặng nếu vi phạm.
“Chúng tôi đã giảm một nửa số nhân viên làm việc tại văn phòng, nhưng chúng tôi vẫn luân phiên nhau tới công sở”, Chihiro Kakegawa, nhân viên một công ty tài chính gần ga Tokyo nói, đồng thời cho biết thêm điều này khiến cô không phải đi làm hàng ngày.
Lịch trình các chuyến tàu của Công ty đường sắt Đông Nhật Bản, kết nối thủ đô Tokyo với các khu vực xung quanh, vẫn không thay đổi, và các chuyến vẫn chạy bình thường.
“Tôi không nghĩ mục tiêu giảm 70-80% tiếp xúc giữa người với người mà Thủ tướng Abe đề ra là có thể đạt được”, Yoshihiko Furusawa, một nhân viên công sở 43 tuổi, nói, khi anh chỉ về dòng người đi bộ gần ga Shinjuku đang tản về các khu văn phòng làm việc. “Tôi cho rằng điều quan trọng là ngăn mọi người các quán bar sau giờ làm việc”.
|
Người dân đeo khẩu trang khi đi qua cửa nhà ga Shinjuku ở Tokyo. Ảnh: Reuters |
Sự khác biệt từ văn hóa làm việc cứng nhắc
Việc người dân Nhật Bản vẫn tới công sở làm việc có một phần nguyên nhân từ văn hóa của nước này.
Văn hóa làm việc ở Nhật Bản đòi hỏi tương tác trực tiếp liên tục, một phần là để thể hiện sự tôn trọng. Các nhân viên điển hình được đánh giá dựa vào số giờ mà họ làm việc hơn là dựa vào kết quả mà họ đem lại. Các nhà quản lý không tin tưởng khi nhân viên làm việc ở nhà và không có gì lạ khi nhiều công ty vẫn yêu cầu nhân viên tới công sở.
“Sếp của tôi đã tuyên bố rất rõ ràng: ‘Nếu tôi cho phép các anh ở nhà, các anh có thể sẽ không tập trung làm việc. Ai mà biết được? Các anh có thể còn đang chè chén’”, một nhân viên ngân hàng cho biết.
Theo nhân viên này cho biết, các khách hàng không muốn gặp mặt trực tiếp trong bối cảnh dịch bệnh này nữa, nhưng các nhà quản lý vẫn muốn các nhân viên có mặt ở văn phòng để nhận điện thoại từ khách hàng, đơn giản là để thể hiện sự tôn trọng đối với khách hàng.
“Nếu không làm vậy, khách hàng có thể nghĩ rằng chúng tôi đang tận hưởng thời gian nghỉ ở nhà. Niềm tự hào của Nhật Bản không cho phép điều đó”.
Văn hóa làm việc cứng nhắc và đặc trưng này đã khiến Nhật Bản trở thành nước ít có sự chuẩn bị nhất trong nhóm các nước phát triển khi nói đến khía cạnh làm việc từ xa trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 hiện nay.
Sự bảo thủ trong ứng dụng công nghệ
Thực tế ở Nhật Bản, đã có một số công ty thiết lập hệ thống làm việc từ xa. Tuy nhiên, nhiều công ty vẫn chưa thực hiện điều này.
Theo Rochelle Kopp, một nhân viên tư vấn quản lý cho biết, công nghệ là một yếu tố quan trọng. Về mặt này, Nhật Bản có thể ví như chú thỏ trong truyện ngụ ngôn, khi nhanh chóng bước vào một cuộc chạy đua tới tương lai và rồi vì chủ quan tạm nghỉ giữa chừng, họ đã để những người khác vượt qua mình.
Trái với hình ảnh của một quốc gia phát triển, các công ty Nhật Bản bị tụt hậu so với các đối tác phương Tây trong lĩnh vực đầu tư công nghệ và rất nhiều công ty vẫn còn đang mắc kẹt ở 20 năm trước với các phần mềm cũ kỹ, thậm chí rất ít người biết đến điện toán đám mây hay các công cụ họp qua video.
Nhiều công ty thậm chí chỉ cho phép các nhân viên truy cập các dữ liệu và thông tin khách hàng từ máy tính đặt tại văn phòng thay vì máy tính có kết nối internet tại nhà của họ.
Trong khi đó, nhiều nhân viên còn không sở hữu laptop cá nhân – một phần là vì họ có thể sẽ đánh mất nó khi đi nhậu sau giờ làm – và nhiều người cũng không lắp đặt internet ở nhà.
Ở Nhật Bản, các doanh nghiệp vẫn còn sử dụng máy fax và các văn bản vẫn cần phải xin con dấu của người quản lý thay vì chữ ký điện tử. Cho dù nhân viên làm việc ở nhà thì họ cũng vẫn phải tới công sở để xin con dấu từ người quản lý vào các văn bản quan trọng.
Không chỉ các công ty, mà ngay cả các trường học ở Nhật Bản cũng vậy. Khi phải đóng cửa vì dịch Covid-19, các trường học Nhật Bản rất ít hoặc hầu như không triển khai việc học trực tuyến.
Kopp, người tư vấn cho các công ty phương tây và Nhật Bản về khía cạnh khác biệt văn hóa, cho rằng, nếu Nhật Bản áp lệnh phong tỏa, một số công ty sẵn sàng cho nhân viên làm việc từ xa, một số sẽ điều chỉnh tùy tình hình thực tế. Tuy nhiên sẽ có nhiều công ty khác chọn cách đóng cửa, và những người quản lý sẽ buộc nhân viên của mình phải nghỉ phép hoặc nghỉ không lương./.
Theo VOV